Với 24 quận huyện, ước chừng mỗi năm TP.HCM có khoảng 480.000 - 720.000 trẻ trong độ tuổi mầm non cần đến nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non... Con số này sẽ tương ứng với nhu cầu bức thiết về trường lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên, đất đai...
Vì thế, chuyện mầm non ở TP.HCM không còn là “chuyện nhỏ”. Nhu cầu này đã khiến HĐND TP.HCM gấp rút ban hành nghị quyết với điểm nhấn chủ yếu là thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi tại trường công lập, quyết định bổ sung biên chế cho phòng GD-ĐT các quận huyện để dễ bề quản lý công tác mầm non và đặc biệt TP.HCM đã cho phép mỗi lớp mầm non có thêm một nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) ngoài giáo viên.
Thế nhưng, sau một năm thực hiện nghị quyết với hàng loạt điểm sáng đó, ngành giáo dục mầm non TP vẫn không thể “bứt” ra khỏi những cơ chế vướng víu...
Các quận, huyện tại TP.HCM vẫn đau đầu với việc tuyển đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng vì TP khuyến khích, coi là cần thiết nhưng các văn bản pháp luật của Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan lại không thấy nhắc đến vị trí này.
Càng đau đầu hơn khi các trường mầm non công lập được thông tư liên tịch 06 “đóng khung” khi giao cho mỗi trường chỉ được phép có hai bảo vệ, bốn vị trí việc làm (kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ) chỉ được định mức hai người dù có trường ở TP.HCM có từ 700 - 1.200 trẻ học cả ngày...
Nếu làm đúng với quy định ở trên thì liệu trẻ có thể phát triển thể chất tốt hay không khi mà giáo viên mầm non không chỉ làm đồ dùng, đồ chơi, soạn giáo án, còn phải cho trẻ ăn, tắm táp, tắm nắng, dọn dẹp vệ sinh... trong điều kiện lớp từ 30 - 40 trẻ, phục vụ 8 - 10 giờ mỗi ngày?
Nếu làm đúng với quy định, TP.HCM có tuyển đủ giáo viên hay không khi lương khởi điểm của giáo viên mầm non mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng / tháng mà cường độ, thời gian làm việc lại hết sức căng thẳng, vất vả.
Nếu làm đúng quy định, người ta sẽ thấy kế toán trường mầm non làm luôn chức “thủ quỹ”, còn nhân viên y tế thì phải liên tục chạy văn thư, mặc kệ trẻ có nóng sốt cũng cứ... nằm chờ. Hàng loạt câu “nếu, thì” đang làm khó các trường mầm non công lập tại TP.HCM.
Trong cuộc họp tại Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây, một đại biểu HĐND TP.HCM đã lên tiếng: Hiện nay, cả nước chỉ có TP.HCM thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi thì việc quy định giáo viên/số trẻ ở độ tuổi này phải lấy từ thực tế chứ không nên “ngồi trên giấy” rồi nghĩ ra để cấp “quota” sai lệch như vậy.
Trẻ mầm non rõ ràng cần ưu tiên phát triển thể chất, nghĩa là cần được nuôi nấng tốt ở trường. Trường mầm non ở TP.HCM với quy mô 1.000 trẻ sẽ khác với trường ở nhiều tỉnh thành khác chỉ có 100 - 200 trẻ.
Bao giờ nhân viên nuôi dưỡng hay cô bảo mẫu được thanh thản đến lớp đến trường, được yên tâm sống với nghề của mình... mà không phải lo chuyện vừa dạy học vừa lau chùi lớp, dọn dẹp nhà vệ sinh?
Câu chuyện quy định không phù hợp với thực tiễn, xa rời thực tiễn dường như không chỉ làm đau đầu ngành mầm non.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận