Tổng thống đắc cử Donald Trump (giữa) cùng với phó tướng Mike Pence gặp bà Betsy DeVos tại TP Bedminster, bang New Jersey, hôm 19-11- Ảnh: AFP |
Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình tranh cử vừa qua là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa”, ông Donald Trump dường như đang vận dụng đến các tài năng (và hẳn cả tài sản) của các tỉ phú Mỹ.
Quá nhiều triệu phú, tỉ phú
Hôm 23-11, ông đã đề cử bà Betsy DeVos vào vị trí bộ trưởng giáo dục. Bà DeVos là một doanh nhân thừa kế của đại gia mỹ phẩm Amway giàu có tại Michigan, với tài sản cá nhân ước tính hơn 5 tỉ USD.
Hai cái tên đình đám khác được báo chí Mỹ khẳng định được công bố đề cử trong ngày 30-11 là ông Wilbur Ross cho vị trí bộ trưởng thương mại và Steven Mnuchin cho bộ trưởng tài chính.
Ông Ross, 79 tuổi, là một tỉ phú nổi tiếng về hoạt động đầu tư vào tái cơ cấu những ngành công nghiệp làm ăn thất bát trong các lĩnh vực như thép, than đá, viễn thông, dệt may và đầu tư nước ngoài.
Với tài sản ước tính 2,9 tỉ USD, ông Ross là người ủng hộ trung thành kiêm cố vấn kinh tế của ông Trump, đã giúp định hình nhiều quan điểm chính sách thương mại của ông Trump trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, trong đó có việc phản đối các thỏa thuận thương mại như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký năm 1994 với Canada và Mexico.
Để trợ thủ cho ông Ross ở Bộ Thương mại, ông Donald Trump đã chuẩn bị cái tên Todd Ricketts, một chủ ngân hàng.
Ông Ricketts là một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa nhưng điều người ta nhớ nhiều hơn chính là tài sản lên đến 1 tỉ USD của ông này và gia đình ông đang sở hữu đội bóng chày Chicago Cubs.
Trong khi đó, ông Steven Mnuchin là cựu đối tác của Tập đoàn Goldman Sachs. Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm qua có một nhân vật kỳ cựu xuất thân từ Phố Wall được bổ nhiệm vào một vị trí cao trong nội các Mỹ.
Ông Mnuchin, 55 tuổi, là giám đốc điều hành kiêm người sáng lập của Dune Capital Management LP, cũng là trưởng ban vận động gây quỹ tranh cử của ông Trump. Ông Mnuchin có tài sản ước tính lên đến 46 triệu USD.
Những cái tên được báo chí đồn đoán (dĩ nhiên luôn có ít nhiều cơ sở) đang được ông Trump cân nhắc đưa về làm trợ thủ đều là những triệu phú, tỉ phú của ngành năng lượng.
Cho vị trí lãnh đạo Bộ Năng lượng, báo chí Mỹ nhắc đến cái tên của tổng giám đốc Công ty dầu mỏ Continental là ông Harold Hamm, với tài sản cá nhân vào khoảng 15 tỉ USD.
Vị trí ngoại trưởng đang được cho là sẽ thuộc về Mitt Romney, nhà sáng lập của một trong những quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ, với tài sản cá nhân hơn 250 triệu USD; hoặc Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York, nhưng cũng là một “cá mập” với tài sản ước tính 45 triệu USD.
Đến cả ông Ben Carson, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và từng là đối thủ của ông Trump ở giai đoạn bầu cử sơ bộ, cũng đang được nhắm cho Bộ Nhà ở, có tài sản khoảng 26 triệu USD.
Giàu hơn cả trăm quốc gia
Theo trang web Politico, nếu những cái tên nêu trên được xác nhận sẽ đi vào nội các mới của ông Trump thì tài sản của họ cũng tròm trèm 35 tỉ USD. Dĩ nhiên ở đây là tính cả tài sản của ông Trump vào khoảng 10 tỉ USD theo như ông công bố.
Trang Quartz làm một phép so sánh nhỏ về “cân nặng” của nội các này với tổng thu nhập quốc dân của các quốc gia thì thấy nó được xếp vào hạng 99, tức nằm giữa CHDC Congo (hạng 98 với GDP được 35,2 tỉ USD) và Bolivia (hạng 100 với 33,2 tỉ USD)!
Nói một cách khác thì tài sản của nội các ông Trump hơn cả GDP của cả trăm quốc gia trên thế giới hiện nay!
Nhưng nếu tính theo tạp chí Forbes thì tài sản của tổng thống đắc cử của Mỹ chỉ vào khoảng 3,7 tỉ USD. Và như thế thì "gia sản" của nội các Mỹ tương lai chỉ còn 28,7 tỉ USD nhưng cả như thế thì cũng còn hơn đến 95 quốc gia như Estonia hoặc Paraguay!
Thật ra, sự tham gia của những triệu phú, tỉ phú Mỹ trong nội các ở Washington không phải là chuyện chưa từng xảy ra. Bà Penny Pritzker, bộ trưởng thương mại thời Barack Obama, cũng từng là người thừa kế của gia đình sở hữu chuỗi khách sạn sang trọng Hyatt, với tài sản ước tính hơn 2 tỉ USD.
Hoặc như ông Henry Paulson, bộ trưởng tài chính dưới trào tổng thống Bush, cũng từng là cựu giám đốc của Ngân hàng Goldman Sachs, với tài sản cá nhân khoảng 92 triệu USD.
Ông Larry Sabato, thuộc ĐH Virginia, bình luận biếm nhẽ: “Đương nhiên chẳng ai nghĩ rằng ông Trump sẽ thâu nạp các công đoàn viên ở Michigan. Một tỉ phú sẽ luôn có khuynh hướng chọn các tỉ phú về quanh mình”.
Nhưng cũng chính điều này đang khiến các nhà quan sát lo lắng: ông Trump luôn nói sẽ đả phá hệ thống chính trị “thối nát” ở Washington cùng những kẻ ăn trên ngồi trốc ở đó, nhưng cách ông đang làm lại có vẻ đi ngược lại những gì ông đã tuyên bố hùng hồn trước đó.
Dĩ nhiên cũng chẳng ai có thể trách được cách ông Trump đang làm, bởi nội các của ông chưa bắt tay vào việc và các tỉ phú, triệu phú làm chính trị cũng chẳng có gì sai.
Người ta chỉ đùa vui, dù không ít phần mong ước thực tế là chỉ mong nội các ấy bắt chước ông chủ của Nhà Trắng là sẽ phụng sự đất nước hết lòng mà không nhận một đồng lương nào từ thuế của dân.
Ngày 29-11, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua nhiều đề cử nội các của chính quyền mới ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Mỹ vào 20-1 năm tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận