Bob Dylan và Sting - Ảnh: Rollingstone |
>> Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel
>> Bob Dylan: "Không thành thật với tim mình, bạn sẽ thất bại"
>> Xem Bob Dylan hát ở Việt Nam: nhờ vậy mà tui trẻ mãi không già đó nhe!
Thông cáo báo chí của Viện hàn lâm Thụy Điển vào ngày 13-10 chỉ vỏn vẹn một dòng: “Giải Nobel văn chương năm 2016 được trao cho Bob Dylan vì đã sáng tạo ra những biểu thức mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ”.
Lý do Viện hàn lâm Thụy Điển nêu ra hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của giải Nobel mà trên trang chủ của tổ chức này trưng ra: “900 khôi nguyên giải Nobel từ 1901 - 2016 được trao vì lợi ích lớn nhất cho nhân loại”.
Quả là người nhạc sĩ 75 tuổi đời này góp không ít cho nền âm nhạc Mỹ và cho lợi ích tinh thần của một phần nhân loại bằng các ca khúc đẹp nên thơ và dấn thân của mình, hình thành một lớp ca khúc phản kháng (protest songs) mới, lôi cuốn vô vàn thanh thiếu niên Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Gọi là “mới” do lẽ dòng nhạc phản kháng đã xuất hiện ở Mỹ ngay từ thế kỷ 19, với những ca khúc như When Johnny comes marching home again (Khi Johnny về lại nhà) đề cập cuộc nội chiến Mỹ cùng sự xa vắng của các chiến binh, hay Oh freedom (Ôi, tự do) xóa bỏ nạn nô lệ...
Mỗi thời có những trăn trở riêng và những biểu cảm khác. Bob Dylan lớn lên và vào đời cùng với cuộc chiến tranh Việt Nam, có những cảm nhận chung với một số thanh niên Mỹ về cuộc chiến tranh này và đã “xuất khẩu thành thơ”, rồi sẵn cây đàn guitar và chiếc kèn harmonica đã xướng lên thành những khúc hát phản kháng của thế hệ chiến tranh Việt Nam.
Những ca khúc đầu tiên, Blowin' in the wind (1962), Masters of war (1963), Talking World war III blues (1963) và The times they are a-changin (1964)... chính là những cảm nhận, phê phán của Bob Dylan về chiến tranh.
Với Blowin' in the wind (Thoảng bay trong gió), Bob Dylan phẫn nộ khi thấy bất lực trước chiến tranh:
“Những quả đạn pháo sẽ còn bay bao nhiêu lần nữa trước khi bị cấm vĩnh viễn? Câu trả lời, người bạn tôi ơi... thoảng bay trong gió!... Người ta phải cần có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy người khác khóc?”...
Bob Dylan biểu diễn tại Việt Nam tháng 4-2014 - Ảnh: T.T.D |
Trong Masters of war (Chúa tể chiến tranh), Bob Dylan chỉ mặt những “ông chủ” của cuộc chiến:
“Hãy đến đây, các ông chủ của chiến tranh. Quý vị chế tạo bấy nhiêu khẩu súng, bấy nhiêu máy bay tử thần, bấy nhiêu quả bom. Quý vị lại núp sau các bức tường, núp sau các bàn giấy. Tôi chỉ muốn quý vị biết rằng, tôi có thể nhìn thấu qua mặt nạ của quý vị...”.
Trong Talking World war III blues (Khúc nhạc buồn về Thế chiến thứ 3), Bob Dylan mường tượng ra cuộc đụng độ giữa các siêu cường:
“Cách đây không lâu, một giấc mộng điên rồ ập đến với tôi. Tôi mơ thấy bước vào trong Thế chiến thứ ba. Qua hôm sau, tôi đến gặp bác sĩ để xem ông ta bảo sao. Ông ta bảo đó chỉ là một ác mộng thôi”.
Năm 1963 ấy, thế giới mới qua khỏi cuộc khủng hoảng Cuba với đe dọa bom nguyên tử!
Cứ thế, Bob Dylan vừa hát vừa đàn, ngón tay anh thoăn thoắt trên những dây đàn. Có một nhà bình luận nói rằng Bob Dylan “có ngón tay trên nhịp đập của thế hệ mình”.
Bob Dylan - Ảnh tư liệu |
Ngày nay, ngay chính trong những ngày này, khi mà báo chí không ngớt giật tít “Nga - Mỹ sẽ đối đầu nhau ở Syria”, “Trung - Mỹ sẽ đối đầu trên Biển Đông”, ắt hẳn những tâm trạng ngày nào của Bob Dylan về chiến tranh, về nguy cơ Thế chiến thứ ba, về những “ông chủ” của bom đạn, máy bay, tên lửa... quả là hợp thời!
Trong bối cảnh chiến tranh đang sôi sục ở Syria, ở Yemen, hầm hè ở Crimea, bán đảo Triều Tiên... giải Nobel văn chương về tay người đàn ông rất thơ thẩn phản kháng chiến tranh này là phải!
>>Xem clip Bob Dylan trình diễn và nhận giải Grammy Thành tựu trọn đời năm 1991:
(Nguồn: Youtube)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận