Nobel Hòa bình 2018: #metoo ở một tầm mức khác

SÁNG ÁNH 17/10/2018 06:10 GMT+7

TTCT - ​Năm nay có 321 nhân vật và tổ chức được đề cử cho giải Nobel hòa bình và tuy danh sách được bảo mật trong 50 năm, ta có thể đoán mò là hẳn có bộ ba Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Hai nhà hoạt động vì nữ quyền được trao giải Nobel Hòa bình 2018: bác sĩ Denis Mukgewe và nhà hoạt động Nadia Murad. Ảnh: DNA India
Hai nhà hoạt động vì nữ quyền được trao giải Nobel Hòa bình 2018: bác sĩ Denis Mukgewe và nhà hoạt động Nadia Murad. Ảnh: DNA India

 

 Nhưng cuối cùng, Ủy ban Nobel hòa bình ở Oslo (Na Uy) đã quyết định trao giải cho bác sĩ Denis Mukwege (CHDC Congo) và cô Nadia Murad (Iraq) vì vai trò của họ trong việc nâng cao nhận thức và giúp đỡ các phụ nữ nạn nhân của xâm hại tình dục.

Đề tài này đang được dư luận thế giới để ý, từ các vụ tai tiếng ở Hollywood (nhà sản xuất phim ảnh Harvey Weinstein, diễn viên Bill Cosby) đến ý thức nâng cao tại Ấn Độ về nạn hiếp dâm hoành hành.

Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ vừa nhậm chức Brett Kavanaugh trước đó đã “trầy vi tróc vảy” trong các phiên điều trần ở quốc hội vì rắc rối liên quan đến bê bối về tình dục trong quá khứ. Bản thân Tổng thống Trump từng bị 22 phụ nữ tố cáo tội quấy rối. Tuy nhiên, ở Congo hay Iraq, đó không phải là một vấn nạn mà là một thảm họa thực sự, với cả nữ giới nói riêng và xã hội nói chung.

Congo là một quốc gia nhiều bất hạnh suốt 150 năm qua. Đất nước này từng là sở hữu riêng của vua Bỉ Leopold II trước khi ông nhượng lại cho Vương quốc Bỉ. Việc khai thác đồn điền tư nhân của ông (diện tích 2,3 triệu km2 - gấp 7 lần diện tích Việt Nam và 78 lần diện tích nước Bỉ) đã khiến khoảng 10 triệu người thiệt mạng, tương đương 1/3 dân số thời đó.

Gần đây hơn, Congo là bãi chiến trường của các nước trong khu vực, khiến giai đoạn 1998-2008 có khoảng 3-5 triệu người thiệt mạng. Ai đến đó mà đếm, riêng cái phần “không biết chắc” là 2 triệu mạng người!

Vào ngày công nương Diana tử nạn xe con tại Paris (31-8-1997), 130.000 người chạy loạn tại Congo tự nhiên biến mất. Biến mất là làm sao, cách nào? Chẳng ai biết, vì tin công chúa đâm xe sau đó đã gạt chuyện “lẻ tẻ” ở Congo ra khỏi dòng thời sự?!

Một vũ khí mới trong chiến tranh ở đó, được sử dụng một cách có hệ thống và linh hoạt bởi 25 lực lượng quân đội khác nhau, còn hữu dụng hơn cả vũ khí hóa học: hãm hiếp phụ nữ. Đấy là quân lệnh.

Bác sĩ Mukwege xuất thân trong ngành nhi khoa, rồi sang Pháp học chuyên môn về giải phẫu phụ khoa và thành lập một bệnh viện tại thành phố tây Congo Bukavu, chuyên hỗ trợ y khoa cho các phụ nữ bị hãm hiếp.

Đến nay, bệnh viện đã chữa chạy cho 85.000 nạn nhân. Vì những hoạt động đó, năm 2012 ông bị một nhóm vũ trang giết hụt ngay tại nhà mình khiến ông phải tạm lánh ra nước ngoài đến năm 2013. Ngày ông trở về, quần chúng ra đón từ sân bay dọc suốt con đường đến thành phố.

Còn Nadia Murad là phụ nữ thuộc tộc Yazidi, miền bắc Iraq. Truyền thông quốc tế khá quan tâm tới người Yazidi vì họ bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) truy bức, đuổi cùng giết tận. Mà IS là kẻ thù của phương Tây. Cho nên, hoàn cảnh của người Yazidi chạy nạn được đưa tin, lên hình khi máy bay Hoa Kỳ thả dù tiếp tế.

Còn nhớ sau khi IS chiếm thành phố đông người Yazidi ở bắc Iraq, Sinjar năm 2014, 5.000 thường dân Yazidi đã bị sát hại, 6.500 phụ nữ tộc người này bị bắt cóc để phục vụ tình dục cho các chiến binh IS. Tại Sinjar, phụ nữ Yazidi là chiến lợi phẩm để tưởng thưởng cho các chiến binh độc thân và có công trạng.

Cô Murad thuộc thành phần “quà tặng” này và sau khi được giải thoát, là người dũng cảm mang tiếng nói của các nạn nhân đến với quốc tế. Một điểm đặc trưng của các nạn nhân bị xâm hại tình dục, cho đến giờ và ngay tại phương Tây, là sự im lặng.

Theo quan niệm này, bị hãm hiếp là bị vấy bẩn; nói ra và tố cáo trước hết là phô bày cái bẩn đó trên người nạn nhân, trước cả tội ác của thủ phạm. Quan niệm này đang thay đổi dần dà, từ các vụ bê bối và quấy rối cá nhân đến các chính sách tập thể ở Congo hay của IS.

Năm 2014, cô Murad đang đi học và sống ở một làng người Yazidi vùng núi thì quân IS ập đến. Mẹ cô và sáu người anh em của cô bị giết, cô bị bắt mang đi giam giữ cùng các thiếu nữ khác. “Còn trinh chứ?”, các tay súng hỏi khi đến nhận phần thưởng trước khi đưa tay sờ soạng để định chất mặt hàng.

Murad đã xin xỏ để được một người đàn ông dễ chịu hơn trong IS, một tay thẩm phán của tổ chức này, nhận cô. Bất chấp, ông này vẫn dạy “vợ” bằng roi và một bận bỏ trốn, cô đã bị lính ở một chốt gác hãm hiếp khi bắt cô lại. Sau khi trốn thoát, Murad tị nạn ở Đức và lên tiếng, thành lập Tổ chức Nadia’s Initiative để kể lại với thế giới thân phận những phụ nữ Yazidi đồng cảnh ngộ.

Ngoài lề một chút, phong trào #metoo, khởi phát ở Mỹ, hẳn đã tác động đến giải Nobel hòa bình 2018. Thêm nữa, năm 2018 này sẽ không có giải Nobel văn chương vì Viện Hàn lâm Thụy Điển đang lâm vào một vụ... bê bối xâm hại tình dục.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận