27/01/2020 11:21 GMT+7

'Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành tết Sài Gòn rồi nha'

AN NHIÊN
AN NHIÊN

TTO - "Sài Gòn mà quê cái gì, tết Sài Gòn chán lắm". 'Ủa, ăn tết ở quê Sài Gòn gì kỳ vậy?". Tôi tự ái à nghe. Ai nói tết ở quê... Sài Gòn chán tôi nghe không vô. Mấy người không rành tết Sài Gòn rồi nha...

Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành tết Sài Gòn rồi nha - Ảnh 1.

Chợ Xóm Chiếu sáng 30 tết - Ảnh: GIA TIẾN

Gần tết, nhỏ em đồng nghiệp hỏi tết có về quê không, tôi kêu: "Có, chị về Sài Gòn". Em ấy ngạc nhiên: "Ủa, gì kỳ vậy?".

Tôi nhớ thời sinh viên, biết tôi là dân Sài Gòn nên nhiều bạn rủ tôi về quê chúng nó ăn tết cho vui. Tôi chỉ cảm ơn rằng "Để dịp khác tui sẽ về quê bạn chơi, còn tết thì tui kẹt ăn tết ở quê tui rồi". 

Khi đó, có đứa cắt ngang bảo "Sài Gòn mà quê cái gì, tết Sài Gòn chán lắm". Thấy tôi nóng máy nên bạn ấy cũng hơi quê quê vì lỡ lời. Nhưng đúng là tôi cảm thấy tự ái khi nghe câu nói đó. Ai nói tết ở quê... Sài Gòn chán tôi nghe không vô.

Tôi biết rằng những người xa quê dĩ nhiên họ sẽ háo hức về quê sum họp với gia đình nên với họ, tết ở quê là nhất, thì tôi cũng vậy thôi. Sài Gòn là nhà, là quê của tôi. Ba mẹ ông bà tôi ở mảnh đất Sài Gòn này. Tôi được sinh ra và lớn lên ở đây chớ đâu. Thế nên bạn yêu quê của bạn, bạn thích về quê ăn tết thì tôi cũng yêu quê tôi. Tôi yêu ghê gớm tết Sài Gòn.

Tết Sài Gòn vui quá vui mà...


Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành tết Sài Gòn rồi nha - Ảnh 2.

Múa lân sáng mùng 1, 25-1, ở một gia đình trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ản h: M.C

Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành tết Sài Gòn rồi nha - Ảnh 3.
Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành tết Sài Gòn rồi nha - Ảnh 4.

Lăng Ông Bà Chiểu - điểm đến không thể thiếu của nhiều người Sài Gòn. Ảnh: Sáng mùng 1 Tết Canh Tý, 25-1 - Ảnh: M.C

Cứ cuối tháng 11 âm lịch là mẹ tôi sẽ dắt 3 anh em tôi đi chợ sắm quần áo mới. Cả năm chỉ được một lần sắm đồ mới duy nhất nên mỗi đứa được 2 bộ để xúng xính, tự chọn theo ý mình về màu sắc kiểu dáng. Nhưng dĩ nhiên mẹ sẽ cân nhắc lại về giá cả và góp ý. Mua để đó đến tết mới được mặc, thế là ngày nào tôi cũng lôi ra để ngắm nghía đầy thích thú.

Tết Sài Gòn vẫn có mùi bếp thơm nức. Năm nào mẹ tôi cũng gói bánh ít và làm mứt dừa. Có năm rủng rỉnh tiền chút đỉnh thì mẹ sẽ làm thêm mứt khoai và mứt cà. Mùi đường mứt, mùi lá chuối đầy hấp dẫn. Tôi thích nhất là cạo đường dính đáy chảo và liếm láp như mèo.

Tết Sài Gòn vẫn rộn ràng cả xóm. Ba tôi năm nào cũng quét vôi lại tường nhà và sơn mới cửa. Vài năm có tiền thì làm cả căn nhà. Năm nào kẹt thì ba tôi cũng quét lại bờ tường rào và phòng khách. 

Ba bảo có cái mới mẻ sáng sủa chào năm mới. Anh hai tôi thì phụ trách đánh bóng bộ lư đồng. Ngày trước toàn đánh lư bằng tay chứ làm gì có dịch vụ chà lư như bây giờ. Tôi và thằng em thì phụ trách lặt lá mai và làm chân sai vặt.

Sau đó thì cả xóm xúm nhau rửa sạch đường trong con hẻm nhỏ rồi treo cờ ở cổng. Vừa làm vừa rộn rã nói cười.

Tết đến, Sài Gòn rực nắng vàng. Đường phố vắng vẻ sạch sẽ hơn ngày thường. Khu trung tâm được trang hoàng rực rỡ. Gia đình tôi có 3 chuyến du xuân quan trọng luôn giữ hàng năm. Chuyến thứ nhất là đi chợ hoa những ngày cận tết. 

Khi xưa, chợ hoa họp ở đường Nguyễn Huệ, sau này dời về công viên 23-9, còn đường Nguyễn Huệ thành đường hoa. Mặc dù hiện nay đường hoa thành nét đẹp văn hóa của thành phố nhưng tôi vẫn thích không khí chợ hoa hơn. Không có những tiểu cảnh sắp đặt, chợ hoa chỉ toàn hoa, đủ loại khoe sắc. Cảnh mua bán trả giá nhộn nhịp rất vui.

Chuyến du xuân thứ hai là cả nhà sẽ thức dậy sớm đi chùa ngày mùng một tết. Đó là khi anh em tôi được mặc bộ đồ mới thứ nhất. Ai cũng thành kính thắp hương cầu mong một năm mới vui vẻ bình an. Lộc đem về là những vòng hoa nhài trắng tinh thơm phức. Sau đó, cả nhà cùng nhau đi chúc tết ông bà và cô dì trong gia đình. Dĩ nhiên anh em tôi vô cùng háo hức với cái khoản được ăn bánh mứt thả ga và nhận lì xì.

Chuyến du xuân thứ ba là cả nhà sẽ đi Sở thú. Người vùng khác hay bảo "đi Thảo cầm viên chơi" nhưng dân Sài Gòn sẽ rủ đi "Sở thú". Hồi đó không có điều kiện nên cả năm anh em tôi mới được đi chơi Sở thú một lần rồi về háo hức kể con gấu mập hơn năm ngoái, con cọp ốm hơn năm ngoái, năm nay có thêm con hà mã con... Và dĩ nhiên là sẽ được diện bộ đồ mới thứ hai để chụp hình. 

Thời đó chưa có điện thoại để chụp ảnh bất cứ đâu như bây giờ. Ba tôi sẽ gọi ông thợ chụp ảnh để chụp 5 tấm ảnh. 2 ảnh chụp chung cả nhà và 3 anh em tôi mỗi đứa được 1 kiểu riêng. Có ông thợ chụp vẻ vời cách tạo dáng rồi tự chụp nhiều hơn, dụ mẹ tôi lấy thêm ảnh làm cả nhà tốn thêm tiền. Nhưng mà vui.

Sài Gòn là quê ngoại của con tôi 

Sau này, khi tôi lập gia đình thì ngày tết chúng tôi chia ra ăn tết hai bên nội ngoại. Nhiều người bảo cả năm tôi đã ở Sài Gòn rồi nên tết phải về quê chồng. Tôi lại không nghĩ như vậy. Sài Gòn là quê ngoại của con tôi. Dù nhà tôi sống ở Sài Gòn nhưng ở nhà riêng, cả năm bận việc cũng đâu thường ăn cơm với ba mẹ. Trong năm, vợ chồng tôi cũng sắp xếp cho con 1, 2 chuyến về quê chơi với ông bà nội. Nên cứ tết là phải chia đều. Nhất là khi ông bà và mẹ tôi đều đã mất thì tôi càng muốn được ăn tết ở Sài Gòn cùng ba. 

Con trai tôi thích tết ở cả quê nội và ở Sài Gòn quê ngoại. Nếu ăn tết ở Sài Gòn, tôi vẫn giữ nếp dẫn con đi chợ hoa xuân mua vài chậu chưng tết, vẫn bày ra làm mứt dừa, vẫn dắt con đi chùa rồi đi chúc tết ông bà, vẫn đi chơi Sở thú. Ngày nay thì có thêm nhiều lựa chọn du xuân như đi xem kịch, xem phim, đi cà phê nghe nhạc, đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên... 

Trước tết gia đình tôi còn cùng gia đình bạn bè tụ họp gói bánh chưng chia cho các nhà và gói dư đem tặng cho người vô gia cư ăn tết nữa.

Vài lần có dịp, tôi cũng đã thử đi một, hai ngày để biết không khí tết ở nhiều vùng miền. Nhưng nói gì thì nói tôi vẫn yêu tết Sài Gòn nhất. Và "đường về quê ăn tết" đối với tôi đỡ cái khoản kẹt tàu xe chen chúc nhưng ngược lại, tôi cũng phải nhọc nhằn để "tranh đấu", thuyết phục mới có được cái tết ở quê mình đó chứ. Cũng may chồng và và ba má chồng tôi cũng hiểu và đồng tình nên tôi vẫn thường được đón tết Sài Gòn.

Tết Sài Gòn không hề chán, vẫn đầy hương, đầy sắc, đầy mùi vị và ấm tình đấy thôi. Người con Sài Gòn ở Sài Gòn ăn tết là họ cũng đang ở quê ăn tết thôi mà...  mà thôi.


Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).

Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên