12/11/2012 10:30 GMT+7

Nỗi buồn "tu xửa, pá heo"

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
VŨ THỦY - DŨNG TUẤN

TT - Chỉ một buổi sáng cơn lũ kéo qua, ruộng nương, đồng bãi bản Mòng (xã Hua La, TP Sơn La) tan tác. Những cánh rừng thiêng không còn để che chở bản làng nữa. Người già than khóc: “Trời phạt. Làng làm mất nhiều rừng quá nên phì pá (ma rừng) nổi giận trừng phạt”.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

MeTcNwnT.jpgPhóng to

Con suối Nậm La trước bản đỏ quạch, có chỗ trơ sỏi đá - Ảnh: Vũ Thủy

Trong câu chuyện về rừng, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc bản Mòng - Quàng Hôm thường mở đầu câu nói của mình bằng từ “hồi đó”. “Hồi đó” của ông là từ những năm 1980 trở về trước. Ông nói chuyện, giọng buồn tênh. Tôi nghe như có hai bản Mòng trong câu chuyện của ông.

“Hồi đó” ở bản Mòng

“Hồi đó tu xửa, pá heo của bản Mòng toàn những cây cổ thụ to lắm”. Đó là bản Mòng đã xa tít mấy chục năm trước trong trí nhớ của Quàng Hôm. Rừng nằm ở đầu bản hay cuối bản thì gọi là tu xửa và rừng để chôn cất người chết gọi là pá heo. Họ bảo chỗ nào có đất, có nguồn nước thì có chủ, có ma và những gốc cây to chính là nơi ma rừng trú ngụ. Người Thái sợ ma rừng, họ không dám động chạm vào những gốc cây ấy chứ đừng nói đến chuyện chặt phá.

Người Thái chết đi, người thân phải tìm một gốc cây trong rừng mà chôn họ. Cúng ma gọi hồn một tháng, sau đó họ không bao giờ làm kinh động đến phần mộ của người quá cố nữa. Người nào làm đổ cây cối xung quanh vào mộ sẽ bị dân làng phạt vạ. Còn trên rừng tu xửa, mỗi dịp xuân về bản làng lại nhộn nhịp làm lễ cúng, ba ngày không cho người nơi khác vào bản, cả bản không đi làm chỉ ở nhà chơi. Trong tâm thức, họ luôn có một nỗi sợ, một niềm thành kính với từng gốc cây trong những khu rừng thiêng. Họ sống cùng với rừng lại vừa sợ rừng.

“Hồi đó con suối Nậm La chảy trước bản cứ cách vài chục mét lại có vũng nước trong. Dọc hai bên suối có những cây tự nhiên, những cây cổ thụ tỏa bóng xuống đẹp đẽ vô cùng”, Quàng Hôm như đang mơ màng về một xứ thần tiên. Bên những vũng nước trong ấy, chiều chiều đám trẻ chăn trâu đưa trâu về lại nhảy ùm xuống vẫy vùng trong làn nước trong trẻo, mát lành. Trẻ con ngày ấy không đứa nào không biết bơi. Đầu bản cuối bản đều có những gốc sấu tán to mấy người ôm không xuể.

Đến tận lúc đi chiến trận, Quàng Hôm vẫn mang theo hình ảnh đẹp đẽ ấy của bản làng để thao thức mỗi đêm hành quân. Nhưng rồi có dạo dân làng cứ đua nhau làm nhà gỗ. Nhà càng to càng đẹp. Thanh niên mới lớn trong bản chẳng còn sợ con ma rừng nữa. Chẳng mấy chốc những cây lớn trong rừng bị chúng chia nhau chặt không còn một cây. Pá heo, tu xửa đều tan nát. Quàng Hôm còn nhớ rõ về một cây đa cổ thụ đường kính hơn 2m. Đến cả cái giống đa vốn chẳng lấy gỗ bao giờ dân làng cũng không buông. Họ xúm vào chặt mấy ngày mới đổ, chia gỗ ra làm nhà. Quàng Hôm kể đến đó dừng lại rít điếu thuốc lào. Trong làn khói thuốc, ánh mắt ông buồn thảm: “Tiếc ghê lắm”.

Thiên nhiên trừng phạt

Dân làng đã phá sạch cây rừng nhưng lúc đó dòng Nậm La trước bản vẫn còn những vũng nước trong xanh và những tán cây xanh mát. Dân bản không chặt. Họ vẫn còn cần những cái cây ấy che chỗ tắm giặt. Trẻ con vẫn còn có chỗ bơi lội. Coi như vẫn còn một niềm an ủi với những người bản còn nhớ cảnh rừng như Quàng Hôm. Nhưng cả dòng suối dường như cũng biết đau nỗi đau cây rừng, giận nỗi giận cây rừng.

Không lâu sau đợt phá tu xửa, pá heo rầm rộ của dân bản Mòng, thảm họa khủng khiếp giáng xuống. Ngày 26-7-1991 trời mưa như trút nước, đến sáng 27 lũ về. Lũ ầm ầm đổ qua con suối Nậm La trước bản. Cũng may là sáng sớm nên chưa ai ra suối, xuống đồng nhưng trận lũ ấy Hua La vẫn có ba người chết trôi. Nghe tiếng lũ rầm rập, Quàng Hôm cũng chạy ra xem.

Giữa dòng nước đục ngầu đang gầm gào đổ xuống, những cây cổ thụ ngổn ngang đã được chặt đẽo chẳng biết từ đâu trôi về. Có những thân cây mắc kẹt ở những hòn đá to đường kính tới mét rưỡi. Dân làng nhìn lũ kinh sợ bảo rằng do trời làm hại. Dòng lũ giận dữ, hung hãn tràn tới, hoa màu, ruộng đồng chỉ còn là những bãi bùn lầy lội.

Cụ Lèo Văn Sáng 85 tuổi và cụ Quàng Văn Piến 87 tuổi, những người già còn sót lại trong bản, là những người cuối cùng vẫn còn tin vào thần linh. Họ bảo đợt lũ là do trời phạt. Mất nhiều rừng nên phì pá (con ma rừng) mới nổi giận trừng phạt.

Sau trận ấy, dòng suối Nậm La chỉ còn là một dòng chảy yếu ớt, đỏ ngầu, chẳng còn vũng nước trong xanh cũng chẳng còn cây cối tỏa bóng. Nhiều đoạn suối cạn khô trơ sỏi đá, dân đào vàng dựng lán trại đào đãi càng khiến dòng suối thêm thê thảm. Từ đó, cứ cách mấy năm bản Mòng lại bị lũ quét qua. Về sau Quàng Hôm và dân bản đi trồng lại rừng, những cơn lũ quét mới hiền dịu bớt.

Quàng Hôm đi học nhiều, làm cán bộ xã. Cũng chẳng biết rừng có thiêng hay không nhưng ông biết lũ là do không còn rừng. Cha ông người Thái có lý của họ khi tôn thờ rừng pá heo, rừng tu xửa ở hai đầu bản, để giữ cái nguồn nước, giữ cho mùa màng, nhà cửa không bị những cơn mưa lớn cuốn đi. Niềm thành kính của họ với rừng bắt nguồn từ mong muốn được bảo vệ. Tổ tiên của ông khôn ngoan, nhìn xa trông rộng hơn người Thái bây giờ!

Sau cơn lũ, nhìn cảnh làng tan hoang, Quàng Hôm cùng phụ lão trong bản xuống phòng lâm nghiệp xin giống cây chẩu, cây sấu, cây lát về trồng lại ở bản. Quàng Hôm chỉ tay ra khu rừng sấu, rừng lát trồng mới ngay sau nhà. Rừng cây giờ đã khép tán hết rồi và được giao cho hội phụ lão quản lý, chăm sóc kỹ lưỡng, không ai được chặt phá, kiếm củi, hằng năm chỉ tổ chức dọn phát bớt những cây nhỏ phía dưới. Ông bảo trước mắt gây rừng để bảo vệ nguồn nước, sau này nếu có khai thác cũng chỉ cắt tỉa chứ nhất định không cho chặt.

Trồng được kha khá rừng rồi, Quàng Hôm vẫn buồn. Ông bảo vẫn có rất nhiều người bản được tuyên truyền ra rả mà vẫn còn phát rừng ở bản này bản kia. Đất ngày càng chật, người ngày càng đông, quản lý đất không chặt chẽ, người ta tranh thủ để lấy đất, chiếm đất. Hầu như lớp già quan niệm rừng có thần linh canh giữ đều đã đi hết. “Người ta trồng rừng là do chủ trương của Nhà nước, gắn lợi ích cá nhân của họ, họ mới trồng, chứ ý thức trồng rừng để cải tạo tự nhiên thì hiếm lắm”.

Ông bảo có những lần ông được vào tận vùng sâu vùng xa của người Thái vùng sông Mã, thấy người ta vẫn còn những khu rừng tu xửa, pá heo nguyên sinh. “Trông rừng của họ, nghĩ mà tiếc cho người dân tộc Thái bản mình”. Ngày trước, rừng ở bản Mòng còn rộng hơn, nhiều cây to hơn thế.

Thần thoại bị mất

Người làng vẫn truyền tai nhau câu chuyện về con thuồng luồng, chủ vũng nước trong - chỗ suối Nậm La, suối Tong gặp nhau rộng hơn nghìn mét vuông.

Vào năm nọ cứ đêm về là có một chàng trai trẻ, rất bảnh trai đi tán tỉnh một cô gái xinh đẹp ở bản Nẹ. Trai gái Thái ngày xưa thường ngồi đầu sàn nói chuyện với nhau, cô gái ngồi dệt vải, xe sợi, bố mẹ không được nhìn mặt. Thế rồi chàng trai cô gái yêu nhau lúc nào không hay. Một lần chàng trai rủ cô gái đi thăm nhà. Cô gái đồng ý đi nhưng sợ bố mẹ dậy không thấy con sẽ lo lắng nên mới lấy cuộn dây sợi vừa đi vừa kéo theo. Đến sáng sớm bố mẹ cô gái gọi mãi chẳng thấy con gái đâu mới lần theo sợi chỉ. Sợi chỉ dẫn họ xuống thẳng vũng nước trong. Đến lúc này họ mới chắc mười mươi chàng trai trẻ đẹp đến tán tỉnh con gái họ hằng đêm là thuồng luồng, chủ vũng nước hóa thành. Thuồng luồng thấy cô gái xinh đẹp đã tìm cách tán tỉnh và bắt cô về làm vợ. Từ đó vũng nước trong trở lên rất linh thiêng.

Thế nhưng cái vũng nước trong nổi tiếng khắp vùng ấy giờ chỉ còn là bãi cát bồi trơ trọi sau cơn lũ khủng khiếp năm 1991. Và thần thoại về con thuồng luồng - chủ vũng nước xinh đẹp - cũng chẳng mấy người còn nhắc đến.

Kỳ tới: Đền thiêng bản Cậy

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên