23/02/2019 07:11 GMT+7

Nở rộ hình thức 'bán du học'

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - 'Bán du học' là cách nói nôm na để chỉ chương trình liên kết quốc tế giữa các trường trong nước và nước ngoài. Chương trình thường có 2-3 năm theo học ở Việt Nam, sau đó chuyển tiếp sang nước ngoài.

Nở rộ hình thức bán du học - Ảnh 1.

Bảng giới thiệu chương trình cử nhân quốc tế của ĐH Keuka (Mỹ) trước cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: T.N.

Nhưng để lựa chọn suôn sẻ, chất lượng, các trường và người học đều phải chuẩn bị nhiều thứ.

"Bữa ăn" nhiều món

Trong khi nhiều bạn đồng trang lứa đang bắt đầu những môn học đại cương trong chương trình năm nhất, Nguyễn Thanh Trang phải dùi mài một ngôn ngữ mới là tiếng Pháp dù theo học khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). 

Trang là sinh viên trong chương trình liên kết với ĐH Claude Bernard Lyon 1 (Pháp), bắt đầu từ học kỳ kế tiếp gần như mọi môn học của Trang sẽ được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Xa hơn, Trang sẽ phải nỗ lực để nắm lấy cơ hội đến ĐH Claude Bernard Lyon 1 học chuyển tiếp vào giữa năm 3 hoặc tiếp tục lên cao học vào đầu năm 4 nếu đạt chuẩn ngoại ngữ trình độ B2.

"Mình chọn học chương trình liên kết này sau khi kết hợp nhiều tiêu chí của mình và gia đình: mình thích học CNTT, ba mẹ thì muốn cho con đi du học nhưng mình chưa sẵn sàng và tiếng Anh không khá" - Trang chia sẻ.

Những năm gần đây, việc liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài nước theo các chương trình 2+2 (2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài) hay chương trình 3+1 (với số năm tương ứng) rất phổ biến ở các trường ĐH lớn. 

Chẳng hạn, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (TP.HCM) có liên kết với một số trường như ĐH Portland State và ĐH Angelo State (Mỹ), ĐH News Brunswick (Canada); Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có liên kết với ĐH Illinois Urbana Champaign, ĐH Illinois Springfield (Mỹ) và ĐH Adelaide, ĐH Queensland, ĐH Công nghệ Sydney (Úc)... 

Đó là chưa kể các trường còn có những chương trình liên kết đào tạo cao học có yếu tố nước ngoài bằng việc liên kết với các trường ĐH, các viện nghiên cứu uy tín ở các nước tiên tiến như Nhật, Hàn, Úc hay Liên minh châu Âu.

Theo ThS Lý Thiên Trang - giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, những chương trình liên kết có ưu điểm là vừa tiết kiệm chi phí du học, vừa giúp sinh viên có thể tiếp cận được những nền giáo dục tiên tiến với cơ hội sở hữu 2 tấm bằng cùng khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động.

ThS Lý Thiên Trang chia sẻ: "Những chương trình liên kết cung cấp cho người học ngoài kiến thức còn là kỹ năng và ngoại ngữ nên hầu như 100% sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM theo học những chương trình này đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, nhiều bạn có thể đáp ứng ngay thị trường lao động những nước phát triển như Úc, Mỹ, hay các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...".

Ông Hoàng Xuân Doanh - trưởng bộ phận marketing của một công ty du học trên địa bàn TP.HCM - cho biết liên kết giữa các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước còn là lựa chọn phù hợp với những bạn sinh viên mà gia đình sẵn sàng về tài chính hoặc cần chuẩn bị cho việc thay đổi môi trường sống và học tập.

Lưu ý độ chênh giữa 2 nền giáo dục

Nguyễn Mai Thanh Phượng - sinh viên chương trình cử nhân truyền thông (chuyên ngành báo chí) liên kết 2+2 giữa Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Deakin (Úc) - hiện đã bắt đầu vào học phần chuyên ngành ở Úc được hơn một năm. Nhận xét về chất lượng, Phượng cho biết ở Deakin có nhiều môn ứng dụng thực tế rất hay. 

"Mặc dù điểm không cao nhưng mình luôn cảm thấy học rất nhiều từ những môn này" - Phượng nói.

Sau thời gian trải nghiệm chương trình liên kết, Phượng cho biết điểm lợi của chương trình nằm ở chỗ sinh viên sẽ hiểu được cả hai môi trường giáo dục ở hai nước. Đồng thời, thời gian ở Việt Nam là cơ hội tốt để sinh viên có thể chuẩn bị thêm tiếng Anh, kiến thức, tài chính và tìm kiếm những mối quan hệ... 

"Tuy nhiên, không phải không có những hạn chế, bỡ ngỡ. Chẳng hạn khi mình sang Úc, bạn bè ĐH bên này đã đi được 2 năm nên mình phải mất thời gian khá dài để bắt kịp. Bên cạnh đó, chưa kể thời gian sẽ kéo dài hơn do chưa kịp thích nghi hoặc trường hợp chuyển ngành" - Phượng chia sẻ.

ThS Lý Thiên Trang cho biết để sinh viên không gặp độ chênh khi chuyển đổi giữa hai trường ĐH trong và ngoài nước, các trường tham gia chương trình liên kết cần tạo điều kiện cho giảng viên tham gia chương trình này tiếp cận phương pháp giảng dạy và đánh giá mới từ sớm. 

Đồng thời, những phương pháp giảng dạy hiện đại chẳng hạn như học qua dự án (Project Based Learning) hay học từ làm việc thực tế (Work Based Learring) sẽ giúp ích rất nhiều trong việc "chuẩn hóa" sinh viên tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Lựa chọn nơi uy tín

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện đang có các chương trình liên kết với các đối tác như ĐH Sunderland (Anh), ĐH Tongmyong (Hàn Quốc)... Theo ThS Trang, trường phải tham khảo rất nhiều kênh thông tin và tiến hành hàng loạt cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi, thăm dò, đánh giá năng lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để chọn ra các đối tác liên kết tốt nhất.

"Quy trình tiến đến liên kết với các trường thuộc Úc, Mỹ tương đối dễ chịu hơn với nước Anh. Những trường ở Anh tổ chức hẳn một đoàn đánh giá, gồm cả những đơn vị đánh giá độc lập và cơ quan kiểm định của Anh. Khi họ thấy đạt chuẩn về năng lực giữa các bên mới tiến hành làm hợp đồng hợp tác" - ThS Trang giải thích.

Tương tự, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết khi muốn liên kết đào tạo quốc tế, các thành viên thuộc ĐH Quốc gia phải xây dựng một đề án kỹ lưỡng và chi tiết về từng nội dung cụ thể mới được cấp phép.

"Các đề án phải nêu rất rõ về chương trình đào tạo. Chẳng hạn, những môn học nào được công nhận, học xong sẽ nhận văn bằng gì, do nước nào cấp, học phí cho học kỳ ở Việt Nam và nước ngoài ra sao... đều phải được ghi chi tiết trong các đề án" - TS Hạ nói.

Tận dụng cơ hội khi học ở Việt Nam

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - phó giám đốc một trung tâm tư vấn du học tại Đà Nẵng, trước khi muốn đi theo chương trình liên kết, không nên đăng ký chỉ vì danh tiếng của quốc gia, chẳng hạn những nước lớn như Mỹ hay Úc, mà cần xem xét thật kỹ chương trình đào tạo của ĐH bên đó xem mình có thích hợp hay không, có đáp ứng được hay không.

Ngoài ra, đặc thù của chương trình liên kết là sinh viên sẽ có 2-3 năm học ở Việt Nam, do đó cần sử dụng khoảng thời gian này sao cho hợp lý nhất để tích lũy được số lượng lớn nhất kiến thức và kỹ năng để hòa nhập tốt khi sang một môi trường giáo dục khác.

"Cần tránh tâm lý chủ quan rằng ở Việt Nam học trung bình cũng được, ra nước ngoài mới bắt đầu học nghiêm túc. Nhiều bạn trẻ Việt Nam sang nước ngoài phải mất một thời gian rất lâu mới bỏ được những thói quen không tốt như đi trễ, quên giờ hay làm ồn nơi công cộng" - ông Hoàng Anh nói.

Điều kiện ngoại ngữ nghiêm ngặt

Theo TS Phạm Tấn Hạ, các trường có đào tạo chương trình liên kết cần thông báo cho sinh viên biết những tiêu chuẩn để chuyển tiếp du học, trong đó đặc biệt là chuẩn ngoại ngữ, và không nên chỉ giới thiệu về trường liên kết. Sự rõ ràng trong thông tin chương trình cũng là cơ sở để lựa chọn các nơi liên kết uy tín. Với Trường ĐH KHXH&NV, nếu sinh viên không đạt chuẩn ngoại ngữ phải chuyển sang ngành học khác, chứ không phải tất cả sinh viên theo học chương trình liên kết đều được chuyển tiếp.

​Nhiều cơ hội lấy bằng thạc sĩ liên kết quốc tế

TTO - Sáng 27-5, Trường ĐH Tài chính - marketing tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng thạc sĩ đợt 1 năm 2017.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên