Người dân TP.HCM xếp hàng đợi mua gạo ở một cửa hàng lương thực năm 1985 - Ảnh tư liệu |
Hậu quả chiến tranh, thiên tai, các chính sách không phù hợp như ngăn sông cấm chợ, mà đặc biệt chính sách hợp tác hóa nông nghiệp làm triệt tiêu động lực sản xuất của nông dân...
Nhắc nhớ quá khứ để trân trọng VN đã vượt qua “đêm dài” đói kém thế nào sau ngày thống nhất hòa bình...
Ở TP.HCM, đô thị lớn nhất đất phương Nam, chưa bao giờ biết thiếu gạo nhưng người dân đã phải làm quen với khoai mì và hạt bo bo khô cứng những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.
Là cán bộ ngân hàng, ông Lữ Minh Châu vẫn không quên những nồi bo bo vợ nấu đợi chồng mỗi buổi chiều về.
Bữa cơm của giám đốc ngân hàng
Bà Trần Ngọc Điệp, vợ ông, tâm sự chồng mình làm giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, rồi tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN (tương đương chức vụ thống đốc hiện nay) mà về nhà vẫn ăn bo bo. Ông Châu vẫn ăn ngon lành, chỉ có gương mặt rất trầm ngâm.
Mãi về sau mọi người mới biết đây là thời điểm ông Châu đang được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ phối hợp cùng bà Ba Thi chạy gạo cho thành phố. Ông về nhà, nhai hạt bo bo càng thấm thía nỗi khổ của dân!
Thời khan hiếm miếng ăn, người ta hay nghĩ ai có chân trong công ty lương thực là mèo sa hũ mỡ, nhưng thực tế không hẳn ai cũng vậy. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, cán bộ văn phòng Công ty Lương thực TP.HCM từ thời còn là tổ thu mua, vẫn nhớ chế độ được mua gạo của mình cũng thiếu hụt như mọi người.
Mãi khi gạo miền Tây về thành phố nhiều hơn, bà mới được nâng suất lên 25kg gạo mỗi tháng. Tuy nhiên, bọc gạo ấy chẳng thấm vào đâu với sáu miệng ăn trong nhà, bữa cơm cũng lẫn lộn hạt bo bo.
“Ba má tôi hồi ấy lớn tuổi rồi, không nhai bo bo được mà có cố nuốt chửng vào cũng không tiêu nổi. Chị em tôi phải nhường cơm cho ba má. Lo sáu cái bao tử trong nhà đã vã mồ hôi, tụi tôi còn phải chia sẻ thêm cho dòng họ lúc ấy còn đói hơn mình”- bà Kim Anh nhớ những ngày ghé thăm nhà người chú đang nuôi bốn con ăn học ở Thanh Đa.
Trước năm 1975, người chú này bán phụ tùng xe máy, sau giải phóng tình hình kinh doanh bết bát phải về Bình Quới làm vườn. Nồi chỉ bo bo độn khoai mì mà cũng thường hụt miệng ăn. Chị chia phần gạo ít ỏi của nhà mình qua cho nhà chú vẫn không đủ, phải sẻ thêm cả bo bo.
Hũ gạo cán bộ nhà nước có chế độ hẳn hoi mà còn thiếu hụt, tình hình ngoài dân rất căng thẳng. Ông Trần Văn Đức, dân kinh tế mới, chạy lên ở khu Mã Lạng, quận 1, đợt miền Tây lụt nặng năm 1978.
Nhiều đợt cả tháng liền vợ chồng ông Đức chỉ ăn bo bo để dành gạo nấu cơm, cháo cho con. Có tối bà vợ loay hoay lo ba đứa nhỏ, quên ngâm bo bo để sáng kịp nấu sớm cho chồng đi đạp xích lô.
Ông thức dậy, đói quá, đổ đại vốc bo bo khô vô nồi nấu suốt gần hai giờ, hạt bo bo chưa được ngâm vẫn cứng.
“Nhai đâu có nổi, tôi phải cố nuốt trộng xuống bụng, bị nghẹn suýt tắc thở. Tôi ngã lăn ra. Bà vợ tưởng chồng bị tai biến vừa khóc vừa la làng. Hàng xóm chạy sang thấy tôi ho ói được mớ bo bo nguyên hột ra ngoài”. Cái bao tử không thể nghiền được hạt bo bo!
Không chỉ dân kinh tế mới quá khó khăn, nhiều người có nhà cửa, sinh kế bình thường ở TP.HCM lúc ấy vẫn nhai đều khoai mì, khoai lang, bo bo độn cơm.
Bà Trần Thanh Thủy, ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, nhớ mãi: “Con gái tôi lúc ấy vừa 7 tuổi, mới thay răng. Một hôm cháu đang ăn tự nhiên máu chảy đầy miệng. Tôi bắt cháu phun ra thì thấy trong mớ bo bo có cả cái răng non bị gãy. Hóa ra nhà hết vôi, tôi chỉ ngâm bo bo vài giờ trong nước nên nấu lẫn cơm bo bo không mềm ra được”.
“Mua gạo cấp bù” năm 1985 tại TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Nồi cơm của vợ bộ trưởng
Hồi tưởng năm tháng quay quắt với miếng ăn, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tâm sự: “Bố tôi là cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Anh em trong gia đình được nuôi ăn học làm giáo sư, tiến sĩ, về nhà lại nâng chén cơm độn bo bo mẹ nấu”.
Nhắc lại những năm khó khăn cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, ông Huy miên man kể chuyện mẹ mình. Ngày ngày bà nấu nồi cơm cho cả 10 người ăn, gạo vun vón giữa nồi, bo bo bọc ở bên ngoài.
Con cái trưởng thành nên vợ nên chồng, nhà càng đông đúc thêm miệng ăn với lứa cháu nhỏ. Bà phải khéo tay, tính toán lắm mới tạm đủ miếng ăn cho cả gia đình...
Nguyên cục phó Cục Cung cấp lương thực Bộ Lương thực, bà Cao Thị Hảo chính là nhân chứng thời cả nước phải chạy vạy từng hạt gạo, hạt bo bo, khoai sắn.
Bà tâm sự: “Nhiều đợt các kho lương thực Hà Nội cạn sạch. Gạo cung cấp cho dân dù chỉ là chế độ tem phiếu 9kg, 13kg nhỏ giọt cũng không còn. Tin đồn hết gạo lan nhanh như đám cháy nhà.
Dân đổ xô đi lùng sục, vét nhẵn tất cả những gì còn lại. Gạo bán lén lút ngoài vỉa hè theo tin đồn giá nhảy lên vùn vụt”.
Chính bà Hảo nhiều ngày ra cảng Hải Phòng chờ chực lương thực về. Tình hình căng đến mức bà phải xin xoay trước cho Hà Nội năm xe gạo nhỏ để “chữa cháy” tin đồn mặc dù thực chất nó chưa đủ cho một tổ dân phố ăn vài ngày.
Năm xe mở bạt cứ chạy vòng phố xá Hà Nội để dân thấy “đầy gạo” mà yên tâm. Đến cửa hàng lương thực, tài xế còn vờ dừng lại cố tình cho dân nhìn cảnh gạo về kho. Rồi xe lại qua cửa hàng khác. Hình ảnh “gạo về kho” tiếp diễn ...
Nhà bà Hảo có năm miệng ăn gồm hai vợ chồng, ba đứa con với hai suất gạo 13 kg và 4-5kg cho mỗi con tùy độ tuổi. Nguồn gạo tem phiếu thiếu hụt mỗi tháng thành nỗi ám ảnh, còn thêm nỗi lo con cháu ở quê lên nương tựa ăn học.
Bà nhớ mãi: “Nhường bọn nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi không ăn sáng, đạp xe đi làm. Nhiều hôm đạp từ Bộ Lương thực ở phố Ngô Quyền về đến Ngã Tư Sở người cứ lả đi. Khi mở nắp nồi thì lưng chén cơm nguội cũng không còn. Con cháu đang tuổi ăn kiềm chế không nổi”.
Làm ở Bộ Lương thực mà vẫn phải ăn cơm độn ê cả răng, nhưng bà Hảo thừa nhận dù sao mình vẫn đỡ. Có lần bà đi kiểm tra cửa hàng lương thực thấy thầy hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương một thời của mình đang lom khom vác bao bo bo từ xe tải vào cửa hàng.
Bà Hảo thảng thốt: “Ôi! Thầy ơi, sao thầy vất vả thế này?”. Người thầy ngại nhìn học trò cũ, mắt mờ đục: “Nhà hết nhẵn cái ăn rồi. Con lại đang bệnh. Cửa hàng trưởng nói ai chịu khó vác bo bo vào sẽ ưu tiên cho mua trước, mà xếp hàng muộn cũng chẳng còn để mua nữa”.
Ông Lữ Minh Châu nhớ chính ông Võ Văn Kiệt có lần đã phải nói thẳng lương thực TP.HCM chỉ còn vài ngày, tình hình báo động. Sau năm 1975, với tiêu chuẩn phân phối trung bình 9kg gạo mỗi người thì 4 triệu dân phải cần 530.000 tấn gạo. Nhưng số lượng này không được đảm bảo khi Nhà nước chỉ có thể huy động nổi hơn 1 triệu tấn mỗi năm trên toàn quốc. Còn sản lượng của cả vựa lúa miền Nam từ mức 1,9 triệu tấn năm 1976 cứ tụt dần xuống còn 0,99 triệu tấn năm 1977 và 0,64 triệu tấn năm 1979. TP.HCM mặc dù rất cố gắng, nhưng những năm 1970-1980 chỉ phân phối được trung bình 6kg gạo cho mỗi người dân. Theo nhà nghiên cứu Đặng Phong, đô thị lớn nhất miền Nam từ thừa mứa gạo trong suốt 300 năm qua, lần đầu phải ăn độn khoai mì, khoai lang, kể cả bo bo, thứ hạt cứng ngắc mà Liên Xô viện trợ. |
_________
Kỳ tới: Thiếu đói khắp nơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận