TTCT - Ông tên Ngô Quang Tuấn. Nhưng ai cũng gọi ông là Tuấn “trâu vàng” kể từ bận mang cặp sừng trâu to tướng trên đầu đi cổ động SEA Games 2003. Ông là người hâm mộ bóng đá có tiếng ở thủ đô, nhưng dạo này ông ít ra sân hơn một phần vì sức khỏe đã yếu đi nhiều, một phần vì ông buồn. Ông buồn bởi khán đài bóng đá ngày nay đang bị quá nhiều kẻ bôi bẩn... Phóng to Ông Ngô Quang Tuấn Đã là người hâm mộ bóng đá ở thủ đô thì không ai không biết ông Ngô Quang Tuấn, thiếu tá quân đội về hưu (năm nay ông 61 tuổi), là chủ quán cà phê Tuấn trên góc phố Yết Kiêu - Đỗ Hành (sau này quán đổi tên giống với tên người ta hay gọi về ông - Tuấn “trâu vàng”), là một tín đồ cuồng nhiệt của túc cầu giáo. Còn với khán giả cả nước không mấy ai biết tên ông, nhưng nhắc lại hình ảnh một cổ động viên mặc bộ quần áo vàng đỏ, trên đầu đội sừng trâu to tướng xuất hiện từ hồi SEA Games 2003 tại VN thì có lẽ mọi người nhớ ngay vì ống kính truyền hình luôn hướng vào ông. Trước, trong và sau mỗi trận đấu của tuyển VN cả trên sân và đường phố, ông luôn là tâm điểm của hội CĐV, là nơi nóng nhất trên khán đài. Bao năm qua ông đã khóc cười, tiêu tốn nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc, đầu ông cũng bạc một nửa... vì bóng đá. Cả một trời yêu... bóng đá Theo trái bóng, gắn tình yêu của mình với trái bóng, tôi đã khóc không biết bao nhiêu bận vì đội tuyển. Nỗi đau lớn nhất là SEA Games 23 với nghi án bán độ của đội tuyển U-23. Chúng tôi ra sân vì tình yêu trái bóng, vì tinh thần dân tộc chứ không phải để bán rẻ Tổ quốc. Lúc vụ án chỉ mới là “nghi án”, tôi đã thề sẽ hóa vàng tất cả đồ nghề cổ vũ và kỷ niệm với bóng đá nếu có bán độ thật. Và... thật đau đớn là đúng như vậy. Tôi còn nhớ như in cái hôm tính thực hiện lời thề, nhưng bật lửa cháy lên rồi lại dụi. Không biết bao lần như thế, cuối cùng tôi tự nhủ thà có lỗi với mình vì không trọng một lời thề chứ không thể đang tâm đốt bỏ tình yêu bóng đá.* Ngày đầu tiên đến với bóng đá của ông như thế nào? - Khi còn là quân nhân, tôi từng là cầu thủ bóng đá nghiệp dư. Tình yêu trái bóng đã theo tôi vào trong mỗi giấc mơ, làm bạn đồng hành với tôi suốt cả cuộc đời. Bóng đá là lẽ sống của đời tôi. Khi các hội CĐV chưa có thì tôi là CĐV trung thành của đội bóng áo lính Thể Công. Khi đội tuyển VN thi đấu, tôi là CĐV của đội tuyển quốc gia VN. * Ông có thể kể lại biệt danh Tuấn “trâu vàng”? - Thập niên 1990, người ta đến sân cuồng nhiệt, cổ vũ cuồng nhiệt nhưng trên các sân vận động hầu như chưa bao giờ có một “nhạc trưởng”. Xem World Cup rồi nhìn lại bóng đá mình thấy không chỉ kém dưới sân mà ngay trên khán đài cũng không nhiều màu sắc. Thế là tại Tiger Cup 1998, trong trận VN đá chung kết với Singapore, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó khác đi, ấn tượng và độc đáo để thể hiện tình yêu bóng đá của mình và tăng màu sắc trên khán đài. Từ suy nghĩ đó tôi quyết định vẽ mặt nạ khi đến sân. Chính họa sĩ, nghệ sĩ nhân dân Phạm Viết Song là người đầu tiên hóa trang mặt cho tôi. Lúc đó, tôi đã được các CĐV hưởng ứng nhiệt tình và ủng hộ. Đến SEA Games 2003 tại VN, biểu tượng là con trâu vàng. Tôi vào làng nghề Thụy Khuê đặt làm đầu trâu trước lễ khai mạc ba tháng với giá 500.000 đồng. Vậy nhưng cách ngày khai mạc ba ngày, các nghệ nhân ở đây vẫn không làm nổi đầu trâu, sau đó tôi buộc phải chuyển sang chỉ làm đôi sừng bằng cốt tre, mây cho kịp tiến độ. Không ngờ sự kết hợp của đôi sừng trâu trên đầu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và ấn tượng. Từ đôi sừng trâu đó mà tôi đã được người hâm mộ bóng đá cả nước gọi là Tuấn “trâu vàng”. * Hành trình với trái bóng đã có những niềm vui, nỗi buồn nào sâu sắc đọng lại trong ông? - Năm 2004, trước Tiger Cup tại TP.HCM tôi phải đi Trung Quốc chữa bệnh một tháng. Trước ngày lên bàn mổ, hình ảnh duy nhất trong đầu tôi vẫn là ước mơ VN vô địch. Khi điều trị xong về nước cũng là ngày chuẩn bị cho giải đấu và trong túi tôi không còn một xu nào. Toàn bộ tiền lương hưu, tiền thu gom từ quán cà phê đã được mang vào việc chữa bệnh. Biết hoàn cảnh của tôi, nhiều khách của quán cà phê, bạn bè mỗi người đưa tôi vài chục ngàn đồng, người mua tù và, người đưa tôi bộ chiêng... Trong số những mạnh thường quân ấy có đạo diễn Doãn Hoàng Giang là người thường xuyên giúp tôi có tiền mua vé vào sân, có ông bà chủ một công ty sứ vệ sinh của Nhật tài trợ ôtô cho tôi đến sân. Trước mỗi trận đấu vào buổi chiều, từ 10g sáng tôi đã đóng cửa quán và mất ba giờ để hóa trang, sau đó mất bốn giờ ngồi ôtô hơn 10km ra sân vận động Mỹ Đình. Bao giờ tôi cũng đi dọc 36 phố phường, diễu hành suốt chặng đi và đến sân thật sớm. SEA Games 24 tại Thái Lan, tôi đã gom góp sáu tháng lương hưu để có tiền sang cổ vũ đội tuyển và đoàn thể thao VN. Trước trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 với Thái Lan trên sân Mỹ Đình, tôi nghĩ đây là trận đấu một mất một còn nên cắt đi mái tóc dài nghệ sĩ bao năm để biến đầu mình thành một nửa trọc lóc sơn vàng, một nửa tóc dài nhuộm đỏ, mặc quần một ống, áo một mảnh... Và cuối cùng ước vọng bao năm của đời tôi đã được thực hiện. Tôi đã đi đến sáng với những dòng người Hà Nội ăn mừng, vẫn với mặt nạ và sừng trâu trên đầu để rồi sau đó phải nhập viện. Phóng to CĐV Hải Phòng bị đánh chảy máu ngồi cùng cầu thủ trong hành lang khán đài Nỗi đau khi khán đài bị ô uế * Dạo này người ta ít thấy ông xuất hiện trên khán đài ở các trận đấu trong nước của các CLB? - Lý do một phần vì sức khỏe tôi yếu, thường xuyên phải nằm viện điều trị. Lý do thứ hai là tôi nản. Mơ ước của tôi là mỗi CLB phải có một hội CĐV chuyên nghiệp, được quản lý quy củ, bài bản, có người đứng đầu hướng dẫn cổ vũ và duy trì kỷ luật cho hội. Cùng với đó, hội CĐV VN được hình thành dựa trên hội CĐV của các CLB, các thành phố... Vậy nhưng với những gì diễn ra hiện nay thì điều đó là rất khó. Ra sân mỗi người hô một phách, cổ vũ một kiểu và ăn mặc, hành động như thế nào cũng tự phát. CĐV địa phương này chửi địa phương kia, khách đến nhà mình thì mình đánh... Vì thế nhiều lần gần đây khi ra sân cổ vũ đội tuyển VN hay CLB tôi thường lặng lẽ. Dù nằm bệnh viện nhưng tôi vẫn thường xuyên xem truyền hình và đọc báo nên biết các CĐV Hà Nội ACB ném đầu chó xuống sân, CĐV Hải Phòng đánh nhau với CĐV Nghệ An... Tôi thấy buồn và đau vô cùng. Với những người yêu và coi bóng đá như lẽ sống cuộc đời suốt mấy thập niên qua thì đó là những hành động đáng sỉ nhục. Chúng tôi đến sân để mang sự rộn ràng, vui tươi của cuộc sống vào sân, tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ. Vậy nhưng với nhiều CĐV hiện nay thì họ đến sân để chửi bới, lăng mạ nhau, thậm chí hành hung nhau và biểu dương hành vi vô văn hóa. * Ông nghĩ ai là người có trách nhiệm trong những hành động thiếu văn hóa vừa qua của các CĐV? - Tất nhiên, mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình trước tiên. Điều đó thuộc về văn hóa của mỗi người, họ không được giáo dục và không hiểu tinh thần cao thượng của thể thao khi đến sân cổ vũ. Thứ hai, đó là trách nhiệm của các CLB và ban tổ chức. Nếu không có một hội CĐV chuyên nghiệp, được quản lý và gắn liền quyền lợi với ban tổ chức và CLB thì rất khó. Và cao hơn nữa, đó là trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF). Có lẽ tôi là người có thành kiến với VFF? Bởi lẽ tôi chưa bao giờ được VFF động viên hay ủng hộ, dù hàng triệu người hâm mộ biết tôi là người yêu bóng đá điên dại và làm tất cả cho bóng đá, là CĐV số một của VN. Suốt hơn chục năm qua, có hai lần VFF cho tôi vé vào sân xem đội tuyển VN đá, một lần vé ở tầng 5 và một lần ở khán đài D. Những vị trí đó cho một CĐV nhiệt huyết như tôi thì làm sao tôi có thể cổ vũ, có thể khuấy động khán đài được. Những lần đó tôi đều mang vé cho bạn bè và bấm bụng đi mua vé khán đài B để đến sân. Họ đâu có biết để theo đội bóng, vì tình yêu cuồng nhiệt nên tôi đã tốn không biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc và rất nhiều nước mắt. Từ những quan tâm và cách tôn trọng CĐV của VFF như vậy nên tôi nản. * Ông buồn? - Tôi đau nhiều hơn là buồn. Suốt những tuần qua, hành động thiếu văn hóa liên tiếp của các CĐV cứ đập vào mắt tôi và toàn xã hội. Vậy nhưng không có biện pháp nào được đưa ra. Thiết nghĩ những kẻ thiếu văn hóa nên ở nhà chứ đừng ra sân để làm ô uế khán đài bóng đá, làm nhục những CĐV chân chính khác.
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
CNN, AFP đăng tin sự kiện metro đầu tiên tại TP.HCM là 'thành tựu của thành phố' CÔNG KHẢI 23/12/2024 Tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM được vận hành chính thức đã thu hút được sự quan tâm của báo chí quốc tế.