Ngành dệt may - Ảnh TTO
Nếu vận dụng được tối đa hiệu quả mang lại từ Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) khi đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU sẽ tăng thêm khoảng 42,7% trong năm năm tới và tăng lên 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có hiệp định này.
Vị thế của VN trên thương trường quốc tế, theo đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), "đã khác đi rất nhiều trong một thập niên gần đây", khi việc hội nhập kinh tế theo chiều sâu, thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... đang được VN vận hành trơn tru, thông suốt. Điều này càng không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ cùng rất nhiều bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã kiên trì, chung tay góp sức để làm nên vị trí khác biệt rõ nét kia.
Trái vải thiều "vào" thị trường Nhật Bản là một ví dụ.
Phải mất đến 6 năm, kể từ năm 2014 khi xúc tiến mở cửa cho trái vải vào thị trường khó tính này với quy trình giám sát khắt khe, nhiều thí nghiệm kiểm định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật có khả năng tồn tại trên quả vải, 5 tấn trái vải đầu tiên đã đến được tận tay người tiêu dùng Nhật với giá bán khoảng 500.000
đồng/kg. Ngay sau Nhật, hệ thống đang nắm 70% thị phần bán lẻ của Singapore là Fair Price cũng đã nhập 50 tấn trái vải bán cho người tiêu dùng Singapore với giá hơn 110.000 đồng/kg, cạnh tranh sòng phẳng với trái vải của Trung Quốc đã được bán từ lâu ở quốc gia này.
Hai điểm son mới nhất nói trên không chỉ đưa danh sách những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của VN vươn ra các nước ngày một dày lên, mà đâu đó còn giữ thêm vai trò điều tiết nguồn cung cho cả thế giới, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát. Hội nghị Da giày quốc tế vừa được Hiệp hội Da giày - túi xách VN (Lefaso) tổ chức cách đây ít hôm, với sự tham gia của nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới, đã ngầm xác nhận (lại) vị thế của VN trên bản đồ cung ứng giày dép toàn cầu với sự định vị theo chiều hướng tích cực nhất ngoài mong đợi: giảm tỉ lệ phụ thuộc vào Trung Quốc về mức 45-50% thay cho tỉ lệ 60-70% trước đây, tăng tỉ trọng cung ứng từ VN và một số quốc gia khác ngang với Trung Quốc sau khi phân bổ lại.
Thu hoạch vải thiều - Ảnh: TTO
Nhưng để nắm bắt được cơ hội tái định vị này cho chặng đường mới phía trước, nếu đặt cùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt mức thấp nhất trong 30 năm qua (chỉ tăng 0,36%), quả là còn nhiều thứ ngổn ngang, buộc Chính phủ lẫn doanh nghiệp phải dốc lực, quyết tâm cải tổ.
Kế hoạch phục hồi, xác lập chiến lược kinh doanh để có đủ năng lực đón đầu, tiếp nhận sự dịch chuyển xoay trục hậu dịch COVID-19 nhằm phục hồi nền kinh tế sẽ chỉ khả thi khi không chỉ có "các đồng chí phải biết nóng ruột lên!" như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các bộ ngành chủ chốt, mà chính cộng đồng doanh nghiệp cũng đến lúc cần "xốc" lại tư duy lẫn cách tiếp cận thị trường, như là "vũ khí" tự thân hiệu quả nhất để cứu lấy chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận