Trong thế giới kinh doanh ngày càng cạnh tranh và phức tạp, vai trò của nhân viên giỏi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, định nghĩa về một "nhân viên giỏi" đã thay đổi đáng kể theo thời gian.
Nhân viên hiểu nhầm win-win, công ty lãnh đủ
Tư duy win-win (cả hai cùng thắng) được nói đến nhiều nhưng ít được áp dụng trong thực tế. Tôi có một đồng sự làm việc tập trung, nhiệt huyết nhưng thường bị ghét. Trong nội bộ công ty phê bình: Bạn này chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi cho phòng ban của bạn. Đối tác bên ngoài thì bị than phiền: Bạn có những đòi hỏi thái quá và không chia sẻ, thông cảm.
Một số đối tác quen bực bội gọi cho tôi thông báo: Họ sẽ không bao giờ làm việc với bạn đó nữa!
Khi tôi góp ý thì bạn phân bua: "Em đấu tranh cho quyền lợi của công ty mà anh".
Tuy nhiên khi tôi cho biết là em đã làm gãy một mối quan hệ mà lẽ ra sẽ còn hợp tác lâu dài, bạn im lặng.
Nhưng cũng có những bạn nhân viên lãnh lương công ty nhưng hành xử như người của đối tác. Các đề xuất đưa lên đều thấy công ty bị thiệt thòi. Giao cho bạn đi giám sát, bạn luôn báo cáo tốt, nhưng khi đi kiểm tra thực tế thì đối tác làm sai tè le. Phê bình thì bạn cười trừ và cho rằng đó là những sai sót nhỏ!
Nhân viên "chuyền banh" vs thánh nổ, "bán than"
Trong công ty còn có những bạn sợ trách nhiệm và "chuyền banh" rất giỏi. Quyền hạn và phạm vi công việc được giao rõ ràng và được ghi trong bảng mô tả công việc, nhưng câu cửa miệng của bạn luôn là: Việc này để em báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo, hoặc việc này có liên quan đến phòng/bạn A. nữa, anh liên hệ bên đó nhe.
Trong đàm phán, đôi khi sếp không thể "xuất tướng" ngay từ đầu, mà cần nhân viên trao đổi, thỏa thuận trước. Tuy nhiên với các bạn này, sếp luôn bị đẩy ra tiền tuyến.
Nhưng cũng có bạn mở miệng ra: Việc này là chuyện nhỏ, trong khi thật ra nó thuộc thẩm quyền của người khác. Đối tác "mắt tròn mắt dẹt" khi bạn tuyên bố hùng hồn sẽ "xử" được hết, đặc biệt là khi ở quán cà phê hay quán nhậu.
Sau đó, khi lời hứa và kết quả không như mong muốn thì đối tác mới biết rằng: Bạn chỉ giỏi "nổ" và giải quyết công việc đó thuộc về bộ phận khác.
Cũng có những bạn chuyên nghề "bán than!" Việc lớn, việc nhỏ gì cũng than, giống như không than thì người khác không thấy hết được những khó khăn, vất vả, nỗ lực của mình.
Bạn than riết thành nhàm và tự làm xấu đi hình ảnh của mình.
Còn nhiều lắm những "tật xấu" của nhân viên như tị nạnh, nói nhiều làm ít, nói xấu đồng nghiệp hoặc thờ ơ với công việc...
Để trở thành một nhân viên thực sự giỏi, ngoài việc phát triển kỹ năng chuyên môn, mỗi người cần xây dựng sự tinh tế trong giao tiếp và xử lý mối quan hệ. Không chỉ làm việc chăm chỉ mà còn cần làm việc thông minh, luôn cân nhắc đến lợi ích của các bên liên quan và hiểu rõ trách nhiệm của mình.
Những "tật xấu" như thích "chuyền banh", "nổ", hay "bán than" có thể phá hỏng hình ảnh chuyên nghiệp mà từng người đang nỗ lực xây dựng.
Biết người biết ta, luôn chủ động và có trách nhiệm với công việc chính là những tiêu chí mà bất kỳ ai cũng nên rèn luyện.
Dù thách thức là không nhỏ, nhưng sự thành công và phát triển bền vững trong sự nghiệp chắc chắn sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những nhân viên không ngừng cố gắng. Thật vậy, làm nhân viên giỏi đâu phải chuyện đùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận