Người dân Nhật biểu tình phản đối việc nội các của thủ tướng Nhật thông qua dự luật an ninh mới - Ảnh: Reuters |
Theo Bangkok Post, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, dự thảo hiến pháp Nhật đưa vào nội dung này, bất kể dư luận trong nước còn nhiều hoang mang, lo ngại.
Những thay đổi dự kiến trên đã được thể hiện trong bản nội dung định hướng quốc phòng Mỹ - Nhật Bản công bố tháng trước. Việc thay đổi hiến pháp sẽ mở đường cho Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác đồng minh song phương khi Tokyo và Washington đang đối mặt với các thách thức an ninh hiện nay.
Tháng 7 năm ngoái, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua nghị quyết diễn giải lại hiến pháp thái bình, trong đó gỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt với việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ quân sự cho một quốc gia đồng minh trong trường hợp nước này bị tấn công.
Trước sự việc này, Trung Quốc đã kêu gọi Tokyo xem lại các bài học từng có trong lịch sử, còn phía Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản nên trung thành với tinh thần của hiến pháp.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và hai nước nói trên luôn căng thẳng vì những mâu thuẫn dai dẳng trong lịch sử, các tranh chấp lãnh thổ, khu vực, mặc dù gần đây quan hệ Nhật - Trung có phần nào cải thiện hơn.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Chúng tôi hi vọng Nhật Bản có thể nghiêm túc nhìn lại các bài học trong lịch sử, kiên trì với đường lối phát triển hòa bình… và đóng vai trò tích cực trong khu vực châu Á”.
Các tranh luận về dự luật mới của Nhật tại quốc hội chắc chắn sẽ rất gay gắt, nhưng nhiều khả năng sẽ được thông qua với tỉ lệ chiếm đa số của đảng cầm quyền.
Các điều tra dư luận cho thấy cử tri Nhật vừa bối rối vừa chia rẽ trong quan điểm về những thay đổi mới. Ngay cả những người ủng hộ cũng nói điều khoản mới đã vượt quá giới hạn của điều 9 trong hiến pháp Nhật Bản.
Thủ tướng Abe từng nói rõ ông muốn chính thức thay đổi điều 9 mặc dù đó là mục tiêu khó khăn hơn về mặt chính trị.
Cuộc điều tra do kênh truyền hình NHK thực hiện tuần này cho thấy 49% người Nhật không hiểu rõ lắm hoặc hoàn toàn không hiểu về những thay đổi đề xuất trong dự luật. 50% không đồng ý việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật trong định hướng quốc phòng Mỹ - Nhật Bản.
Quan chức thuộc liên đoàn lao động Yuri Nagao nói: “Người Nhật nên tự hào về điều 9 trong hiến pháp. Chúng ta không thể chấp nhận luật pháp chiến tranh”.
Dự luật mới sẽ cho phép Nhật Bản điều quân với lực lượng tối thiểu nếu một quốc gia có quan hệ thân thiết với Nhật bị tấn công và phù hợp với những điều kiện cơ bản.
Nó cũng cho phép quân đội Nhật hỗ trợ dịch vụ hậu cần cho lực lượng quân đội nước ngoài phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc. Không có điều luật cụ thể cho từng sứ mệnh.
Ngoài ra, dự luật cũng gỡ bỏ những giới hạn về địa lý với các hoạt động hỗ trợ phòng vệ của Nhật cho quân đội Mỹ và các lực lượng vũ trang nước ngoài khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận