23/03/2015 11:02 GMT+7

​Nơi cây xanh sống bình yên

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Do mật độ cây xanh nhiều, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) được xem như “TP trong rừng cổ thụ” hay “Đà Lạt miền sông nước”. Để giữ được hàng ngàn cây phủ xanh TP, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có chủ trương xây dựng công trình phải né cây xanh.

TP Trà Vinh xây dựng hệ thống thoát nước giữa đường để không đụng đến rễ cây xanh - Ảnh: Lê Công Sĩ

Sáng 22-3, ông Nguyễn Văn Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - nói từ những năm 1990, lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thiết kế xây dựng phải tránh cây, giảm thiểu thiệt hại cho cây ở mức thấp nhất.

“Dù các lãnh đạo có người nghỉ hưu từ lâu nhưng chủ trương đó luôn nằm trong tiềm thức của mọi người. Chặt cây tầm bậy tầm bạ là các cụ hưu trí, người dân phản đối liền” - ông Phong nói.

Né cây xanh

Ông Nguyễn Văn Phong kể nhiều câu chuyện thú vị quanh “mệnh lệnh né cây xanh”. Gần nhất, ngày 20-3 lãnh đạo UBND tỉnh phải họp bàn có nên chặt bỏ mấy trăm cây xanh già cỗi, thay thế những cây dầu, cây sao để chỉnh trang đô thị.

Tại cuộc họp này, ông Phong đề nghị chính ông cùng một số lãnh đạo sở ngành liên quan đi khảo sát trước khi có quyết định chính thức. “Những cây này trước đây được lãnh đạo UBND tỉnh trồng, dù cây đã già cỗi, không có giá trị nhiều, nhưng nó đã gắn bó với người dân TP bao năm qua, muốn chặt đâu phải dễ. Mà nếu có chặt cũng phải xin ý kiến và giải thích rõ cho người dân” - ông Phong tâm sự.

Men theo những con đường rợp bóng xanh của TP Trà Vinh, người đi đường dễ dàng nhận ra những công trình xây dựng phải có những giải pháp để né cây xanh, có doanh nghiệp phải “sống chung với cây” ngay trong trụ sở.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển VN chi nhánh tỉnh Trà Vinh (BIDV tỉnh Trà Vinh) hiện còn giữ những cây dầu trong khuôn viên “ôm” tòa nhà suốt nhiều năm qua.

Theo ông Phong, khoảng năm 2006, lúc đó ông làm giám đốc Sở Xây dựng, nhìn bản vẽ xây dựng trụ sở của ngân hàng, ông nghi nghi sẽ có chuyện chặt cây xanh nên ông xuống tận nơi khảo sát và phát hiện có nhiều cây dầu sắp bị “thịt”. Ông không cho xây dựng, trừ khi phía ngân hàng phải thiết kế lại bản vẽ tránh cây xanh.

Ông Phạm Quang Tiến, giám đốc BIDV tỉnh Trà Vinh, nhớ lại khi nhận được chỉ đạo, ông phải thay đổi bản vẽ, nhưng có “bóp hết cỡ” cũng còn dính ba cây dầu, ông quyết định xây dựng với điều kiện để những cây dầu nằm chung trong trụ sở. “Giờ còn bốn cây nằm trong khuôn viên ngân hàng” - ông Tiến nói.

Ngân hàng BIDV phải thay đổi bản vẽ thiết kế “né cây xanh” và “nuôi” nhiều cây dầu trong khuôn viên trụ sở - Ảnh: Lê Công Sĩ

Né luôn rễ cây

Không chỉ “né cây xanh” theo “phần nổi”, các công trình cơ sở hạ tầng tại TP Trà Vinh như hệ thống ngầm dẫn thoát nước trong lòng đất cũng phải “né rễ cây”.

Hiện một số tuyến đường tại TP Trà Vinh đang triển khai dự án thoát nước đô thị do Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tài trợ đều phải đào giữa đường đặt ống thoát nước để né rễ của các hàng cây hai bên đường.

Thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thịnh, trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch (Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh), cho biết dự án trên được nghiên cứu khoảng năm 2005, phải mất một thời gian dài tranh luận, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở ngành mới thống nhất đặt ống giữa đường.

Theo ông Thịnh, đào hai bên đường đặt ống tuy ảnh hưởng cây xanh nhưng chi phí đỡ tốn kém, quá trình thực hiện trong vỉa hè cũng thuận lợi, nhưng mọi người chọn cách đào giữa đường để bảo vệ cây xanh.

Chia sẻ về chuyện hệ thống thoát nước ngầm, ông Nguyễn Văn Phong nói: “Làm gì thì làm, nước ngoài tài trợ cũng kệ, nhưng nếu làm chết cây xanh thì dứt khoát không cho làm. Cho nên dự án phải thay đổi bản thiết kế, đặt lại hệ thống thoát nước giữa đường. Tốn kém thêm nhưng giữ được cây xanh, chứ lúc đó mà không thay đổi thì rất nhiều cây xanh dọc hai bên đường sẽ chết”.

Theo ông Thịnh, ngoài dự án đặt ống thoát nước giữa đường để tránh tàn phá rễ cây, dự án mở rộng đường Sơn Thông do Ban quản lý dự án TP Trà Vinh làm chủ đầu tư, khi thi công tháng 8-2014 cũng gặp trục trặc do phải thay đổi bản thiết kế tránh cây dầu hàng trăm năm tuổi.

Ông Thịnh giải thích trong quá trình xây dựng, tuyến đường và hệ thống thoát nước phải đi thẳng và đụng trúng cây dầu cổ thụ, trước phản ứng của dân, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh.

Sau đó dự án thay đổi, tốn thêm chi phí nhưng cây dầu cổ thụ được bình yên. Hiện công trình đã hoàn chỉnh, nhưng ít ai biết được đoạn ngầm gần cây dầu cổ thụ, người ta phải nắn để tránh cây. 

Dành tài trợ nước ngoài để chăm sóc cây xanh

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị tỉnh Trà Vinh, hiện thành phố có 59 tuyến đường nội ô, ven đô thị với gần 15.000 cây xanh gồm 33 chủng loại.

Trong đó gần 800 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, gần 1.300 cây cao trên 12m và khoảng 6.000 cây cao 6-12m... Đất cây xanh đô thị hiện chiếm 15,37 m²/người (quy chuẩn 7-10 m²/người), đất cây xanh công cộng khoảng 8 m²/người (quy chuẩn 5-6 m²/người).

Ông Hồ Văn Trí, giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị tỉnh Trà Vinh, cho biết không chỉ có chủ trương xây dựng “né cây xanh” mà lãnh đạo UBND tỉnh nhiều năm qua quan tâm công tác chăm sóc cây xanh rất kỹ.

“Những năm 1990, có một số người dân nạy vỏ cây sao để làm củi, UBND tỉnh chỉ đạo công an truy tìm tận nhà từng người, giải thích giá trị của cây xanh, hỗ trợ người dân trong cuộc sống để họ không đi làm bậy. Nhiều lúc mấy ông lãnh đạo UBND tỉnh đi đường gặp nhánh cây khô hay bị sâu hại tấn công là điện tui đến xử lý” - ông Trí kể.

Công ty của ông Trí phải thường xuyên bón phân, tưới cây, đặc biệt vào mùa khô và các cây luôn được đánh số bảo quản với những thông số như tên gọi, kích cỡ, năm tuổi.

“Vừa rồi có dự án của châu Âu hỗ trợ tỉnh thông luồng, nạo vét kênh rạch để không gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo UBND tỉnh đã xin dành phần tài trợ ấy để hỗ trợ kinh phí cho việc chăm sóc cây xanh” - ông Trí cho biết.

 

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên