Nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng Văn học châu Á với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh - Ảnh: NVCC
Vừa trở về từ Lễ trao giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) lần thứ 2 tại Hàn Quốc, chiều 12-11, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tin vui, ông trở thành tác giả duy nhất được lựa chọn trao giải năm nay.
Ông đã nhận giải thưởng này hôm 9-11 cho cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.
Trang web của Viện Nghiên cứu châu Á - Hàn Quốc cũng đăng tải thông tin về lễ trao giải thưởng Văn học châu Á lần thứ 2 với thông tin người thắng giải duy nhất của năm nay là tiểu thuyết gia Bảo Ninh.
Trước đó, năm 2016, cũng với tiểu thuyết này, Bảo Ninh đã được trao Giải thưởng Simhun của Hàn Quốc.
Bảo Ninh nói ông rất vui cho cá nhân mình với giải thưởng này, và cũng vui cho nền văn học Việt Nam, khi mà, sau một thời gian dài khá im ắng thì trong vòng 1 năm trở lại đây liên tục có nhiều nhà văn Việt nhận được giải thưởng quốc tế như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận Giải thưởng Changwon KC International Literary 2018, Hàn Quốc; Nguyễn Ngọc Tư nhận Giải thưởng Liberaturpreis, Đức năm 2018; Mai Văn Phấn nhận Cikada 2017, Thụy Điển...
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Tác phẩm đã được dịch và xuất bản khoảng 20 quốc gia trên thế giới.
Tại Hàn Quốc, nhà văn Bảo Ninh cho hay, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch từ lâu, nhưng đó là dịch qua bản dịch tiếng Anh. Năm 2012, tác phẩm đã được dịch giả Ha Jae Hong chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Việt, Nhà xuất bản Asia phát hành.
Ông cũng nói thêm, Hàn Quốc cũng đang "để mắt" tới nhà văn Nguyễn Bình Phương. Họ đang dịch tác phẩm Mình và họ của nhà văn trẻ này và chia sẻ với Bảo Ninh rằng họ rất thích thú.
Bìa sách Nỗi buồn chiến tranh phát hành tại Hàn Quốc năm 2012 - Ảnh tư liệu
Giải thưởng Văn học châu Á nằm trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á, diễn ra từ ngày 6 đến 9-11 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Liên hoan này bắt đầu có từ năm ngoái với mục đích tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các nước châu Á thông qua kênh văn chương.
Năm nay tham dự liên hoan có 12 nhà văn Hàn Quốc, trong đó có nhà văn đầu tiên của Hàn Quốc từng đoạt giải Man Booker là Han Kang, và 11 nhà văn khác đến từ 10 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Myanmar, Thái Lan, Philippines...
"Liên hoan Văn chương châu Á sẽ đón tiếp các nhà văn châu Á quan tâm tới dân chủ, hòa bình và quyền con người", ông Paik Nak-chung, chủ tịch Liên hoan chia sẻ.
"Đặc biệt, 2018 là một năm đặc biệt khi lộ trình tiến tới giải trừ hạt nhân và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu khi các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã gặp nhau tại Bàn Môn Điếm và tại Bình Nhưỡng.
Liên hoan kêu gọi các nhà văn châu Á tiếp tục tinh thần hòa bình trên bán đảo Triều Tiên để truyền cảm xúc mạnh mẽ về những vết thương của châu Á thông qua văn chương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận