TTCT - Nobel Kinh tế 2022 giành cho các tác giả đã nghiên cứu ngành ngân hàng ở mức độ vi mô. Ảnh: FinshotsMấy ngày nay ở Việt Nam, đi ngoài đường dễ bắt gặp cảnh tượng xếp hàng rồng rắn đợi rút tiền trước một ngân hàng quy mô toàn quốc. Rất trùng hợp là ngày 10-10, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel kinh tế 2022 cho Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig vì các công trình nghiên cứu về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong khủng hoảng tài chính.Các nghiên cứu này cũng chỉ ra lý do phải đặc biệt tránh để xảy ra đổ vỡ hệ thống ngân hàng.Vì sao có khủng hoảng ngân hàng?Ngân hàng, với chức năng cơ bản nhận tiền gửi và cho vay, đã tồn tại cả nghìn năm. Tuy nhiên, "tiền" dưới dạng giấy ngân hàng (như séc) chỉ xuất hiện từ thế kỷ thế 17. Sau đó không lâu, khoảng cuối thế kỷ thứ 17, các ngân hàng trung ương của nhà nước ra đời và tiền giấy bắt đầu được in đại trà.Ngân hàng xuất hiện, các cuộc khủng hoảng ngân hàng cũng thường xuyên xảy ra. Lịch sử ghi nhận những vụ sụp đổ ngân hàng ngay từ thế kỷ 19. Thí dụ riêng nước Mỹ năm 1873 có hơn 100 vụ, năm 1893 hơn 500 vụ. Sang thế kỷ thứ 20, trong thời kỳ Đại suy thoái 1929-1933, nước Mỹ lại có hàng ngàn vụ sụp đổ ngân hàng.Các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi từ công chúng và người gửi có thể đến ngân hàng rút tiền bất cứ lúc nào. Các khoản tiền gửi vì thế có tính thanh khoản cao. Ngân hàng thương mại sau đó đem cho vay phần lớn số tiền huy động được. Các khoản cho vay này thường có kỳ hạn nhất định và không dễ chuyển thành tiền mặt, vì thế chúng lại có tính thanh khoản thấp. Vì đặc thù này, các ngân hàng luôn chịu rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run).Có nhiều cách để hạn chế rủi ro này, nhất là nguy cơ sụp đổ hàng loạt, khi tâm lý người dân hoang mang và rút tiền ở nhiều ngân hàng bất kể tốt hay xấu. Một công cụ phổ biến là kỳ nghỉ ngân hàng (bank holiday). Trong giai đoạn này, người gửi không thể đến ngân hàng rút tiền, tương tự cách mà một số thị trường chứng khoán ngừng giao dịch trong một thời gian ngắn để ổn định lại tâm lý giới đầu tư.Một công cụ khác là bảo hiểm tiền gửi, khi một tổ chức nhà nước đứng ra thu phí các ngân hàng và bảo hiểm cho người gửi ở một mức độ nhất định. Thí dụ, FDIC ở Mỹ được thành lập năm 1933 ngay giữa Đại suy thoái và trở thành công cụ hữu hiệu để trấn an người dân, hạn chế các cuộc rút tiền hàng loạt. Mức trần FDIC bảo hiểm cho mỗi tài khoản ngân hàng hiện là 250.000 USD. Việt Nam cũng có quy định về bảo hiểm tiền gửi với mức tối đa 125 triệu đồng, theo Luật bảo hiểm tiền gửi.Ngoài ra, ngân hàng trung ương có thể thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng (lender of last resort, LOLR): khi một ngân hàng thương mại lâm vào tình trạng bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng trung ương có thể cho vay để ứng cứu.Đóng góp của Bernanke, Diamond, và DybvigNghiên cứu kinh tế về ngành ngân hàng đã lâu đời, nhưng khá nghèo nàn và chủ yếu chỉ tiếp cận từ khía cạnh vĩ mô, cho đến các công trình bản lề của ba kinh tế gia vừa giành giải Nobel vào năm 1983. Trước đó, giới nghiên cứu kinh tế tập trung vào việc ngân hàng "tạo ra tiền" như thế nào, làm tăng tổng cung tiền của nền kinh tế ra sao, và vì thế cần kiểm soát chặt hay không, dự trữ bắt buộc phải cao hay thấp để tránh khủng hoảng kinh tế...Hướng nghiên cứu này vẫn rất quan trọng trong điều tiết vĩ mô (thí dụ quản lý tín dụng), nhưng không giúp hiểu khủng hoảng ngân hàng và cách xử lý khi xảy ra khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của Diamond và Dybvig viết chung năm 1983 tiếp cận từ góc nhìn vi mô là rất mới mẻ. Về cơ bản, hai ông chứng minh rằng sự tồn tại của hệ thống ngân hàng (với tư cách thể chế trung gian) giúp tăng hiệu quả của nền kinh tế: người có tiền nhàn rỗi vừa có thể đầu tư sinh lợi (lãi suất theo kỳ hạn), vừa có thể rút tiền bất cứ khi nào, vì thế các khoản tiền gửi đóng vai trò mà hai nhà kinh tế gọi là "chuyển đổi thời điểm đáo hạn" (maturity transformation).Diamond và Dybvig cũng chỉ ra bản chất của hoạt động ngân hàng luôn bao gồm rủi ro rút tiền hàng loạt. Các ông phân tích vai trò của các công cụ như kỳ nghỉ ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi, và chức năng người cho vay cuối cùng trong việc ngăn sụp đổ ngân hàng trong các bối cảnh khác nhau.Cũng trong năm 1983, Bernanke thực hiện nghiên cứu riêng dưới góc độ định lượng về vai trò của các vụ sụp đổ ngân hàng trong cuộc Đại suy thoái. Trước ông đã có người nghiên cứu chủ đề này, nhưng chỉ xoay quanh chủ đề các ngân hàng sụp đổ khiến cung tiền của nền kinh tế sụt giảm quá mạnh và ngân hàng trung ương không tăng cung tiền đủ để bù vào, dẫn tới nền kinh tế cạn tiền mặt, giảm phát, và suy thoái.Bernanke phân tích theo hướng khác. Ông kết luận rằng đúng là tác động của việc giảm cung tiền là quan trọng, nhưng khi ngân hàng sụp đổ còn có ảnh hưởng khác tiêu cực hơn nhiều với nền kinh tế. Ông đưa ra khái niệm "chi phí trung gian tín dụng" (cost of credit intermediation - CCI) và lập luận rằng để cho vay, ngân hàng cần hiểu biết nhất định về bên đi vay. Những thông tin này được tích lũy trong thời gian dài. Khi ngân hàng sụp đổ, những thông tin này sẽ mất đi. Người đi vay khó tiếp cận các khoản vay hơn, các ngân hàng khác thì mất thời gian và chi phí hơn để có được thông tin về những đối tượng đi vay. Vì thế, khi hàng loạt ngân hàng sụp đổ, ảnh hưởng của nó sẽ là nền kinh tế khó gượng dậy hơn và cần thời gian lâu hơn để phục hồi.Nói cách khác, đổ vỡ ngân hàng không chỉ là hậu quả của khủng hoảng kinh tế, mà còn là nguyên nhân dẫn tới và làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế. Phân tích định lượng của Bernanke dựa trên số liệu của thời Đại suy thoái đã chứng minh được luận điểm này.■Diamond, trong một nghiên cứu riêng năm 1984, đi thêm một bước nữa khi phân tích chức năng "giám sát ủy nhiệm" (delegated monitoring) của ngân hàng. Nghiên cứu này tập trung chi phía giám sát với các khoản cho vay để đầu tư (như đầu tư cho sản xuất). Nếu một dự án vay tiền trực tiếp từ người có tiền nhàn rỗi, thì mỗi người cho vay nếu muốn giám sát dự án đó đều sẽ phải chi cùng một mức chi phí. Kết quả là chi phí giám sát quá cao, dẫn tới việc cho vay bất khả thi.Nếu một ngân hàng đứng ra nhận tiền gửi và thực hiện giám sát thay cho số đông những người cho vay nói trên, thì chi phí giám sát sẽ nhỏ đi rất nhiều, và việc cho vay trở nên khả thi. Đó là bản chất của "giám sát ủy nhiệm". Diamond cũng chỉ ra trong mô hình của ông rằng hiệu quả giám sát của ngân hàng chỉ có khi nó đa dạng hóa hết mức có thể đối tượng cho vay với các loại rủi ro khác nhau. Khi đó, mức độ rủi ro tổng hợp trong danh mục cho vay sẽ nhỏ, trong khi hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế sẽ cao nhất. Kết luận này của Diamond quan trọng vì nó giúp định hướng điều tiết chính sách quản lý. Thí dụ yêu cầu các ngân hàng không tập trung các khoản vay vào một số doanh nghiệp, ngành hoặc nhóm ngành cụ thể (chưa kể các doanh nghiệp "sân sau"). Tags: Nobel kinh tếHệ thống ngân hàngViện Hàn lâm Khoa họcKhủng hoảng tài chínhHuy động tiền gửiNgân hàng thương mạiTài khoản ngân hàngNgành ngân hàngNgười dân hoang mangGiới đầu tưHoạt động ngân hàng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.