Khởi công cách đây hơn 1 năm, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với tổng chiều dài hơn 104,5km đang thi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Dự án có 27,5km thuộc tỉnh Hà Giang được khởi công từ tháng 5-2023 và 77km qua Tuyên Quang được khởi công sau đó 5 tháng.
Sau hơn 1 năm xây dựng, hình hài con đường trị giá hơn 10.000 tỉ đồng đã được định hình.
Nghìn công nhân thi công đồng loạt suốt đêm ngày
Những tia nắng cuối chiều rọi lên những trụ cầu mới, in bóng xuống mặt nước sông Lô tạo nên những vệt dài loang lổ. Một ngày sắp trôi qua. Nhóm công nhân tại khu vực thi công cầu Hàm Yên (cây cầu lớn nhất dự án) vẫn tiếp tục hoạt động của mình như bao ngày trước đó.
"Bốn tháng mưa lũ liên miên lấy đi của chúng tôi quá nhiều thời gian, giờ là lúc phải nỗ lực bù tiến độ", ông Nguyễn Đức Thanh, chỉ huy công trường, nói.
Từ góc nhìn phía xa, 3 chiếc máy xúc nằm cheo leo trên một đỉnh núi. Con đường công vụ nối từ khu tập kết tới điểm đào đắp như dựng đứng. Cùng với nhịp hoạt động của gầu máy xúc, hàng đoàn ô tô tải cứ liên tục ra vào để chở đất, đá.
Những người trên công trường dự án gọi đó là phá núi mở đường.
Tuyến cao tốc hình thành giữa vùng đồi núi trập trùng - Ảnh: HỒNG QUANG
Hiện tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã hoàn thành, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đoạn Tuyên Quang - Hà Giang đang thi công sẽ hoàn chỉnh tuyến cao tốc từ Hà Nội đến tỉnh địa đầu cực Bắc dài hơn 200km. Khi ấy thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang được rút ngắn từ khoảng 6 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Nói với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết tiến độ dự án cao tốc được các đơn vị cập nhật theo từng ngày. Từ đó sẽ kiểm điểm những gì đã làm được và khắc phục những chậm trễ, vướng mắc.
Tính tới hết ngày 23-11, đoạn cao tốc qua tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng loạt 108 mũi thi công, 680 máy móc các loại, gần 1.300 công nhân và kỹ sư hoạt động liên tục.
Sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 22,5%. Tuyến đường được dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2025.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang quy mô có 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng. Trong hình là nút giao Yên Sơn và nút giao quốc lộ 37 đã hình thành rõ nét - Ảnh: HỒNG QUANG
Hàng nghìn công nhân, kỹ sư và các đầu máy thiết bị được huy động thi công suốt đêm - Ảnh: HỒNG QUANG
Rào cản mặt bằng và băn khoăn cao tốc 2 làn xe
Những ngày cuối tháng 11, tỉnh Tuyên Quang cho biết đã bàn giao cho nhà thầu gần 82% khối lượng mặt bằng cần giải phóng. Khối lượng còn lại tuy không quá nhiều nhưng lại là phần có nhiều vướng mắc bởi chủ yếu là đất ở.
Từ trên cao dễ dàng bắt gặp nhiều khu dân cư án ngữ, chặn ngang công trường thi công. Trong khi đó, chỉ khoảng 1 năm nữa dự án này phải hoàn thành theo yêu cầu.
Trong khi đó, khi được hỏi về những mong đợi về công trình này, nhiều tài xế thường lái xe qua quốc lộ 2 cảm thấy còn nhiều băn khoăn, có phần hụt hẫng khi biết ở giai đoạn hiện tại, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chỉ được thi công với quy mô 2 làn xe và không có dải phân cách cứng ở giữa.
"Những bất cập về cao tốc 2 làn xe đã được thấy rõ qua tuyến Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái, Lào Cai). Quy mô như vậy thiếu an toàn và không phát huy được thế mạnh của đường cao tốc", anh Hà Phương (ở Hà Giang) nói với Tuổi Trẻ Online.
Thi công qua khu vực địa chất phức tạp, hàng triệu khối đất đá phải được di dời. Nhiều đoạn chênh lệch độ cao giữa đường công vụ và nơi đào đắp của máy xúc tới hàng trăm mét - Ảnh: HỒNG QUANG
Hồi tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Ông Hà cho rằng việc điều chỉnh đầu tư cao tốc này lên 4 làn xe là cần thiết, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và chỉ đạo của Thủ tướng.
Còn tại tỉnh Hà Giang, ngày 31-10, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết điều chỉnh cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa phương này từ 2 làn xe lên 4 làn xe nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, mong mỏi của nhiều người dân, lái xe là những quyết định trên sớm được hiện thực hóa trên công trường bởi theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ thông xe vào cuối năm 2025.
Việc chậm trễ có nguy cơ dẫn tới tình trạng con đường vừa thông xe đã phải rào chắn để thi công mở rộng, nhiều hạng mục vừa làm xong cũng sẽ phải tháo dỡ, điều chỉnh, gây nguy cơ thất thoát lãng phí.
Cầu Hàm Yên - cây cầu lớn nhất dự án chạy qua lòng hồ thủy điện của sông Lô đã lộ diện những trụ cầu đầu tiên. Nhà thầu cho hay công trình này có 6 trụ và 7 nhịp cầu, hiện đã đạt khoảng 25% sản lượng - Ảnh: HỒNG QUANG
Các hạng mục mái ta luy đương, hầm chui dân sinh, cống thoát nước... được thi công đồng bộ ở quy mô hoàn chỉnh trong giai đoạn đầu - Ảnh: HỒNG QUANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận