Phóng to |
Những festival được tổ chức hằng năm làm cho Huế đỡ mang tiếng “tụt hậu văn hóa” Ảnh: T.Lộc |
H. bảo xấu hổ thật nhưng không biết thì nói không biết, nhờ tôi giảng giải xem phim điện ảnh khác phim truyền hình ở chỗ nào... khi người Việt mình “phim dạng nào thì cũng gọi là phim”. Và lúc tôi so sánh đơn giản nhất, phim điện ảnh thì chiếu ngoài rạp, phim truyền hình chỉ chiếu trên ti vi, cả bọn đã cười ồ lên.
H. bảo: thế thì thông cảm giùm dân tỉnh lẻ, chưa từng được đặt chân vô rạp xem phim... nên không biết đường so sánh. Chưa kể là lâu nay xem phim từ kênh HBO đến VTV thì cũng là coi qua màn ảnh nhỏ, nên có phân biệt chăng chỉ là phim Việt, phim ngoại, phim hay, phim dở, phim dài tập, phim một tập chứ chẳng có sự phân biệt nào khác hơn.
S. nói thêm: chả trách mà Ván bài lật ngửa hay Cánh đồng hoang, vốn là những phim điện ảnh, cũng chỉ đến được với phần lớn dân chúng tỉnh lẻ qua con đường truyền hình vào những năm một ngàn chín trăm lâu lắm... nên nay vẫn được bà con đem ra so sánh khi nói đến sự dở tệ của nhiều phim bây giờ.
Tôi ngây thơ hỏi lại: “Bộ Huế không có một rạp chiếu phim nào à?” để nhận được những tiếng cười ồ còn lớn hơn lần trước. “Có, một rạp. Nhưng chỉ để vô đó “đóng phim” hoặc coi phim khán giả đóng”.
So sánh Huế, những thành phố nhỏ khác nữa của VN với Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng..., tôi trả lời được cho mình câu hỏi tại sao nhiều khán giả Việt vẫn còn chưa phân biệt được sự khác nhau của phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Nhưng chạnh lòng hơn cả là đến bao giờ khán giả của những nơi ấy mới có cơ hội tiếp xúc với màn ảnh rộng.
2. Trong một lần cà phê riêng sau đấy, H. bảo tôi: “Hồi Huế chiếu phim Trăng nơi đáy giếng, anh nhắn tin cho em tìm cách mà coi, một bộ phim rất hay và rất Huế của đạo diễn Vinh Sơn, nhớ không. Em tìm đủ cách nhưng không coi được và phim chỉ chiếu một buổi ra mắt cho một số khách mời thân thiết. Phim làm trên đất Huế mà còn rứa huống là...”, H. bỏ lửng.
Trầm ngâm một lát H. nói tiếp: “Không chỉ riêng chuyện phim ảnh đâu anh mà còn nhiều chuyện hưởng thụ văn hóa khác dân tỉnh lẻ cũng thiệt thòi. Anh có nhớ những lần em nhờ anh mua sách gửi ra cho em không? Hay những lần anh khoe trên Facebook anh mới xem chương trình ca nhạc này về, xem vở kịch nọ xong, em bấm vào chữ like hoặc bình phẩm một chữ “thèm”, nghĩa là gửi vào đó nhiều ghen tị. May sau này có nhiều dịp festival anh à, nên em và bạn bè không mang tiếng tụt hậu văn hóa”. H. cười vui nhưng tôi hiểu H. không đùa với những câu nói đó.
3. Tôi nhớ lại quyết định của mình hồi tốt nghiệp đại học, nên về Huế hay ở lại Sài Gòn tìm việc. Lúc ấy tôi đã làm một bảng so sánh giữa việc về với ở. Một trong những gạch đầu dòng tôi đã ghi nôm na là điều kiện giải trí thụ hưởng văn hóa, phần Huế tôi ghi dấu chấm hỏi, phần Sài Gòn tôi liệt kê rất nhiều hạng mục: kịch, phim, ca nhạc...
Giờ đây tôi tự hỏi phải chăng nhiều bạn trẻ từ những vùng quê khác khi chọn Sài Gòn hay Hà Nội làm nơi lập nghiệp, cũng tương tự như tôi, đã đưa cả những điều kiện thụ hưởng văn hóa, giải trí cho bản thân làm một phần lý do quan trọng để quyết định lựa chọn.
4. Đất lành chim đậu. Cái khái niệm lành ấy có lẽ còn là những điều thuộc về sự thụ hưởng văn hóa nói trên, mà Sài Gòn, Hà Nội và rất ít những thành phố lớn khác đang có. Với những tỉnh lẻ khác có lẽ đành gửi vào đây những ước mong sẽ sớm có nhiều ngày người dân được vào rạp xem phim, đi coi kịch, nghe ca nhạc..., tận hưởng những niềm vui văn hóa.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận