Nợ nần dây chuyền trong ngành xây dựng

NGỌC HIỂN 13/03/2024 05:00 GMT+7

TTCT - Chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, thầu chính nợ thầu phụ, nợ thầu ngách… Các công ty xây dựng lớn nhỏ đối diện với cảnh thiếu việc, cắt giảm lao động, nợ nần dây chuyền.

Nhiều nhà thầu xây dựng trải qua một năm khó khăn do bị ảnh hưởng từ thị trường bất bộng sản. Ảnh: QUANG THẾ

Nhiều nhà thầu xây dựng trải qua một năm khó khăn do bị ảnh hưởng từ thị trường bất bộng sản. Ảnh: QUANG THẾ

Hàng loạt công ty xây dựng, nhà thầu chính, nhà thầu phụ, các đơn vị thi công cảnh quan, thiết bị phụ trợ cho dự án bất động sản… trải qua năm 2023 cực kỳ khó khăn. Có người còn nói 2023 là năm bết bát nhất của ngành xây dựng trong vòng một thập niên qua. Dự báo thị trường bất động sản năm 2024 vẫn chưa khởi sắc nên biểu đồ tăng trưởng của các nhà thầu lẫn các doanh nghiệp vật liệu xây dựng chưa thể đi lên.

Nhà thầu làm ăn bết bát

Hằng năm, vừa hết Tết là các công trình rôm rả đón công nhân trở lại. Nhưng sau kỳ nghỉ Tết năm 2024, đã qua mùng 10 tháng giêng, nhiều nhà thầu vẫn còn "nghỉ Tết" vì không có công trình. Trước Tết, nhiều công ty thi công xây dựng còn phải nghỉ sớm bởi năm qua chỉ nhận được vài công trình nhỏ. Và không chỉ khối thi công, các kỹ sư, thiết kế và nhân viên văn phòng cũng thiếu việc làm.

Vừa hoàn thành một công trình nhà ở tại TP Thủ Đức trước Tết, ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc một công ty xây lắp hoạt động hơn 10 năm, cho biết chưa bao giờ doanh nghiệp này làm ăn bết bát như năm qua. Theo ông Tuấn, những năm trước doanh nghiệp ông tới tấp nhận thầu các công trình, làm không hết việc. Những công trình cấp bách còn trả thêm lương để khuyến khích công nhân làm việc đến những ngày cận Tết.

Nhưng từ cuối 2022 và cả năm 2023, công ty ông chỉ nhận được vài công trình, công ty còn chấp nhận làm nhà thầu phụ, xây dựng những phần rất đơn giản như hệ thống sân bãi của chung cư. "Hiện nay, chỉ cần có công trình là tôi nhận để có việc nuôi anh em. Quan trọng hơn là có công trình, còn doanh thu là còn dòng tiền, còn được vay ngân hàng để cân đối mọi chi phí", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, công trình ít, dự án đầu tư công cũng không nhiều nên cạnh tranh giữa các nhà thầu rất khốc liệt. Nhiều nhà thầu chấp nhận lợi nhuận rất mỏng hoặc làm dưới giá vốn để có việc làm nuôi quân.

Những năm trước, phần lớn doanh thu của các nhà thầu cơ điện là các dự án nhà ở, văn phòng cao tầng. Hiện tại, thị trường không có nhiều dự án mới nên doanh thu của các nhà thầu cơ điện cũng tụt dốc. Lãnh đạo một công ty thi công cơ điện tại TP.HCM nói năm 2023 vừa qua, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm mạnh nên phải cắt giảm lượng nhân sự lớn để bảo đảm cân đối thu chi.

Theo ông Lê Mai Hữu Lâm - tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, các nhà thầu, doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị điện đã dự báo trước kịch bản giảm doanh thu và lợi nhuận khi thị trường bất động sản đóng băng.

Điểm sáng đối với thị trường xây dựng thời gian qua là các công trình đầu tư công. Doanh thu từ hợp đồng cung ứng thiết bị điện cho các công trình đầu tư công như tuyến metro 1, sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã "cứu" doanh thu cả năm của Cát Vạn Lợi… "Cố gắng lắm chúng tôi mới giữ doanh thu năm 2023 chỉ giảm 20% so với năm 2022 và giữ được lương, thưởng cho người lao động", ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Đình Hoa - giám đốc một doanh nghiệp chuyên thiết kế sân vườn - cho biết khó khăn của ngành xây dựng đã "ngấm" vào cả những nhà thầu "ngách" như doanh nghiệp làm hồ cá, sân vườn.

Ông Hoa cho biết lượng công trình doanh nghiệp này nhận được năm 2023 chưa bằng 1/3 năm trước. Ngay cả dịch vụ phụ trợ như cung cấp thức ăn cho cá cảnh cũng không tăng trưởng. "Năm 2023 là một năm thê thảm với chúng tôi, ngay cả dịch vụ cá cảnh, cung cấp thiết bị hồ cá cũng rơi vào tình trạng "bói" không ra đơn hàng", ông Hoa nói.

Gán máy móc, cổ phiếu để trả nợ

Với các "ông lớn" ngành xây dựng, bức tranh kết quả kinh doanh có cả sáng - tối. Doanh nghiệp trúng các gói thầu đầu tư công lớn thì kết quả kinh doanh khả quan, còn những doanh nghiệp "mắc kẹt" trong xây dựng dân dụng thì doanh thu èo uột.

Các doanh nghiệp làm ăn khấm khá trong năm 2023 phải kể đến Newtecons (nằm trong liên danh trúng gói thầu xây dựng nhà ga sân bay Long Thành) với doanh thu năm 2023 đạt 11.500 tỉ đồng, tăng 12% so với kế hoạch đầu năm.

Doanh thu của nhà thầu Ricons năm 2023 cũng vượt hơn 20% so với mức 6.000 tỉ đồng theo kế hoạch đầu năm.

Trong năm tài chính 2023, nhà thầu Coteccons có tổng doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 52 tỉ đồng, tương đương 118% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, năm tài chính của Coteccons đã điều chỉnh rút ngắn từ đầu năm cho đến 30-6-2023 nên kết quả kinh doanh nửa cuối năm của Coteccons vẫn còn là "ẩn số"…

Là "ông lớn" trong ngành xây dựng, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình) đã trải qua một năm vô cùng khó khăn mà lãnh đạo tập đoàn nói là "chưa từng có". Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã có giai đoạn căng thẳng về dòng tiền với áp lực trả nợ ngân hàng, thanh toán cho nhà thầu thụ và buộc phải cắt giảm nhân sự. Hết năm tài chính, doanh thu của công ty này chỉ hơn 7.500 tỉ đồng, đạt 71% kế hoạch năm.

Ông Lê Văn Nam - tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình - cho biết năm qua có nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản khiến Xây dựng Hòa Bình bị ảnh hưởng theo. Có những giai đoạn, để giải quyết công nợ cho các nhà thầu phụ, Xây dựng Hòa Bình phải cấn trừ tài sản, máy móc có sẵn và cả cổ phiếu để trả nợ, giá trị cấn nợ lên đến hơn 650 tỉ đồng. Ông Nam cho biết Xây dựng Hòa Bình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 10.800 tỉ đồng.

Việc các nhà thầu cấn trừ tài sản để trả nợ trong năm qua không hiếm. Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở quận 3 cho biết năm 2023 có nhiều chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền nên chậm thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tổng thầu cũng "đứt" nguồn tiền để thanh toán cho các nhà thầu phụ, thầu ngách, tạo ra dây chuyền nợ nần. Trước tình cảnh đó, không ít nhà thầu đã buộc phải chọn những phương án không có tiền lệ là cấn trừ tài sản, chuyển nhượng cổ phiếu cho các nhà thầu phụ với giá rẻ để giảm áp lực nợ nần.

Ông Lê Viết Hải - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) - cho rằng ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có quan hệ "như môi với răng" với ngành bất động sản. Năm qua bất động sản gặp khó nên ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng khó khăn theo. "Các nhà thầu phụ thuộc rất lớn vào việc thanh toán của chủ đầu tư. Chủ đầu tư chậm thanh toán cho nhà thầu thì nhà thầu sẽ nợ các thầu phụ và bên cung cấp vật tư kéo theo nợ dây chuyền làm ảnh hưởng công ăn việc làm của hàng ngàn người lao động. ■

Tìm cơ hội từ dự án đầu tư công và xây dựng công nghiệp

Ông Lê Viết Hải cho biết nhiều khả năng thị trường sẽ phục hồi ở những dự án bất động sản đô thị vào năm 2024. Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng có nhiều cơ hội trong năm nay khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang tăng. Các nhà thầu sẽ có cơ hội để tìm kiếm các hợp đồng mới từ các dự án bất động sản đô thị, xây dựng nhà xưởng và các công trình đầu tư công.

Là doanh nghiệp ngước ngoài chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, công ty Sika Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng trước khó khăn của thị trường xây dựng, bất động sản. Năm 2023 Sika Việt Nam có chỉ số tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Ông Jacobo Perez Polaino - tổng giám đốc Sika Việt Nam - cho hay năm qua doanh nghiệp này phải chuyển hướng, không chú trọng mảng thị trường dân dụng như trước mà tập trung đầu tư các giải pháp cho cơ sở hạ tầng, dự án nhà xưởng có vốn đầu tư nước ngoài và thị trường công nghiệp tự động hóa.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận