Việc thu tiền thu gom rác tính theo khối lượng sẽ khó thực hiện tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thoạt nghe lại dấy lên niềm hy vọng về việc sẽ tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu tái chế, giảm "áp lực" cho các bãi rác như ở các nước phát triển. Nhưng không dễ làm được trong thực tế bởi chẳng mấy ai phân loại rác tại nguồn. Để làm được điều này, cần có quy định về túi đựng rác và chấp hành từ phía người dùng.
Bởi chưa có túi đựng rác
Túi đựng rác nhà ai cũng có nhưng không ai giống ai. Hàng ngàn nơi sản xuất túi chuyên để đựng rác nhưng không theo quy chuẩn hữu dụng cho việc phân loại rác tại nhà, tại công sở. Số ít nhà dân đã phân rác ra làm hai loại: rác dễ phân hủy và rác có thể tái chế. Nhưng khi rác ra khỏi nhà lại trộn lẫn vào nhau trên xe thu gom rác.
Dù ở nhà riêng hay công sở, hầu hết mọi người vẫn tống mọi thứ vào túi rác lớn, mang ra khỏi nhà, thế là xong. Giấy trắng, chai nhựa... sạch trơn vẫn bỏ cùng với thức ăn thừa, tã bẩn... Nhiều người lại đổ thừa: mình có phân loại rồi người thu gom vẫn bỏ chung với rác chưa phân loại của nhà hàng xóm, làm chi cho mệt!
Thực tình tôi cũng không biết đựng rác vào đâu để người thu gom dễ nhận biết và đỡ mất công phân loại rác nào có thể tái chế, loại rác nào là thực phẩm và loại rác nào thông thường có thể chôn lấp/đốt. Chai lọ thủy tinh, pin cũng không biết để vào đâu cho ổn, chúng bị vỡ thì càng khó khăn hơn. Nhiều nhà tận dụng túi nilông đủ màu, đủ cỡ để đựng rác. Công nhân vệ sinh phải xé túi rác mới biết được bên trong có gì.
Vậy tại sao chưa có quy định túi đựng rác có màu sắc khác nhau, mỗi màu cho một loại rác? Theo đó, các cơ sở sản xuất túi đựng rác theo đúng quy chuẩn để dễ phân loại. Chuyện dễ này nếu chưa làm được, việc phân loại rác sẽ còn khó lâu dài.
Việc đựng rác trong một loại túi được thiết kế chuyên biệt với từng loại rác sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giảm thiểu thải rác của người dân, định lượng được khối lượng rác đựng trong túi rác có dung tích tương ứng và thiết lập được kỷ luật trong việc phân loại và đổ rác.
Chỉ có bắt buộc đựng rác trong các túi quy định như các nước đã làm thì mới mong quản lý được theo như luật môi trường mới.
Bao giờ được như nước bạn?
Tôi còn nhớ như in chuyện một người bạn làm trong ngành xuất bản sống ở Seoul (Hàn Quốc) gói ghém rác thải thực phẩm động vật ăn được rồi cho vào... ngăn đông cất. Ban đầu tôi không hiểu vì sao bạn lại tỉ mẩn, cẩn thận với từng mẩu thức ăn thừa, phải vẩy sạch nước trước khi cho vào cái túi sinh học nho nhỏ mua ở siêu thị.
Rác thải thực phẩm được chế biến thành thức ăn nuôi gia súc và phân bón nên có những yêu cầu về phân loại kỹ càng. Có nhiều nơi còn lắp đặt máy thu gom rác thải thực phẩm để người dân tiện bỏ rác, trả phí.
Nước này có quy định phân loại các loại rác thông thường, tái chế và rác điện tử rõ ràng. Rác phải bỏ vào đúng thùng rác được quy định phân loại ở khu vực thu gom rác chung của một khu dân cư, rác nhà riêng thì phải cho vào túi rác được quy định.
Túi rác thay đổi màu sắc theo quy định kèm những chi tiết hướng dẫn về quy cách phân loại, giờ thu gom loại rác được đựng trong túi rác ấy cũng như khuyến cáo mức phạt nếu làm sai quy định.
Giá, kích thước túi rác và mức phạt được quy định thành chuẩn chung cho cả nước, chỉ khác về màu sắc và thông tin của địa phương được in trên túi. Rác thải có kích thước lớn không có túi khi vứt đi sẽ phải trả phí riêng theo quy định.
Tiền rác được tính vào tiền túi rác người dân phải mua. Điều này có nghĩa bạn dùng nhiều phải trả tiền nhiều. Không bỏ rác đúng vào túi rác quy định thì người ta sẽ không thu gom rác và có thể bị phạt ở mức phí cao ngất ngưởng 1 triệu won (19 triệu đồng). Để tiết kiệm khoản tiền này, người dân sống ở chung cư phải ra sức và tuân thủ quy định phân loại rác và bỏ vào các thùng rác.
Tại Đài Loan, người dân phải phân rác thải thành 3 loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế và rác thải nhà bếp. Thành phố Đài Bắc còn phân loại thêm rác dùng cho phân bón và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho heo). Hiện Đài Loan có tới 14 loại rác tái chế được hướng dẫn cụ thể cho người dân trước khi phân loại đổ rác.
Có lẽ Nhật Bản được liệt vào hàng anh cả trong quy trình phân loại và tái chế rác thải với yêu cầu phân loại rác còn chi tiết và nhiều hơn cả Đài Loan và Hàn Quốc, việc phân loại rác bắt buộc với mọi công dân và được luyện tập từ khi mới học mẫu giáo.
Mong sớm thấy trên thị trường những túi đựng rác hỗ trợ cho việc phân loại rác, rác nào túi nấy, nhìn màu túi rác biết ngay bên trong là loại rác gì, tiết kiệm lớn cho khâu thu gom, xử lý và tái chế rác.
Vì sao chưa có quy định túi đựng rác có màu sắc khác nhau, mỗi màu cho một loại rác? Chuyện dễ này nếu chưa làm nhanh được thì việc phân loại rác sẽ còn khó lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận