​Nỗi bất an của gã khổng lồ

THANH VÂN 09/06/2015 02:06 GMT+7

TTCT - Từng được gọi là “người khổng lồ đang ngủ”, Trung Quốc hiện là đất nước đông dân nhất hành tinh và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng sự tăng trưởng của Trung Quốc song hành với rất nhiều bất ổn sâu sắc, và chính những bất ổn này cũng là nguồn lực của họ.

 

Cuốn sách của Susan L. Shirk (*) mở ra chiếc “hộp đen” của chính trị Trung Quốc với vòng tròn tương sinh mạnh - yếu, cung cấp cách nhìn làm sáng tỏ nhiều tình huống.

“Mạnh mẽ bên ngoài, mong manh bên trong, ấy là Trung Quốc hôm nay” - nhận xét này không phải là một lời phê phán thông thường. Sức mạnh không thể chối cãi của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng không hề chắc chắn từ bên trong, đó là tình thế nguy hiểm cho đất nước này, và chính vì thế Trung Quốc trở nên nguy hiểm đối với thế giới.

Đất nước bị thúc đẩy bởi quá nhiều tham vọng và nỗi sợ hãi này luôn là một thách thức, là bài toán khó đối với các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Trung Quốc hiện tại sinh ra từ một quá khứ có quá nhiều biến động trầm trọng về mọi mặt. Những cuộc chiến tranh và cách mạng chưa bao giờ ngừng trên đất nước này khiến giới lãnh đạo, một khi đã duy trì được tình thế tương đối hòa bình, luôn bị ám ảnh bởi “ổn định xã hội”.

Một mặt, họ phải giải quyết những vấn đề lớn như tự do ngôn luận, xung đột sắc tộc, bất công xã hội... dựa trên công thức riêng về ổn định của mình. Mặt khác, việc thể hiện bộ mặt “cường quốc có trách nhiệm” lại đòi hỏi công thức khác, liên tục xung đột với công thức về ổn định chính trị trong nước.

Một chiếc máy bay rơi, một chiếc thuyền xâm phạm lãnh hải nước khác, một tuyên bố quyết liệt về Nhật Bản hay Đài Loan... những sự kiện diễn ra thường xuyên này tuy rời rạc nhưng không hề tách rời khỏi bản chất của một đất nước mà sự cân bằng được đặt trên quá nhiều lực đối lập.

Bên cạnh việc cố gắng gây dựng danh tiếng quốc tế bằng những hi sinh nhất định, Trung Quốc luôn cần viện đến những tình cảm dân tộc sơ khai để chống đỡ các vấn đề của đất nước, hơn là giải quyết chúng từ gốc rễ.

“Vấn đề nội chính được đặt lên vị trí ưu tiên trước nhất không chỉ là trường hợp cá biệt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc... Điều làm Trung Quốc khác biệt là sự tồn tại của chế độ, chứ không chỉ là mối nguy thất cử trong nhiệm kỳ tới”.

(Trích Gã khổng lồ mất ngủ, trang 26)

Từng gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc, Susan L. Shirk dành nhiều ví dụ mô tả “tình cảm”, thứ động lực phức tạp dẫn dắt các lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc.

Cần phải hiểu khối người khổng lồ này, với cảm giác thiếu tự tin cùng những nỗi sợ sâu xa về việc mất vị thế, để hiểu vì sao Trung Quốc có những cách hành xử “kiểu Trung Quốc”.

Một mặt hạn chế sự cực đoan trong dân chúng và đề cao đối ngoại ôn hòa, một mặt phải kích động những tình cảm mãnh liệt để chứng tỏ danh dự quốc gia và duy trì đoàn kết trong nước - tình thế đặc thù này khiến Trung Quốc luôn khó đoán đối với bất cứ nhà phân tích nào.

Gã khổng lồ mất ngủ là cuốn sách hấp dẫn được viết rất dễ đọc, với nhiều câu chuyện và phân tích kết nối với nhau, cùng nhiều tư liệu quý từ một người trong cuộc, dành cho những ai muốn có một góc nhìn về chính trị Trung Quốc đương đại.

Theo dõi những nhân vật, những câu chuyện gắn liền với lịch sử trong sách, người đọc sẽ có nhiều liên tưởng thú vị đến biến chuyển văn hóa và tình hình chính trị của Việt Nam, trong mối giao lưu lâu đời với người láng giềng phức tạp của mình.

Susan L. Shirk sinh năm 1945 tại Hoa Kỳ, là tiến sĩ khoa học chính trị và nhà nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc. Bà từng đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong Chính phủ Hoa Kỳ: phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ dưới chính quyền Clinton, ủy viên Ban Chính sách quốc phòng, thành viên ban lãnh đạo của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung...

Một số cuốn sách của bà: China: Fragile Superpower: How China's Internal Politics Could Derail Its Peaceful Rise, 2007 (Gã khổng lồ mất ngủ); How China Opened Its Door: The Political Success of the PRC's Foreign Trade and Investment Reform, 1994; The Political Logic of Economic Reform in China, 1993; The Challenge of China and Japan: Politics and Development in East Asia, 1985...

(*): Gã khổng lồ mất ngủ; tác giả Susan L. Shirk; Vũ Tú Mạnh - Trần Hà Trang dịch; Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2015.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận