Nỗ lực trao truyền, gìn giữ sách Việt

LINH THOẠI 20/04/2025 10:20 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng hai nhân vật đã thực hiện cuộc chuyển giao và tiếp nhận một phần di sản từ thư viện cá nhân của nhà văn - dịch giả Trần Thiện Đạo (1933-2017) cho Viện nghiên cứu Á Phi, Đại học Hamburg (Đức).

sách Việt - Ảnh 1.

Từ trái qua: nghệ sĩ 3D Gilles Tran (Trần Kim Lân, con trai nhà văn - dịch giả Trần Thiện Đạo), TS Nguyễn Thụy Phương và ThS Cao Quang Nghiệp trong ngày gia đình trao tặng một phần di sản của Trần Thiện Đạo cho Viện nghiên cứu Á Phi, ĐH Hamburg (Đức). Ảnh: Thụy Phương cung cấp

Một phần di sản từ thư viện cá nhân của nhà văn - dịch giả Trần Thiện Đạo (1933-2017) vừa được trao tặng cho Viện nghiên cứu Á Phi, Đại học Hamburg (Đức). 

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng hai nhân vật đã thực hiện cuộc chuyển giao và tiếp nhận sách này: TS giáo dục học Nguyễn Thụy Phương (ĐH Paris Descartes - Pháp, nghiên cứu viên tại ĐH Geneva - Thụy Sĩ, giám đốc quan hệ đối ngoại châu Á, Học viện MO2I) và thạc sĩ Cao Quang Nghiệp (giảng viên ĐH Hamburg, Đức) - người đã được nhiều cá nhân, trí thức Việt ở châu Âu tín nhiệm gửi gắm di sản của cha ông hay của chính họ.

Theo dịch giả Nguyễn Đình Thành và nhiều trí thức khác từng có dịp ghé Paris thăm, thư viện của dịch giả Trần Thiện Đạo là một kho tàng với gần như đầy đủ những tác phẩm của văn học miền Nam trước 1975 và một số lượng lớn các tác phẩm văn học hải ngoại; bộ sưu tập báo văn; sách triết học tiếng Việt…

Một kho tàng văn học miền Nam Việt Nam ở châu Âu

Thưa chị Thụy Phương, cùng với sự trân quý, gia đình chị có băn khoăn nào không khi gìn giữ một kho tàng của văn học miền Nam/văn hóa Việt như tủ sách của nhà văn - dịch giả Trần Thiện Đạo? Vì sao gia đình quyết định trao tặng một phần di sản của ông cho Viện nghiên cứu Á Phi của Đại học Hamburg?

- TS Nguyễn Thụy Phương: Chúng tôi thấy thật sự may mắn vì được thừa hưởng di sản vật thể và phi vật thể này do cha ông chúng tôi để lại. Băn khoăn hay chính xác hơn là ước nguyện lớn nhất của gia đình là di tặng một phần tủ sách này cho các tổ chức, như thư viện, trường đại học hay trung tâm nghiên cứu, trung tâm di sản…

Gia đình luôn ý thức rằng kiến thức nói chung và sách nói riêng là tài sản chung, tài sản "công". Nó chỉ thực sự có giá trị cho người sở hữu và ý nghĩa cho độc giả khi nó được chia sẻ, trao truyền. Sách cũng cần có cuộc đời riêng của nó, cần có những "người chủ" khác nhau của nó. Nói một cách hài hước, gia đình chúng tôi chưa bao giờ có ý định sở hữu "trọn đời" tủ sách này của ông Trần Thiện Đạo.

Quyết định trao sách của chúng tôi khá nhanh vì người thay mặt viện là anh Cao Quang Nghiệp đã nhận lời nhận sách và làm các thủ tục giữa viện và gia đình rất hiệu quả. Bản thân anh cũng là một người bạn, độc giả của ông Trần Thiện Đạo lúc ông sinh thời. Hơn nữa, viện và đại học là những địa chỉ uy tín về giảng dạy tiếng Việt, nghiên cứu Việt học nói riêng và Á châu nói chung tại châu Âu.

Khối lượng di sản lần này bao gồm sách (truyện ngắn, tuyển tập thơ, tiểu thuyết, phê bình văn học) và tạp chí về văn chương, thơ, phê bình của văn học Việt Nam hải ngoại từ 4 thập kỷ nay (từ đầu những năm 1980 đến ngày nay).

Thưa anh Cao Quang Nghiệp, nhân duyên nào đưa anh đến với công việc tiếp nhận sách/ấn phẩm quý từ không ít người Việt ở châu Âu? Quá trình tiếp nhận, phân loại thường mất bao lâu và mất nhiều công sức của anh không?

- ThS Cao Quang Nghiệp: Năm 1998, sau khi ghế giáo sư cuối cùng của khoa Việt Nam học, Đại Học Humbold - Berlin bị cắt bỏ thì Khoa Việt Nam học của Đại học Hamburg là nơi duy nhất trên toàn nước Đức (và cũng có thể nói rằng toàn vùng Đức ngữ - Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Luxemburg và Liechtenstein) có ghế giáo sư đảm nhận ngành Việt Nam học, đào tạo tất cả các bậc, từ cử nhân, đến thạc sĩ, rồi tiến sĩ và sau tiến sĩ. Vì vậy, từ lâu phân khoa được nhiều người biết đến, nhất là giới học thuật.

Là giảng viên của phân khoa và đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm cho việc mua sắm sách vở cho thư viện phân khoa từ gần 20 năm nay, tôi may mắn được một số cá nhân và tổ chức tin tưởng gửi gắm phần tài sản tinh thần quý giá của họ. 

Có một thực tế là không phải thư viện nào cũng sẵn sàng tiếp nhận sách vở được hiến tặng vì nhiều lý do, chẳng hạn như không gian để sách, thời gian, công sức để phân loại, nhập kho; chưa kể có nhiều sách cũ đã ẩm mốc hay mục nát, phải được khử trùng trước khi có thể nhập vào thư viện hay đưa vào thư khố.

Vì đam mê sách vở nên tôi chịu khó tự đi hàng ngàn kilômet để chở sách về, tự phân loại và cố gắng thuyết phục thủ thư tiếp quản/chấp nhận cho nhập sách vào thư viện phân khoa và thư khố đại học. Năm vừa rồi, tôi đã hai lần sang Paris và một lần đến thành phố Stuttgart (miền nam nước Đức) để chở sách về Hamburg. Từ khi nhận sách đến khi sách được nhập vào thư viện kéo dài khoảng 6 tháng đến một năm, tùy theo số lượng sách.

Hiện thư viện của Viện nghiên cứu Á Phi và thư khố của Đại học Hamburg lưu giữ khoảng bao nhiêu cuốn sách, tài liệu tiếng Việt và nội dung nào là giá trị nhất theo anh? Ai có khả năng tiếp cận nguồn tư liệu này?

- ThS Cao Quang Nghiệp: Hiện nay tại thư viện của Viện Á - Phi và thư khố của Đại Học Hamburg ước tính có khoảng 23.000 đầu sách, phần lớn thuộc về khoa học nhân văn, nhiều nhất là lịch sử và văn học, đặc biệt là sách về văn học miền Nam Việt Nam. 

Được ra đời cùng thời với ngành Việt Nam học vào năm 1972 ở Hamburg thuộc về Tây Đức nên thư viện có nhiều sách vở từ miền Nam Việt Nam. Sau này, khi bắt đầu phụ trách cho việc mua sách vở cho thư viện, tôi chú tâm vào mảng văn học miền Nam, đặt mua rất nhiều sách vở được in ấn (lại) ở hải ngoại.

Riêng năm 2024, chúng tôi rất may mắn được ba cá nhân hiến tặng hơn 4.000 đầu sách ở nhiều lĩnh vực được xuất bản trong 70 năm qua. Vì các học giả ấy là những người đã ra nước ngoài từ những năm 1950 nên trong số sách ấy có rất nhiều sách vở và báo chí từ miền Nam, sách được xuất bản ở hải ngoại. 

Với những nguồn sách vở vừa nêu trên, có thể nói hiện giờ thư viện Việt Nam học, Đại Học Hamburg là nơi có tương đối đầy đủ sách vở, báo chí về văn học miền Nam (1954-1975) và văn học hải ngoại (sau 1975), được xem là văn học miền Nam nối tiếp.

Thư viện Việt Nam học, Đại Học Hamburg là thư viện cộng đồng, phục vụ cho tất cả những ai có thẻ thư viện. Ngoài ra, người đọc ở xa có thể mượn sách qua hệ thống mượn từ xa, qua hệ thống liên kết các thư viện ở Đức.

sách Việt - Ảnh 2.

Một góc thư viện Việt Nam học của Viện nghiên cứu Á Phi, ĐH Hamburg (Đức). Ảnh: CAO QUANG NGHIỆP

Vì ký ức tập thể của một đất nước

Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử giáo dục mới tại Việt Nam thập niên 1940, giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa và hậu thuộc địa, có lẽ chị Thụy Phương có dịp tiếp cận không ít các tủ sách quý, sách xưa của trí thức người Việt ở Pháp. Có điều gì khiến chị ấn tượng hay lưu tâm về hiện trạng cũng như tương lai của các tủ sách này?

- TS Nguyễn Thụy Phương: Nói thật, đó là một ấn tượng buồn, vì con và cháu của những trí thức Việt kiều không biết tiếng Việt nên không đọc được tiếng Việt, chính họ cũng thổ lộ là "chúng tôi mù chữ Việt", nên những tủ sách quý và đồ sộ đó như "nàng công chúa ngủ trong rừng", im lìm trong tủ giá hay dưới kho nhà phủ đầy bụi từ ngày cha mẹ mất đi. 

Đó là chưa kể có những tình huống, con cháu sống ở xa, quay về nhà cha mẹ để dọn dẹp đồ đạc khi các cụ viên tịch, không biết phải làm gì với "đống sách" nên cho thống tháo hoặc quẳng đi. Tôi xót xa nghe kể lại.

Trong quãng đời nghiên cứu, tôi may mắn được tiếp cận với gia đình hậu duệ của ông Nguyễn Phước Vĩnh Bang - nhà tâm lý học sư phạm của Thụy Sĩ, một trong những cộng sự thân tín của nhà tâm lý học Jean Piaget. 

Năm 2015, tôi được con trai ông Vĩnh Bang cho phép đến tư gia để kiểm kê và tra cứu kho tài liệu của GS. Chúng được chất trong những thùng các tông bụi bặm để dưới hầm nhà gần 10 năm sau ngày giáo sư mất (năm 2008).

Kết quả của công việc "3 trong 1" này là: tôi có dữ liệu để làm nghiên cứu, gia đình giữ lại được kho sách đã được kiểm kê và phân loại (tiếng Việt, tiếng Pháp, tư liệu cá nhân, tư liệu công việc, nghề nghiệp…), và từ đó gia đình và Đại học Geneva sẽ tiến hành số hóa một số tư liệu để đưa vào lưu trữ của đại học vì giai đoạn giáo sư làm việc tại đó, ông có công sức không nhỏ trong việc gây dựng và quản lý một khoa là tiền thân của Khoa tâm lý học và giáo dục học và ngành tâm lý học của Thụy Sĩ. Di sản của ông cũng là một phần ký ức tập thể của toàn bộ Đại học Geneva.

Từ câu chuyện nghiên cứu cá nhân này của mình, tôi rất mong mỏi các bạn trẻ ngày nay, không nhất thiết cứ phải là nhà nghiên cứu, miễn là hiểu và thích kiến thức nói chung, lịch sử nói riêng, và đặc biệt hiểu giá trị của di sản, trân trọng di sản vật thể và phi vật thể, thì hãy lưu tâm và tìm mọi cách gìn giữ loại di sản này. Vì chúng chính là những mảnh ghép tạo nên ký ức tập thể của một đất nước.

Đã có rất nhiều thế hệ người Việt di cư ra khắp các châu lục từ cuối thể kỷ 19 đến nay. Thu gom, gìn giữ và hồi hương hay số hóa những di sản sẽ càng giúp chúng ta hiểu về đất nước mình một cách toàn vẹn và phong phú nhất có thể.

TS Nguyễn Thụy Phương

Hiện trạng một số tủ sách của trí thức Việt kiều khác tại châu Âu qua quan sát của anh Cao Quang Nghiệp trong hơn 30 năm sinh sống và công tác ở đây? Anh có lo lắng nhiều tư liệu quý sẽ không được bảo quản, kế thừa một cách hiệu quả?

- ThS Cao Quang Nghiệp: Đúng vậy, đây là mối bận tâm lớn của những người yêu sách vở. Có một thực tế là thế hệ trẻ, được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, nói chung là không (thể) đọc sách tiếng Việt. 

Vì vậy, câu hỏi được đặt ra thường là, họ sẽ làm gì với sách vở mà cha mẹ họ đã cất công sưu tầm và gìn giữ từ bao nhiêu năm qua? Mới trước đây vài ngày, tôi lại nhận được nhã ý từ một bác ở thành phố München (Đức) muốn tặng sách cho thư viện Việt Nam học, vì con cháu bác không ai quan tâm đến sách vở tiếng Việt cả. Và đây là một trường hợp tiêu biểu cho tình trạng này. Là người yêu sách, tôi rất lo lắng rằng sách vở ở hải ngoại ngày càng bị mai một dần.

Năm 2023, thư viện số Nguyễn An Ninh đã ra đời từ nỗ lực của những trí thức yêu văn hóa Nam Bộ. Chị Thụy Phương nghĩ sao về tiềm năng của việc mở một thư viện số song ngữ Anh - Việt về văn hóa Việt dành cho thế hệ người Việt trẻ sinh ra ở nước ngoài?

- TS Nguyễn Thụy Phương: Tôi là người ủng hộ hết mình cho việc số hóa văn liệu, tư liệu, sử liệu, di sản vì đây là cách khai thác hiệu suất nhất và cách gìn giữ an toàn và bền vững nhất có thể (cho đến thời điểm hiện nay). 

Dù chúng ta có ngồi ở đâu trên quả địa cầu này thì cũng tra cứu được. Dù chúng ta không biết đọc ngôn ngữ của văn bản thì số hóa với công nghệ AI sẽ dịch giúp chúng ta phần nào (trừ văn chương và thơ ca). Dù chúng ta có chết đi thì tư liệu của chúng ta không bị chôn vùi trong quên lãng mà vẫn được sử dụng và khai thác bởi các thế hệ hậu sinh.

Cá nhân tôi cũng được thụ hưởng việc số hóa của sử liệu và lưu trữ nên rất hiểu tính hữu ích và tiết kiệm của nó về thời gian và tiền bạc, vì công trình luận án của tôi cần đến rất nhiều lưu trữ của Hoa Kỳ, như The Vietnam Center and Archive (trên website của Texas Technical University) hay USAID Development Experience Clearinghouse, nên tôi chỉ cần lên các website này tra cứu mà không phải mua vé máy bay, thuê nhà trọ vài tháng ở Mỹ để đến tra cứu tài liệu tại các trung tâm lưu trữ này.

* Việc số hóa các tư liệu xưa, các tác phẩm Việt Nam quan trọng là một công việc rất cần thiết để người Việt khắp năm châu ở nhiều thế hệ tiếp cận được vốn quý của di sản văn hóa Việt. Tiềm năng và thách thức của công việc này theo anh Cao Quang Nghiệp?

- ThS Cao Quang Nghiệp: Số hóa sách vở và tài liệu là công việc cần đầu tư lâu dài vào máy móc thiết bị tối tân và công sức con người, phải được cơ quan hữu trách đầu tư lâu dài và tốn kém. Rất tiếc, đến bây giờ thư viện Việt Nam học chưa có điều kiện để làm việc này. Theo thiển ý, chúng ta có thể tiến hành việc số hóa theo khả năng của mỗi người.■

Nhiều năm qua, từ Mỹ, tiến sĩ Võ Tá Hân thông qua Ủy ban người VN ở nước ngoài đã trao tặng gần 60.000 cuốn sách khoa học kỹ thuật cho các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Trước đó, dịch giả Nguyễn Tiến Văn từng chuyển container 7,5 tấn sách từ Canada về Việt Nam để tặng Viện Nghiên cứu xã hội.

Những năm tháng cuối đời ở Pháp, sử gia Lê Thành Khôi (1923-2025) và học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) đều bày tỏ niềm mong muốn gửi tặng thư viện của mình cho quê hương Việt Nam. Và còn nhiều người Việt xa xứ khác đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ, trao truyền sách báo tiếng Việt đang tản mác ở hải ngoại nói chung, như một cách giữ lại từng "mảnh ghép tạo nên ký ức tập thể của một đất nước".

Tín hiệu mừng cho việc duy trì một nền tảng văn hóa gốc

10 năm trước, TS Thụy Phương cùng những người bạn của chị đã thành lập nên nhóm Cánh Diều tại Pháp với mong muốn các trẻ em ở đây có thêm một môi trường thực hành tiếng Việt. Sinh tại Hà Nội nhưng là con dâu của "ông già Nam Bộ" Trần Thiện Đạo, chị từng bộc bạch mong ước chồng và các con mình hiểu về Nam Bộ để hiểu hơn cha ông…

Khi được hỏi về Cánh Diều và những lo ngại trước những rào cản khiến thế hệ người Việt trẻ ở hải ngoại khó tìm về cội nguồn, tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam, TS Thụy Phương cho rằng đây là một hiện trạng và thực tế mang tính quốc tế, chứ không chỉ là riêng của người Việt, của mọi thế hệ những người nhập cư.

"Hiện đang có hàng trăm, hàng ngàn lớp học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Cánh Diều. Đây là một tín hiệu mừng cho việc duy trì một nền tảng văn hóa gốc ở những thế hệ hậu sinh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục học, tôi không khuyến khích việc ép học và ép dạy tiếng Việt chỉ vì lo con mình "mất gốc". Ở Cánh Diều, các phụ huynh luôn lấy tiếng Việt làm công cụ để truyền tải về các hình thức văn hóa: ứng xử, tập tục, nghệ thuật… Nếu coi những đứa trẻ con lai hay không lai, đang sinh sống ở ngoài Việt Nam, là một thân cây thì chúng đều đã có hai bộ rễ: rễ Việt và rễ của nước sở tại hay đất nước của người cha hay mẹ. Chúng ta phải có trách nhiệm cho các con ý thức về hai cái rễ đó, nhưng để cho bộ rễ kép đó luôn ở thế cân bằng, không bên nào áp đảo bên nào thì còn cần cả một hành trình trưởng thành của đứa trẻ đó với sự đồng hành của chúng ta", TS Thụy Phương nói.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các bậc phụ huynh, TS Thụy Phương đưa ra một góc nhìn lạc quan: "Nói được tiếng Việt khi không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam là điều tuyệt vời nhưng không nói được tiếng Việt mà vẫn yêu đất nước, yêu gia đình Việt, đóng góp cho Việt Nam trên bình diện quốc tế thì còn gì tuyệt bằng. Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ: Nhạc sĩ jazz Nguyên Lê - con trai của giáo sư Lê Thành Khôi - không còn nói được tiếng Việt nữa từ ngày anh đi học ở Pháp. Nhưng từ 30 năm nay, anh là một nhạc sĩ ngoại quốc am tường nhạc cổ truyền Việt và hiện nay là một trong những sứ giả hiếm hoi ở tầm quốc tế đưa nhạc Việt lên sân khấu cùng với âm nhạc và nhạc cụ Phi châu, Á châu và Âu châu khác".

Sẵn sàng hiến tặng sách vở, tài liệu cho Việt Nam

Tín nhiệm ThS Cao Quang Nghiệp, bên cạnh gia đình dịch giả Trần Thiện Đạo, nhiều người Việt ở Pháp và Đức như ông Đỗ Mạnh Tri (Paris), ông Dương Hồng Trạch (Stuttgart), ông Phạm Hồng Lam (Ausburg), ban quản trị chùa Viên Giác (Hannover)… đã tin tưởng và hiến tặng sách cho Khoa Việt Nam học, Đại học Hamburg. ThS Cao Quang Nghiệp cho biết Đại học Hamburg sẽ tiếp tục đón nhận, giữ gìn, bảo quản các sách báo tiếng Việt từ các cá nhân có nhã ý hiến tặng để phục vụ việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa Việt Nam.

Về hai thư viện cá nhân rất lớn và quý hiếm của giáo sư Lê Thành Khôi và học giả Hoàng Xuân Hãn, theo anh Cao Quang Nghiệp, thư viện của học giả Hoàng Xuân Hãn đã được Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tiếp quản và hiện đang trong giai đoạn số hóa (thông tin được cập nhật cách đây một năm). Riêng gia đình giáo sư Lê Thành Khôi cũng đang tìm cách thực hiện tâm niệm của ông là hiến tặng cho những nơi nào có thể tiếp quản toàn bộ thư viện. Tâm nguyện này chính giáo sư cũng từng chia sẻ với anh Cao Quang Nghiệp. Gia đình giáo sư cũng có nhã ý hiến tặng sách cho Thư viện Việt Nam học, Đại học Hamburg, nhưng Đại học Hamburg đành phải từ chối vì không thể đáp ứng di nguyện của ông là thành lập một không gian riêng để bảo quản và duy trì di sản quý báu ông để lại cho xứng tầm vóc của học giả uyên bác này.

"Tôi đã giới thiệu cho một cơ quan khác. Họ rất quan tâm việc này. Hy vọng tâm niệm của ông sẽ được toại nguyện. Theo thiển ý, nếu chánh sách của Nhà nước Việt Nam cởi mở hơn; sẽ có nhiều nhà nghiên cứu, học giả sẵn sàng hiến tặng sách vở, tài liệu cho Việt Nam, như gia đình giáo sư Lê Thành Khôi chẳng hạn", anh Nghiệp chia sẻ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận