Nói chuyện cây

ĐẶNG HOÀNG GIANG 10/06/2017 17:06 GMT+7

TTCT- Hai năm sau câu chuyện 6.700 cây xanh, nỗi ám ảnh của nó vẫn treo lơ lửng trên bầu trời mùa hạ 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) -Nam Trần
Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) -Nam Trần

 

 Hãy điểm lại những gì đã đi vào ký ức của cộng đồng: câu nói bất hủ “Chặt cây mà cũng phải hỏi dân à?”, buổi họp báo kéo dài vỏn vẹn 10 phút với 21 câu hỏi không được trả lời, các biểu ngữ “Tôi yêu cây” quanh hồ Gươm... Vĩnh viễn nằm trong trí nhớ của tôi và tôi tin chắc của nhiều người khác là câu hỏi mang tính hiện sinh sâu sắc: “Mỡ hay vàng tâm?”.

Dự án “Chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh” vì một đô thị “văn minh, hiện đại” đã lặng lẽ bị xếp xó với tất cả những “quy hoạch khoa học và triển khai đúng quy trình” của nó.

Nhưng dường như tới giờ, chính quyền Hà Nội vẫn chưa rút ra được đầy đủ những bài học về minh bạch, về giải trình, về nghệ thuật đối thoại và làm việc với dân, tóm lại, về những gì quan trọng trong quản trị nhà nước, khi tuần qua báo chí liên tiếp đưa tin: “Hàng cây 1.300 gốc sắp bị chặt hạ” và “Hà Nội đề xuất thay thế 4.000 cây xà cừ”.

Lúc thì những cái cây phải nhường chỗ cho “phát triển”. Lúc thì chúng “u bướu”, “cong”, “nghiêng”, “già cỗi”, “thiếu thẩm mỹ”, “rễ nông, dễ đổ” và “các nước tiên tiến không trồng”.

Đã đến lúc phải phân tích sâu hơn các luận điểm này.

Luận điểm đầu tiên: Cây xà cừ không thích hợp với các thành phố nhiệt đới; người Pháp đã sai lầm khi trồng chúng ở Việt Nam; chúng ta đã đúng khi từ những năm 1960 không trồng chúng nữa và bây giờ chúng ta phải triệt hạ chúng hoàn toàn.

Ý kiến này có cơ sở thế nào?

Tên Latin của xà cừ là Khaya senegalensis, khá dễ dàng xác định nó xuất xứ từ châu Phi, nhưng trong thế kỷ 20 đã được trồng rộng rãi ở các quốc gia có khí hậu phù hợp khác.

Sau ba cái nhấn chuột, tôi gặp một tài liệu của Tổ chức quốc tế FAO về những chương trình phủ xanh đô thị của Chính phủ Malaysia từ thập kỷ 1970 tới 1990 nhằm biến đất nước này thành một “Quốc gia - Vườn” (Garden Nation).

Vào những năm 1980, khắp nơi ở Kuala Lumpur người ta tiến hành phương pháp “trồng cây tức thì” (instant tree planting) trồng những thân cây lớn, làm xanh thành phố gần như sau một đêm.

Đoạn giữa tài liệu này có một câu khiến tôi mở to mắt: “Các loài cây không bản địa mang tên Khaya senegalensis được coi là lý tưởng cho chương trình này”. Kèm theo là bức ảnh hàng xà cừ cao hơn nhà ba tầng chạy dọc một con đường đầy xe cộ. Không thấy họ nói gì về chuyện “rễ nông, dễ đổ”.

Ngược lại, theo Trung tâm Nông lâm nghiệp thế giới, xà cừ có bộ rễ cái sâu, chắc và khỏe, khiến chúng chịu hạn và vừa chịu lũ lụt tốt, “có thể trồng được cả ở đất sình lầy”.

Hai cái nhấn chuột tiếp theo đưa tôi tới Singapore. Trang mạng của Vườn bách thảo Singapore (Singapore Botanic Gardens) cho biết về loài Khaya senegalensis như sau: “Xuất xứ: châu Phi nhiệt đới. Loài này đã được du nhập Đông Nam Á hơn một thế kỷ trước.

Vào thập kỷ 1980 tại Singapore, nó trở thành cây đường phố được ưa chuộng vì tốc độ lớn nhanh, dễ ghép và khả năng chịu đựng những điều kiện đô thị khắc nghiệt”.

Thế còn bên ngoài Đông Nam Á thì sao? Tiến sĩ Roger Anold của Trường ĐH North Carolina cho biết: “Khaya senegalensis hay được trồng nhằm mục đích cảnh quan và tiện nghi ở những vùng nhiệt đới tại các lục địa.

Ở Tây Phi, loài cây này đã trở thành cây đô thị quan trọng. Ở Úc, nó được trồng ở thành phố Darwin. Ở tỉnh Hainan, Trung Quốc, nó trở thành một trong những loài cây bóng mát và cây tiện nghi (amenity tree) phổ biến nhất”.

Thuật ngữ “amenity tree” trở đi trở lại. Theo giải thích của tiến sĩ Kim Coder - ĐH Georgia, “amenity tree” (tôi tạm dịch là cây tiện nghi) là một cây có khả năng tăng tính hấp dẫn và sự dễ chịu của không gian xung quanh nó bằng cách “cung cấp sự che chở, an ủi và trợ giúp tâm lý cho con người”, khiến họ “thoải mái và hạnh phúc hơn”.

Vậy là ở nhiều quốc gia khác, cây xà cừ không chỉ được coi là cây bóng mát đơn thuần. Kích thước khổng lồ của nó, cái gồ ghề, sần sùi chính những cái “u bướu”, “cong”, “nghiêng” của nó, những cái làm gai mắt các quan chức Hà Nội, lại khiến nó trở thành nguồn an ủi và che chở cho những cư dân đô thị, là nơi lưu giữ thời gian, ký ức, lịch sử, là cái tạo bản sắc cho nơi chốn, tạo cảm giác thuộc về.

Một gốc cây là một thực thể sống và mang trong mình các yếu tố văn hóa và tâm lý, những thứ khiến nó khác một cột ximăng có mái che.

Trong khi Sở Xây dựng Hà Nội toan loại bỏ cây xà cừ vì chúng mắc tội “già cỗi” thì ở Singapore, cây xà cừ do ông Lý Quang Diệu trồng vào tháng 11-1980 gần hồ Thiên nga (Swan Lake) nay đã cao 48m, được đưa vào danh sách cây di sản (Heritage Tree) cùng hàng trăm cây đầy “u bướu” khác.

Chính sự “già cỗi” của chúng đã biến chúng thành những “landmark” - những cột mốc cảnh quan cần được bảo vệ như những di sản thiên nhiên.

Những gốc xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) -Nam Trần
Những gốc xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) -Nam Trần

Quay lại với 1.300 cây dọc đường Phạm Văn Đồng. Thật tiện lợi khi coi chúng là những vật cản trở “phát triển” và “sự thịnh vượng của con người”. Diễn ngôn này đang được dùng để biến thiên nhiên thành máy đẻ lợi nhuận. 

Nhưng phát triển không có nghĩa là chặt hạ vô cảm. Giữ cây không có nghĩa là ưa thích đói nghèo, lạc hậu.

Ngược lại, những người không nhìn thấy sự uy nghi của những cánh rừng, không nhìn thấy phẩm giá của những gốc cây già trong thành phố và trân trọng giá trị của chúng trong cuộc sống hiện đại, cho rằng phải loại bỏ chúng để “phát triển”, sẽ có nguy cơ đi theo một đường hướng phát triển méo mó.

Các nhà chức trách Hà Nội sẽ phải có chứng cứ rất tốt, rất đầy đủ để chứng minh cho công luận rằng họ thực sự không có cách nào khác là phải chặt bỏ 1.300 gốc cây kia đi.

Và họ sẽ phải dành nhiều thời gian, không gian để đối thoại với người dân, với các tổ chức xã hội, với các nhà chuyên môn để tìm ra giải pháp tối ưu. Quan điểm cây phải nhường bêtông thì mới văn minh đã lỗi thời.

Một thành phố chỉ đầy cầu vượt, đường trên cao, cao ốc mà thiếu cây xanh, công viên, hồ nước... là một thành phố thảm hại.

Một chiến lược phát triển đô thị mà quên đi những điều này là một chiến lược nuôi dưỡng xung đột và sự bất bình âm ỉ giữa người dân với chính quyền, và tôi không cho rằng đó là di sản mà chính quyền Hà Nội đang hướng tới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận