Nồi cá kho thương nhớ - Ảnh: C.K.
Bởi vậy, trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình không mấy ngày là không có các món như tôm luộc, mực rán, cá nấu canh, cá kho khô, kho bở... Món ăn nào cũng ngon, cũng chứa chan hương vị vùng sông biển.
Nhưng món cá kho có lẽ là món phổ biến nhất trong các bữa ăn hằng ngày. Từ các loại cá nhỏ như cá nục, cá trích, cá chàu vỏ... đến các loại cá lớn hơn như cá thu, cá bẹ, cá ngừ..., không loại cá nào không được các bà, các chị kho.
Đĩa cá kho trong mâm cơm thường nhật cũng như trong các ngày giỗ kỵ tổ tiên, ngày Tết Nguyên đán... là một nét đẹp của văn hóa ẩm thực vùng ven biển, ven sông.
Những ngày đầu tháng giêng, ngư dân thường chọn nghỉ ngơi, ít ra biển, do vậy nồi cá kho càng được cả nhà yêu thích bởi nó là thức ăn chính trong hai bữa cơm sáng chiều.
Ngày còn nhỏ sống ở quê nhà, anh em tôi rất hay đòi mẹ kho cá. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi đòn gánh đè vai, chạy chợ gần chợ xa buôn thúng bán mẹt tần tảo nuôi con ăn học.
Nhà nghèo nên đĩa cá ăn với cơm của mẹ con tôi thường chỉ có các loại cá nhỏ, cá nhiều xương. Chỉ đến buổi nhà có ngày kỵ giỗ hoặc trong ba ngày Tết đầu năm, mẹ tôi mới mua loại cá to hơn, ngon hơn (như cá thu, cá chim, cá bẹ...). Gần Tết, mua cá từ chợ làng về, bà dùng nồi để kho cá.
Cá biển kho với nước mắm làm từ cá biển... ăn thật ngon. Ngoài việc dùng nước mắm pha với một ít nước lã để kho, mẹ tôi còn bỏ vào nồi cá kho một viên kẹo đắng (loại kẹo từ đường đen chỉ dùng kho cá) làm cho nước cá kho có màu sắc và hương vị đậm đà hơn.
Riêng với cá có nhiều xương nhỏ như cá trích, cá dọc, cá chàu vỏ... thì mẹ tôi dùng cách kho bở cá. Cá mua về kho chín, đậy vung kín rồi vùi nồi cá vào đống trấu đốt cháy âm ỉ ngoài sân. Nồi cá kho nằm suốt đêm trong đống trấu. Sáng ra, cá trong nồi chín nhừ, xương vảy đều nhừ hết.
Lớn lên, tôi ra Việt Bắc dạy học. Thương con xa nhà, không mấy khi biết đến con cá con tôm miền biển, mẹ tôi cứ dăm bảy tháng lại gửi hải sản cho tôi. Mua cá về, bà cắt thành từng khúc nhỏ rồi nướng trên nồi than cháy đỏ.
Cá nướng được gói kỹ và gửi qua bưu điện. Chỉ ba ngày sau, từ Quảng Bình là cá đã ra đến nơi tôi dạy học. Nhận được cá, theo lời mẹ dạy, tôi bỏ cá vào chiếc xoong nhỏ, đổ một ít nước vào kho lại là đã có một món ăn thật ngon.
Dạy học xa, ngày Tết không về quê được nhưng được ăn miếng cá ngon do mẹ tôi gửi từ quê nhà ra, tôi và bạn bè ai cũng vui, cũng thích. Giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ mẹ tôi...
Cuộc thi "Món Tết quê nhà"
Cuộc thi là nơi chia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, những câu chuyện đón Tết, ký ức sum họp ấm áp, mâm Tết xa quê của bạn...
Bạn đọc có thể viết về những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng... cũng như tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Các bài dự thi sẽ được Tuổi Trẻ lựa chọn để đăng, chấm nhuận bút, xét giải và trao thưởng. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 20-10 đến hết ngày 15-12-2022. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 25-12-2022, tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023.
Bài dự thi tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi về email [email protected].
Ban tổ chức cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài từ 24 đến 26-10: Đức Anh, thuy luong, yen pham, lưu thị bình, Mai Nguyen Van, Tuan Dao Minh, Nguyễn Thị Thu, Phú Hữu Huỳnh, Đức Thọ Phạm, Vu ta tu, Le Quoc Ky...
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận