Đây là giải pháp tiết kiệm nhân công, thời gian và tiền bạc cho người nông dân.
Tuy nhiên việc sử dụng drone ra sao cho an toàn trong sản xuất đang trở thành câu hỏi lớn sau tai nạn chết người mới đây ở huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang).
Drone giúp giảm chi phí
Ông Quỳnh Văn Hai (ngụ xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết so với trước đây, trồng lúa bây giờ đỡ cực hơn rất nhiều. Từ khâu làm đất, gieo sạ cho tới thu hoạch, phần lớn đều sử dụng máy móc thay sức người, giảm thời gian và chi phí đáng kể.
Drone nông nghiệp: Tiện lợi nhưng cần cẩn trọng với 'cánh quạt quay vù vù' - Video: THANH HUYỀN - BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM
Ông Hai khoái nhất là sáng kiến ứng dụng drone vào việc phun thuốc trừ sâu. Một vụ lúa, nếu sử dụng giống tốt, thời tiết thuận lợi, ít gì cũng phải phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng 3 - 4 lần. Những vụ thời tiết bất lợi, nhiều sâu bệnh tấn công, số lần phun thuốc còn nhiều hơn.
"Ai cũng biết trực tiếp phun thuốc không tốt cho sức khỏe con người, nhưng không phun, sâu rầy sẽ phá hoại, ảnh hưởng tới năng suất.
Do vậy, việc ứng dụng drone để phun thuốc cho lúa được xem là một cuộc cách mạng, giúp nông dân tránh những rủi ro về bệnh tật khi về già", ông Hai chia sẻ.
Theo ông Hai, giá thuê dịch vụ phun thuốc bằng drone tương đối mềm, chấp nhận được. "Tiện cái kêu lúc nào cũng có. Mình chỉ cần chuẩn bị thuốc, họ sẽ pha và phun cho mình.
Mỗi lần nhìn drone bay lượn trên bầu trời phun thuốc trên cánh đồng lúa, cảm giác thật sướng. Không chỉ nhanh, phun thuốc bằng thiết bị này cũng đều hơn và hiệu quả, nhờ vậy năng suất lúa đạt cao hơn", ông Hai nói.
Anh Thắng, chủ thiết bị drone ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, cho hay anh đầu tư gần 500 triệu đồng để sắm drone làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật gần bốn năm nay.
Lúc đầu, do nông dân chưa quen và chưa thấy được hiệu quả của việc phun thuốc bằng drone nên chưa thuê nhiều. Nhưng hai năm trở lại đây, lịch đi phun thuốc không trống ngày nào, anh Thắng phải thuê thêm hai lao động nhưng vẫn làm không xuể. Hết phun thuốc cánh đồng nhà, anh Thắng tới những địa phương lân cận.
"Việc điều khiển drone phun thuốc bảo vệ thực vật rất đơn giản. Hiện cũng chưa có quy định gì. Việc xảy ra sự cố như ở Kiên Giang là hy hữu, chẳng ai muốn", anh Thắng cho biết.
Thay nhau mua drone, cho thuê phun thuốc
Anh Trương Triệu Phú, đội bay "Phi Công Trẻ" tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết anh có 6 máy bay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh là người đầu tiên của An Giang sử dụng drone nông nghiệp làm dịch vụ phun, xịt và gieo sạ phân, thuốc.
Cuối năm 2019, anh mua 2 máy T20 và T16, với giá từ 500 - 600 triệu đồng/máy. Về nhà làm ăn thấy có lời nên anh thành lập nhóm "Phi Công Trẻ" đầu tư thêm trên 10 máy để đi làm dịch vụ cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên do số máy ngày càng tăng vọt ồ ạt nên giá thành bay sản xuất lúa từ từ giảm đã kéo theo thu nhập giảm luôn. Các anh em "phi công" cũng từ từ giải tán và chia ra nhiều nhóm nhỏ.
"Thời điểm đó, tôi bay với giá 180.000 đồng/ha, còn bây giờ quá nhiều máy nên giá giảm xuống, chỉ còn 120.000 đồng/ha. Giá máy bây giờ cũng chỉ còn khoảng 300 triệu đồng/cái nên nhiều người mua", anh Phú nói.
Theo anh Phú, mỗi drone có hai người đi bay phục vụ sản xuất lúa. Mỗi drone bay khoảng 500ha lúa/ngày sẽ có thu nhập khoảng 90 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ hết chi phí, lương nhân công thì chủ máy sẽ có lợi nhuận 60 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, lượng máy được người dân sử dụng nhiều nên cũng có nhiều tổ bay, nhóm bay dịch vụ và do đó giá cả cũng giảm, thu nhập giảm.
Thay vì trước đây, người bay có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng thì hiện nay còn khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Việc sử dụng drone vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc, phân, giống và nước. Chủ yếu là tiết kiệm chi phí con người, chi phí sản xuất lúa, giảm 20% lượng thuốc, phân bón...
Học cách điều khiển drone an toàn
Ngoài việc đi bay dịch vụ, đội bay "Phi Công Trẻ" của anh Phú còn kết nối với các công ty bán máy cho người dân khu vực trong tỉnh An Giang vài năm nay. Sau khi bán máy, anh tổ chức tập huấn, huấn luyện cho các "phi công" thành thục.
"Mỗi máy bay phun, xịt hay gieo sạ khoảng 10 - 15 phút/ha lúa. Hiện nay có một số người bay ẩu, hay bay về nhanh nên không quan sát rất dễ gây tai nạn.
Dù chúng tôi huấn luyện bay rất kỹ là phải có bãi đáp tạm trên ruộng lúa, không được đáp trên đường, tránh đường dây điện cao thế... nhưng nhiều anh em vẫn bất chấp nên rất nguy hiểm", anh Phú nói.
Anh Phú nhận định thời gian gần đây, drone nông nghiệp đang phát triển mạnh tại các tỉnh thành ĐBSCL nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Người nông dân muốn thuê máy thì phải chuẩn bị sẵn bãi đáp cho máy, tránh trường hợp máy vướng trên dây điện hay gây tai nạn cho người như thời gian qua.
Anh Nguyễn Văn Út (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết bản thân khi bay luôn chú ý đến người xung quanh, có người cảnh giới để mọi người không đến gần chỗ cất và hạ cánh. Thường anh Út chọn xuất phát drone ở những nơi ít người qua lại để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Phú Luân (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho hay xịt thuốc bằng drone quá tiện lợi nhưng thấy cũng có nguy hiểm do cánh quạt quay vù vù khi cất cánh.
"Mỗi khi mướn xịt tôi dặn con cháu ở trong nhà, không cho ra gần chỗ máy để xem. Đó cũng là cách để đảm bảo an toàn cho mình và cho người bay", ông Luân chia sẻ kinh nghiệm.
Sử dụng sao cho an toàn?
Cơ quan chức năng xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hiện vẫn đang điều tra xử lý người điều khiển thiết bị bay không người lái xịt thuốc va chạm với ông B.V.T. (sinh năm 1975, ở xã Mỹ Hiệp Sơn) đang đi trên đường, làm ông T. tử vong.
Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh Kiên Giang có trên 690 drone nông nghiệp. Nhiều nhất là huyện Hòn Đất có 231 máy, huyện Giang Thành có 141 máy, huyện Giồng Riềng có 115 máy...
Một lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho hay drone nhập khẩu vào Việt Nam có đăng ký giấy phép và đăng ký bay với Bộ Quốc phòng cho mỗi máy. Thời gian cấp phép mỗi máy là 6 tháng. Khi nào hết hạn thì doanh nghiệp nhập khẩu máy có nhiệm vụ đăng ký với Bộ Quốc phòng để kiểm soát. Người mua máy được chủ cơ sở bán tập huấn và cấp giấy chứng nhận "phi công" rõ ràng.
"Lúc trước, đơn vị có tổ chức tập huấn sử dụng phun thuốc trên drone cho các chủ drone ra sao để tiết kiệm nước, phân bón. Còn máy an toàn ra sao thì do các doanh nghiệp bán máy phụ trách tập huấn cho họ trước khi bán.
Số lượng drone tại Kiên Giang nhiều là do diện tích lúa và sản lượng lúa của Kiên Giang nhiều nhất nước nên được nhiều người sử dụng. Nhờ số drone nhiều để thay thế người lao động đang thiếu như hiện nay nên áp dụng vào sản xuất lúa cũng thuận tiện hơn", lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh nói.
Sau tai nạn xảy ra ở tỉnh Kiên Giang, một số tỉnh ở miền Tây đã có văn bản yêu cầu nắm lại người sở hữu máy, hướng dẫn người sử dụng đảm bảo an toàn bay trong sản xuất nông nghiệp. Hôm 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Đáng chú ý, luật mới quy định rõ việc quản lý drone, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không.
Các quy định về việc đăng ký, cấp phép, sử dụng bay drone và thiết bị bay khác đã được quy định chi tiết trong Luật Phòng không nhân dân. Trong đó nêu rõ drone phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận