06/10/2024 17:19 GMT+7

Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết

Giải Nobel văn chương, mà Hemingway gọi là 'chiêu trò Thụy Điển' - lễ hội kiểu hoàng gia đòi hỏi trang phục trang trọng - sẽ được công bố ở Stockholm vào ngày 10-10.

Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết - Ảnh 1.

Nhà văn Na Uy Jon Fosse - Nobel văn chương năm 2023

Tiếp đó là cả tuần lễ dài yến tiệc, bài phát biểu, diễn đàn, triển lãm, nhạc hội và các lễ đón rước đủ loại. Năm nay, như mọi khi, phần thưởng là hơn 1 triệu đô la, kèm theo truyền thông ầm ĩ và uy tín cao nhất, hơn bất cứ giải văn chương nào khác.

1/2 số người được Nobel văn chương, ai còn nhớ tới?

Nhưng người thắng giải thưởng chấm bí mật này cũng được xác định qua nhiều yếu tố không liên quan tới văn chương: sắc tộc, giới tính, quốc tịch, quan điểm chính trị, nỗi đau khổ cá nhân (từng ở tù là điểm cộng), tình trạng sức khỏe (sắp chết sẽ được ưu tiên hơn), số dịch phẩm ra các ngôn ngữ lớn, ý kiến của những người thắng giải trước, và áp lực của các chính phủ.

Giải thưởng thường xuyên được trao cho những nhà văn không lấy gì làm nổi bật, và rất nhiều nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã không được trao giải.

Giải Nobel văn chương đầu tiên được trao vào năm 1901, khi nhiều văn hào của thế kỷ 19 vẫn còn sống.

Nhưng thay vì vinh danh Leo Tolstoy hay Anton Chekhov, George Meredith hay Algernon Swinburne, Thomas Hardy hay Emile Zola, Mark Twain hay Henry James, Viện hàn lâm Thụy Điển đã chọn một nhà thơ và kịch tác gia Pháp giờ gần như đã bị lãng quên hoàn toàn là Sully Prudhomme.

Theo tác giả Jeffrey Meyers của trang The Article, "trong 120 người thắng giải sau đó từ 41 quốc gia (gồm bốn lần giải được trao cho hai người và 5 năm Thế chiến không trao giải), có thể chia thành ba hạng mục: danh tiếng quốc tế lớn; danh tiếng vừa phải và là tác giả nghiêm túc; không có danh tiếng gì và giờ đã bị lãng quên".

Meyers có bảng kê khai chi tiết, với ví dụ cho hạng mục một và hai là Camus và Pamuk, nhưng không buồn nhắc tới hạng mục thứ ba.

Theo ông, chỉ 20/120 người thắng giải là những tác giả lớn thật sự, 28 là những tác giả nghiêm túc, và hơn một nửa (72 người) giờ gần như không còn được nhớ tới.

Cũng đã có nhiều năm người thắng giải yếu hơn hẳn so với các ứng viên khác: Jacinto Benavente thay vì García Lorca; John Galsworthy thay vì Joseph Conrad; Jaroslav Seifert thay vì Milan Kundera; Wole Soyinka chứ không phải Chinua Achebe; Toni Morrison thay vì Philip Roth...

Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết - Ảnh 2.

Năm nay, nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết đứng đầu tỉ lệ cá cược Nobel văn chương 2024

Sau hai năm trao giải cho các nhà văn châu Âu 2022 và 2023, Viện hàn lâm có thể sẽ hướng tới châu Á vào năm nay, và hiện giờ không có ai được đánh giá cao hơn Tàn Tuyết.

Cá cược năm nay đổ dồn vào Tàn Tuyết

Những năm gần đây, một số người nhận giải cũng gây tranh cãi.

Lấy ví dụ, Svetlana Alexievich được cho là chỉ ghi âm, gõ và xuất bản các cuộc phỏng vấn có tính báo chí. Abdulrazak Gurnah, người Tanzania, bị cho là lựa chọn có tính "mặt trận" khi Viện hàn lâm cần một gương mặt châu Phi.

Trong quá khứ xa hơn, Pearl Buck (tác giả người Mỹ thể loại văn chương bình dân), nhà văn Liên Xô Mikhail Sholokhov, kịch tác gia Ý Dario Fo và nghệ sĩ âm nhạc đại chúng Bob Dylan đều đã gây nhiều tranh cãi.

Quốc tịch của các nhà văn cũng không đồng đều: Pháp và Mỹ đứng đầu với 16 và 13 giải, rồi Anh và Đức mỗi nước 8 giải, các nước Bắc Âu luôn được trao giải khá rộng rãi với 15 giải.

Áo có lẽ là nước bức xúc nhất với Nobel văn chương.

Mọi tác giả lừng lẫy của họ, rất nhiều người về tầm vóc hoàn toàn xứng đáng: Rainer Maria Rilke, Robert Musil, Franz Kafka, Hermann Broch, Ludwig Wittgenstein, Hugo von Hofmannsthal, Karl Kraus, Stefan Zweig và Georg Trakl đều chưa từng được trao giải.

Riêng năm nay, các hãng cá cược đang đánh giá cao nhất nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết. Năm ngoái, nữ nhà văn 70 tuổi này cũng được đánh giá là ứng viên hàng đầu, để rồi giải thưởng về tay nhà văn Na Uy Jon Fosse.

Một số tác phẩm của Tàn Tuyết đã được dịch ra tiếng Anh và được đánh giá rất cao. Bà từng có hoàn cảnh sống rất khó khăn, gồm tám năm làm công nhân nhà máy, nhưng vẫn rất yêu văn chương và ngoại ngữ.

Vì lẽ đó, tác phẩm của Tàn Tuyết mang hơi hướm văn chương hiện đại phương Tây dù kể về trải nghiệm cuộc sống của bà ở Trung Quốc - một lợi điểm khiến bà được đánh giá cao trong mắt giới phê bình.

Thứ hai trong danh sách là Gerald Murnane, nhà văn 85 tuổi người Úc.

Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết - Ảnh 3.

Nhà văn Gerald Murnane - Ảnh NewYorker

Bắt đầu viết từ những năm 1970, sự nghiệp của Murnane cất cánh vào những năm 1980 khi ra mắt tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình The Plains (1982). Từ đó đến nay, ông đã xuất bản 13 cuốn và trở thành một thần tượng văn chương đúng nghĩa.

Ngoài hai nhân vật đó, những "ngựa ô" của giải Nobel năm nay được đánh giá là Laszlo Krasznahorkai - nhà văn 70 tuổi người Hungary, "bậc thầy của thể loại tiểu thuyết tận thế" và chủ nhân giải Booker 2015.

Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết - Ảnh 4.
Nobel văn chương năm nay, cá cược dồn vào cái tên Tàn Tuyết - Ảnh 5.

Nhà văn Laszlo Krasznahorkai và nhà văn Jamaica Kincaid

Cùng Jamaica Kincaid - nhà văn 74 tuổi người Antigua chuyên thể loại phi hư cấu, "người viết tự truyện về tự nhiên" dù trong tác phẩm của bà có cả chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thuộc địa, đế quốc, tính dục, giai cấp, cái chết và kỹ thuật làm vườn.

Nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre đã gây tranh cãi lớn vào năm 1964 khi vừa được trao, vừa từ chối giải Nobel.

Người viết tiểu sử cho ông Annie Cohen-Solal nói Sartre, vì là người cộng sản, không ưa "vinh dự chỉ dành riêng cho khối phương Tây và những kẻ nổi loạn ở khối phương Đông".

Cohen-Solal cũng cho rằng quyết định từ chối giải Nobel của Sartre có vẻ đã khiến Viện hàn lâm trả đũa bằng cách "không trao giải cho nhà văn Pháp nào nữa cho tới Claude Simon năm 1985".

Tranh cãi là một phần không thể thiếu của Nobel văn chương.

Năm 1980, thành viên Viện hàn lâm Artur Lundkvist, khi nói về văn chương ở châu Á, châu Phi và những vùng "xa xôi" khác của thế giới, đã khẳng định: "Tôi ngờ rằng khó tìm thấy gì hay ho ở những nơi đó".

Tuyên bố của ông lập tức bị lên án, và Viện hàn lâm có vẻ phải "sửa sai" bằng "chính sách ưu tiên" cho "vùng sâu vùng xa": 8 năm tiếp đó, họ đã trao ba giải cho Wole Soyinka (người Nigeria), Naguib Mahfouz (Ai Cập) và Derek Walcott (Saint Lucia).

Lại một mùa Nobel - Ảnh 3.Liệu trò chơi điện tử có thể giành giải Nobel văn chương?

Điều gì cấu thành văn chương, và điều đó, trong thời đại của thuật toán và AI này, có thay đổi không, so với năm 1901, khi giải Nobel văn chương đầu tiên được trao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên