16/03/2016 10:45 GMT+7

Nở rộ camera an ninh: Có lợi nhưng không phải là tất cả

HỮU KHÁ - ÁI NHÂN - S.BÌNH
HỮU KHÁ - ÁI NHÂN - S.BÌNH

TT - Có lợi nhưng cũng chưa ổn là ý kiến của một số người trước việc nhiều nơi gắn camera an ninh. Dưới đây là một số ý kiến.

Hệ thống camera của Công an phường Xuân Hà (Đà Nẵng) cho phép người dân nếu có nhu cầu có thể tự xem camera giám sát khu vực gia đình mình ở bằng điện thoại - Ảnh: Đoàn Cường

* Ông Nguyễn Văn Hải (chủ tịch UBND P.Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng):

Tội phạm chùn tay

Tại chín điểm lắp đặt thì tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt, đánh nhau... như trước. Ngoài ra, các hành vi vi phạm giao thông, đổ rác, xà bần không đúng nơi quy định cũng có phần giảm bớt.

Theo ông Hải, đối với các đối tượng hình sự, việc lắp đặt camera giám sát cũng làm các phần tử này bị tác động tâm lý, không dám manh động vì lo sợ hành vi phạm tội của họ có thể đang bị ghi lại.

* Ông Trương Thành Ban (người dân P.Xuân Hà, Thanh Khê): 

Hết vứt rác bừa bãi

Chúng tôi thấy có hiệu quả rõ rệt từ ngày có hệ thống camera giám sát, bà con khu phố cảm thấy nhịp sống, môi trường nơi ở bình yên hơn. Không chỉ ghi lại hình ảnh để chống các loại tội phạm mà còn giám sát được mọi hành vi ứng xử của người dân đối với cộng đồng.

Bây giờ một người dân không thể đem rác ra đường đổ bậy được, không thể đứng tiểu tiện trên đường... vì họ ngại rằng các hành vi của họ có thể bị giám sát.

Chính điều này sẽ tác động vào ý thức của mỗi người giúp họ ngày càng nâng cao nhận thức trách nhiệm của mình khi thực hiện một hành vi, một việc làm đối với xã hội.

* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): 

Hình ảnh sẽ trợ giúp cho điều tra

Hình ảnh của đối tượng tình nghi được ghi lại từ camera là cơ sở để cơ quan công an truy tìm ra thủ phạm. Theo quy định, hình ảnh của đối tượng tình nghi không phải là chứng cứ có thể sử dụng để buộc tội. Đó là chứng cứ gián tiếp cần phải chuyển hóa.

Từ hình ảnh đó, cơ quan công an có thể đấu tranh với đối tượng để đối tượng phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đương nhiên, hình ảnh, lời khai của đối tượng tình nghi phải phù hợp với các chứng cứ khác có ý nghĩa buộc tội được cơ quan công an thu thập.

Do đó, hình ảnh ghi lại từ camera cũng có ý nghĩa trợ giúp quá trình điều tra được thuận lợi hơn trong việc nhận diện, khoanh vùng đối tượng, buộc đối tượng thừa nhận hành vi.

* Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm Đại học Quốc gia TP.HCM): 

Tốn kém nhưng hiệu quả không cao

Việc nở rộ phong trào lắp camera phòng chống tội phạm hiện nay có hai mặt tốt xấu. Phải hiểu rằng camera không trực tiếp giải quyết trộm cướp mà chỉ là công cụ, phương tiện hướng đến mục đích đó.

Khi khắp nơi đua nhau lắp camera, tôi nghĩ trước mắt sẽ tốn kém nhưng tính hiệu quả không cao. Trên thực tế nhiều nhà lắp camera ghi lại hình ảnh những đối tượng đột nhập ra tay trộm cướp.

Sau đó họ mở camera lên chẳng khác nào như xem phim vậy thôi chẳng bắt bớ gì được bởi chất lượng hình ảnh, hoặc đối tượng tội phạm che giấu những dấu tích hình thức bên ngoài. Khi công an vào cuộc cũng chỉ thấy nghi phạm, không hỗ trợ truy bắt được.

Mặt khác, tội phạm hoạt động cũng biết người dân, cơ quan công an lắp camera và đương nhiên khi thực hiện hành vi phạm tội thì bọn chúng phải tìm cách đối phó như che mặt, giấu biển số xe...

Cho nên “nhà nhà cùng lắp camera” tôi nghĩ nên cân nhắc, nếu không chỉ là phong trào, trước mắt chỉ có lợi cho người bán camera.

HỮU KHÁ - ÁI NHÂN - S.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên