Nỗi chấp chới trung niên

KIM OANH (Q.1, TP.HCM) 05/05/2019 21:05 GMT+7

TTCT - Xã hội bây giờ nhìn đâu cũng thấy đề cập sự khủng hoảng. Phải chăng thời đại này quá nhiều sự bất ổn hay dư dả tiền bạc nên muốn trường sinh bất lão, cưỡng lại quy luật tự nhiên mà không được thì đâm ra khủng hoảng?

??
Tranh của Edward Hopper

Bố mẹ tôi hồi vào tuổi trung niên vẫn sấp ngửa lo kiếm sống để dành dụm cho con cái và phòng thân lúc về già. Có lẽ vì vậy mà dường như ông bà chẳng gặp khủng hoảng nào cả, thời gian ngủ còn thiếu, lấy đâu ra khoản “duy thể thao” hay đại tu thân thể. Tầng lớp người lao động giờ đây cũng thế, ráo mồ hôi là hết tiền, hơi sức đâu mà tạo thêm mồ hôi từ “duy thể thao” hay xoay xở lấp đầy sự trống trải.

Song cuộc sống muôn màu, giờ nhiều người an nhàn hơn, nhà nhà khấm khá hơn, nâng niu cơ thể thái quá đã trở thành trào lưu thật. Sếp cũ tôi vừa hết tuổi quản lý, tuy còn giảng dạy nhưng giờ nhàn nhã nhiều. Từ chục năm trước ông đã tập tành chơi tennis để giao lưu, giờ tiếp tục tăng cường chơi tennis sáng tối để vớt vát sức lực còn lại và giết thời gian. Ông ly hôn từ lâu, bạn già thì chê, bạn trẻ thì ngại, không “duy thể thao” thì biết làm gì bây giờ.

Sếp mới của tôi cũng cùng hoàn cảnh đơn côi như sếp cũ nhưng ngoài vị trí trưởng khoa còn là chủ doanh nghiệp dược riêng. Công việc vào guồng ổn định, tiền bạc rủng rỉnh, được tặng kèm bệnh gút sau quá trình nhậu nhẹt làm ăn quá đà thời trai trẻ nên giờ ông ăn rau quả và tập thiền sớm chiều, bên bàn trà thường nói về sự vô thường, sắc sắc không không...

Cô thư ký vào làm việc ở khoa từ thuở vừa tốt nghiệp đại học giờ thành U40 vẫn trung thành với chủ nghĩa độc thân, nên cứ tan tầm là đến thẳng phòng tập yoga và các liệu pháp detox. Người săn, bụng nhỏ nhưng làn da không mịn màng, các đồng nghiệp thường trêu do “thiếu thốn” dù ăn uống khoa học và thể dục đầy đủ.

Tương tự, một bạn tôi, giảng viên, trạc tuổi bốn mươi, phòng không gối chiếc, hễ buông công việc là chạy đi tập gym, mở miệng là nói về ăn kiêng, bởi có niềm vui nào khác nữa đâu. Vài anh chị bạn tôi nay tiệm cận năm mươi, nếu còn mình ên hoặc quay trở lại son rỗi đều thành tỉ phú thời gian, “dành cả trung niên” để “duy thể thao”, bảo vì lý do sức khỏe cũng đúng, nói nhằm khỏa lấp sự mất cân bằng về tinh thần cũng chẳng sai.

Nhóm quý bà không bào mình trong phòng tập thì chuyển hướng trà sữa, check-in các kiểu khắp nơi sặc sỡ, ảo hơn cả mấy em mới lớn. Họ bị gọi là “hoa dã quỳ”. Tôi không thấy họ kệch cỡm đáng ghét như “quỷ già”, chỉ thấy thương cho sự cố gắng bung hương khoe sắc trước khi sọp già thật sự.

Lẽ đời, cái gì “quá” cũng không nên, song trong những cái “quá” đó, “duy thể thao” có lẽ là lành nhất. Đến độ tuổi này, họ đâu cần ai khuyên răn (may chăng chỉ nghe lời bác sĩ). Vấn đề là họ cảm thấy sự hiện diện của mình bên cạnh ai đó có còn quan trọng nữa không. Nếu cha mẹ không còn, con cái đã lớn, vợ chồng cũng nhạt thì tất yếu đưa đến khủng hoảng thừa: nhận ra sự thừa thãi của bản thân đối với những người thân.

Khi nhận ra mình cơ bản đã hoàn tất trách nhiệm với cuộc đời sau khi dành cả thanh xuân cho gia đình, họ tự thưởng cho bản thân chút rực rỡ cuối mùa. Lúc mệt mỏi nhìn chặng đường vất vả đã qua, “Giật mình mình lại thương mình xót xa” thì nuông chiều bản thân tí xíu gọi là bù đắp vậy... Chùa chiền, du lịch, thể thao, mua sắm... tất thảy đều nhằm khỏa lấp nỗi chấp chới trung niên.

Giúp gì cho họ vượt qua ngưỡng này? Ai rồi cũng đã/đang/sẽ trải qua các đợt khủng hoảng “giao mùa” kiểu ấy, từ nhỏ sang lớn thì khủng hoảng dậy thì, giờ từ trẻ sang già ắt khủng hoảng trung niên. Sau hồi xuân sẽ là bình tĩnh ngẫm nghĩ hồi ký, kế đến hồi hộp đón những biến cố tuổi già, cuối cùng là kết thúc bằng hồi kèn. Nhận diện và chấp nhận tất cả, sẽ không quá chông chênh lúc giao thời. Nếu vợ/chồng/con bên cạnh tế nhị tạo cho mình cảm giác bận rộn ấm áp, xem như được dìu dắt qua cơn lao đao, ngược lại thì tự biết nắm biết buông mà sống vậy.

Nói không có cảm xúc man mác buồn, muốn sống trọn vẹn từng ngày, gấp gáp hưởng thụ... là dối lòng, song hiểu để cảm thông và nhẹ nhàng với đời, với người, với chính mình là nên làm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận