Nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tăng đột biến, trong đó có khoản vay khoảng 4,8 tỉ USD của tỉ phú Thái Lan mua cổ phần của Sabeco - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong đó, nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, của quốc gia (gồm nợ vay, bảo lãnh của Chính phủ và các thành phần kinh tế vay theo hình thức tự vay tự trả) tương đương 49,7% GDP trong khi trần nợ vay là 50% GDP.
Lo ngại tỉ lệ nợ nước ngoài tăng dần
Ước tính nợ nước ngoài của Chính phủ đến nay hơn 2,5 triệu tỉ đồng. Riêng về nợ nước ngoài của quốc gia, ông Hoàng Quang Hàm, ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho rằng không quá nghiêm trọng. Lý do là trong nợ nước ngoài của quốc gia có phần nợ của doanh nghiệp (DN) tự vay tự trả, ngân sách nhà nước không có nghĩa vụ trả nợ thay.
Dù tỉ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP chưa vượt ngưỡng cho phép nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách lo ngại tỉ lệ nợ lại có xu hướng tăng dần trong các năm gần đây và sát mức trần.
Giải thích về nguyên nhân chủ yếu khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng lên, Chính phủ báo cáo Quốc hội là do quy mô vay nợ nước ngoài của DN theo hình thức tự vay tự trả tăng nhanh.
Trong năm 2017, tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm 2016.
Đáng lưu ý, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng tới 6,3% so với năm 2016, với mức 36%, trong khi trần cho phép là 25%.
"Chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Thực tế, việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống", Chính phủ báo cáo.
Một phần vốn để xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là vay nước ngoài - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhận định về tỉ lệ vay ngắn hạn trong nợ tự vay tự trả của DN ở mức cao và tăng nhanh, một chuyên gia ngân hàng nhận định áp lực trả nợ rất lớn và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia, trong đó có phần đi vay của các DN VN trong các năm tiếp theo khi sắp chạm trần.
Áp lực trả nợ rất lớn
DN phần nào sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Song điều đáng nói là câu chuyện này diễn ra từ hoạt động vay nợ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, như khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Công ty Vietnam Beverage vay nước ngoài để mua cổ phần của Tổng công ty Rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trị giá gần 5 tỉ USD.
"Nếu nợ nước ngoài của quốc gia vượt trần 50%, đánh giá tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, việc đi vay của VN sẽ khó khăn hơn lãi suất và phí sẽ cao hơn. Thêm nữa, nếu DN không trả được nợ, uy tín của quốc gia cũng có thể bị giảm. Để kiểm soát chặt hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia, không để vượt ngưỡng cho phép, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hạn mức vay của DN. Ngoài việc giám sát chặt tự vay tự trả của DN, Chính phủ cần phải hạn chế bảo lãnh vay, vay về cho vay lại" - ông Hoàng Quang Hàm kiến nghị.
Cũng để đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, quản lý chặt vay nợ nước ngoài của DN, Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hạn mức vay thương mại nước ngoài của các DN, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả trong năm 2018 với hạn mức tối đa 5 tỉ USD.
Riêng dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của DN, tổ chức tín dụng không vượt quá số dư nợ vào thời điểm cuối năm 2017.
Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tăng trưởng cao, vay nợ nhiều
Tại VN, Credit Suisse AG chi nhánh Singapore là một tổ chức bảo lãnh khá quen thuộc khi đứng ra "môi giới" cho nhiều ngân hàng và DN tại VN với những thương vụ tiêu biểu như: cho một DN bất động sản vay 100 triệu USD thời hạn vay là 42 tháng, hay cấp gói tín dụng lên tới 200 triệu USD cho một doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng với thời hạn khoản vay kéo dài từ 2,5 năm đến 3 năm...
Đáng lưu ý, DN này còn đang duy trì một khoản vay nước ngoài 50 triệu USD từ GW Supernova PTE Ltd. Danh sách các đối tác của Credit Suisse trong lĩnh vực ngân hàng có Vietcombank, VPBank, FE Credit...
Theo TS Bùi Trinh, các DN tư nhân vay nợ nước ngoài trên nguyên tắc tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm là phù hợp và mở ra xu hướng tiếp cận, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bài học khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997 xuất phát từ Thái Lan hay ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay cũng xuất phát từ nợ nước ngoài gây ra, cho thấy VN không thể lơ là với các khoản nợ này.
"Vay nợ nhiều đến từ áp lực tăng trưởng. Về lâu dài chúng ta không nên tạo nhiều áp lực tăng GDP bởi tăng trưởng càng cao thì càng dễ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dễ lún vào nợ nần. Ngoài ra, cũng cần phải quan sát và tuýt còi kịp thời những trường hợp đi vay quá hạn ngạch quy định" - ông Trinh nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo trong trường hợp không trả được nợ vay, tổ chức cho vay sẽ có những biện pháp thu hồi như xử lý tài sản đảm bảo, điều này có thể gây tác hại cho nền kinh tế. "Trường hợp các DN tìm ngân hàng bảo lãnh mà không trả được nợ thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ bảo lãnh" - ông Hiếu nói.
N.BÌNH - TRẤN KIÊN
Ông Trương Văn Phước (quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):
Nợ nước ngoài vẫn được trả nợ đúng hạn
Lo lắng khi tỉ lệ nợ nước ngoài của quốc gia tăng liên tiếp mấy năm gần đây là đúng. Tuy nhiên, VN là một trong những quốc gia có trần nợ công thấp nhất so với các quốc gia trên thế giới. Vấn đề là hiệu quả sử dụng đồng vốn vay chứ không nên nói vay ít hay vay nhiều. Như mức trần nợ công 65% cách đây hơn chục năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến nghị chúng ta rằng nền kinh tế đang chuyển động theo hướng tăng trưởng cao và bền vững luôn phải đánh giá các điều kiện đặc thù của kinh tế
vĩ mô.
Nợ nước ngoài của quốc gia mấy năm gần đây có tăng lên, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ không tăng, thậm chí là giảm, còn nợ của khu vực tư nhân tăng lên. Vậy vì sao nợ của tư nhân là DN đi vay nước ngoài tăng lên? Rất đơn giản vì VN là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Có thể trong quá khứ, có DN nhà nước đi vay nhưng không trả được nợ như Vinashin... Tuy nhiên nhìn tổng thể, nợ nước ngoài của VN vẫn được chúng ta trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Và không phải tự nhiên mà tổ chức nước ngoài cho DN VN vay. Họ nhìn vào quản trị của Nhà nước, thể chế chính trị của VN.
Nói tóm lại niềm tin của thế giới đối với VN nói chung và khu vực tư nhân nói riêng tăng lên rất nhiều. Uy tín đó không ai xếp hạng cho chúng ta mà do chính chúng ta xây dựng nên đó là do kinh tế vĩ mô ổn định, chính trị ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận