Nobel Kinh tế 2024: Đằng sau sự thịnh suy của các nước

NGUYỄN VŨ 28/10/2024 09:59 GMT+7

TTCT - Giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho ba học giả với nghiên cứu xoay quanh chuyện một đất nước hưng thịnh hay suy vong đều do thể chế.

Nobel Kinh tế 2024: Đằng sau sự thịnh suy của các nước - Ảnh 1.

Từ trái sang: Simon Johnson, Daron Acemoglu và James Robinson. Ảnh: Ủy ban Nobel

Nogales là một thành phố nằm vắt qua biên giới Mỹ - Mexico; đứng ở hàng rào biên giới nhìn sang nước Mỹ là Nogales thuộc bang Arizona, dân số chừng 20.000 người, mức sống tương đối cao, tuổi thọ cũng cao, con cái đa phần đều tốt nghiệp trung học. 

Quyền tư hữu được tôn trọng, bầu cử tự do cho phép cư dân thay các chính trị gia họ không hài lòng.

Nhưng nếu nhìn về hướng Mexico, cũng là Nogales thuộc bang Sonora, tuy là vùng khá giả của Mexico nhưng cư dân nghèo hơn đáng kể so với cư dân bên Mỹ, thu nhập bình quân chỉ bằng 1/3. Tội phạm có tổ chức làm mọi hoạt động kinh tế đều rất rủi ro. Các chính trị gia nếu có tham nhũng cũng rất khó bứng đi, cho dù Mexico đang trên con đường dân chủ hóa.

Cùng một thành phố, bên giàu, bên nghèo

Sự khác nhau giữa điều kiện sống của cùng một vùng đất này là do đâu? Cả hai chung một vị trí địa lý nên yếu tố thời tiết là như nhau; các nét văn hóa cũng tương đồng, gốc gác cư dân cũng giống nhau. Sự khác biệt nằm ở thế chế: một bên trao cho người dân cơ hội làm ăn, học hành và thăng tiến; một bên không được may mắn như vậy.

Đây chính là một dẫn chứng Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đưa ra để minh họa cho nghiên cứu của ba nhà khoa học đoạt giải Nobel kinh tế năm nay: Daron Acemoglu, Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, MIT) và James Robinson (Đại học Chicago) về tầm quan trọng của thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia. 

Đây cũng là ví dụ được hai ông Acemoglu và Robinson sử dụng trong cuốn sách khá quen thuộc với độc giả Việt Nam: Vì sao nước thịnh nước suy (Why Nations Fail).

Nói chung, nghiên cứu của ba ông xoay quanh chuyện một đất nước hưng thịnh hay suy vong đều do thể chế. Những nước giàu lên là nhờ có thể chế dung hợp (inclusive institution), còn những nước lụn bại đều do thể chế khai thác (extractive institution), theo cách nói của các tác giả là sự khác nhau giữa tôn trọng luật lệ, tôn trọng con người ở một bên và bên kia là tận thu nguồn lực của dân chúng vì lợi ích của một nhóm tinh hoa. 

Một trong những công trình nghiên cứu cả ba ông đứng tên là bài viết được trích dẫn nhiều nhất trong kinh tế học, xuất bản vào năm 2001 với tựa đề: "Nguồn gốc thực dân của phát triển so sánh: một điều tra thực nghiệm". 

Chính ở công trình này, ba ông đã khai sinh ra khái niệm "dung hợp" (xã hội chia sẻ sự thịnh vượng) và "khai thác" (một nhóm nhỏ lấy hết nguồn lực của toàn dân).

Câu chuyện của Nogales, theo các nhà nghiên cứu đoạt giải, đã diễn ra từ cách đây 500 năm, lúc các nước châu Âu đi khắp thế giới để xâm chiếm thuộc địa khắp nơi. 

Sự khác biệt trong điều kiện sống của người dân Nogales-Mỹ và Nogales-Mexico bắt nguồn từ các thể chế được xây dựng tại thuộc địa sau này là Mexico và thuộc địa sau này trở thành Mỹ. 

Lúc đó vùng đất của người Aztec giàu có và đông dân hơn, nên các nước thực dân châu Âu áp dụng thể chế khai thác để vắt kiệt tài nguyên và dân bản xứ, làm giàu cho kẻ cai trị, kể cả dùng lao động cưỡng bức và nô lệ, buộc người dân thuộc địa làm đến kiệt lực trong các hầm mỏ, đồn điền. 

Ngược lại ở vùng Bắc Mỹ, dân cư thưa thớt, là điều kiện tốt để giới thực dân tính đến chuyện di cư đến sinh sống lâu dài. Và để tạo điều kiện cho dân nhập cư sinh sống, các nước thực dân xây dựng các thể chế mang tính dung hợp hơn, trao nhiều quyền cho người dân hơn, kể cả quyền tài sản và quyền tham gia chính trị.

Nobel Kinh tế 2024: Đằng sau sự thịnh suy của các nước - Ảnh 2.

Ảnh: Ủy ban Nobel

Thể chế và di sản thuộc địa

Nogales chỉ là một ví dụ được dẫn trong sách; khuôn mẫu xây dựng các thể chế khác nhau như thế diễn ra ở nhiều nước thuộc địa, bất kể nước thực dân là Anh, Pháp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. 

Sự khác biệt thể chế dẫn đến đảo ngược mức độ thịnh suy của các nước, nơi nào 500 năm trước tương đối giàu có, trù phú thì nay nghèo hẳn đi; nơi trước đây dân cư thưa thớt nay lại giàu có vượt trội. Các nhà nghiên cứu nhận định ở những nơi trên thế giới không trải qua quá trình thực dân hóa, sự đảo ngược giàu nghèo như thế đã không diễn ra.

Tại cuộc họp báo diễn ra sau khi giải được công bố, Acemoglu phát biểu qua điện thoại: "Nhìn chung, các công trình chúng tôi thực hiện ưu ái cho dân chủ nhưng dân chủ không phải là phương thuốc bách bệnh". 

Theo ông, cũng có những con đường tăng trưởng cho các nước tập trung nhanh chóng khai thác nguồn lực quốc gia để đẩy nhanh tiến bộ kinh tế, nhưng con đường này thường kém bền vững và ít cách tân hơn.

Đó là cách ông biện hộ cho những phê phán cách chia xã hội thành dung hợp hay khai thác là quá đơn giản hóa vì như nhiều người dẫn chứng, kinh tế Hàn Quốc cất cánh dưới một nền độc tài quân sự. 

Nói cách khác, chính sách dung hợp mang tính "tạo ra thịnh vượng cho mọi người" chứ không phải như các chính sách khai thác, "vắt kiệt thịnh vượng ở nơi đâu dễ vắt nhất".

Thể chế được dùng để lý giải vì sao hiện 20% nước giàu nhất có tài sản nhiều gấp 30 lần 20% nước nghèo nhất. Thế nhưng vì sao các nước nghèo không thay đổi thể chế để thoát nghèo và giàu lên? 

Nhiều nước mắc kẹt trong chiếc bẫy thể chế khai thác, phải gánh chịu một nền kinh tế suy yếu là bởi cho dù việc xây dựng thể chế dung hợp sẽ tạo ra những lợi ích dài hạn cho tất cả mọi người, thể chế khai thác lại cung cấp lợi ích ngắn hạn nhưng to lớn cho một thiểu số nắm quyền lực. 

Thiểu số này sẽ không dễ gì chịu thay đổi, trừ phi chịu áp lực lớn từ người dân. Đó chính là con đường dân chủ hóa ở Tây Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Đánh giá đóng góp của ba nhà kinh tế, thành viên Ủy ban Nobel Jakob Svensson nhận định: "Những học giả đoạt giải năm nay đã tiên phong trong cách tiếp cận mới, cả về thực nghiệm lẫn lý thuyết, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bất bình đẳng toàn cầu". 

Ông cho rằng giảm nhẹ sự khác biệt về thu nhập giữa các nước là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, nên dù những người đoạt giải không đưa ra "các công thức đơn giản", công trình của họ vẫn có "tác động xã hội to lớn". ■

Giải Nobel kinh tế năm nay được xem là trao cho nước Mỹ, nhưng cả ba người nhận giải đều không sinh ra ở Mỹ. Acemoglu năm nay 57 tuổi, sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn Johnson (61 tuổi) và Robinson (64 tuổi) đều sinh ở Anh. Đó cũng có thể xem là biểu hiện của thể chế dung hợp kiểu Mỹ, nơi mọi người, bất kể gốc gác, đều có thể thành công và được tính là sự thành công của toàn xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận