Tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã đầu tư lắp đặt một lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ NFi-05, công suất đốt 5 tấn rác/ngày với tổng mức đầu tư gần 3,4 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 6 đến nay, bước đầu tỉnh đã giải quyết được những bức xúc về xử lý rác thải, đem lại cảnh quan, môi trường trong lành cho nhiều xã, thị trấn lân cận trong khu vực.
Tính ưu việt của lò NFi-05 là không sử dụng điện, khí ga, hay xăng dầu để hoạt động, mà dùng chính rác thải khô để làm mồi đốt (nhóm lò) kết hợp với các van điều chỉnh được thiết kế để điều chỉnh lưu lượng trong lò đốt đạt nhiệt độ từ 650 - 1000 độ C, rác sẽ cháy nhanh chóng (kể cả rác còn ướt) và không sinh ra khói. Đây là loại lò sử dụng công nghệ đốt 2 lớp, cụ thể rác mới được đưa vào đốt cháy tại buồng đốt đầu tiên; các phế thải chưa đốt hết, tro, bụi và các loại khí được chuyển sang buồng khí đốt thứ 2 để được đốt lần nữa, nhằm triệt tiêu khí độc, mùi, các chất thải, khói bụi... không ảnh hưởng đến môi trường.
Tại huyện miền núi Yên Lập, rác thải phân hủy gây mùi hôi thối, côn trùng phát sinh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Và trước những bức xúc về rác thải sinh hoạt của người dân, UBND huyện đã quy hoạch khu vực Bến Sơn thuộc thị trấn Yên Lập làm khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cho cả một số xã lân cận với tổng mức đầu tư dự án gần 2,6 tỷ đồng. Tháng 6-2013, khu xử lý rác đã đưa vào vận hành thử nghiệm, hiện mỗi ngày thu gom được hơn 6 tấn tập kết để xử lý, qua đó bước đầu đã khắc phục phần nào ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn huyện.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cho biết đó chỉ là những mô hình, dự án trước mắt, còn về lâu dài, tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại cho các khu đô thị và vùng nông thôn. Tỉnh sẽ hoàn thành công tác quy hoạch quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước; vận động nhân dân thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường… Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các cấp Hội Nông dân xây dựng các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn trong tỉnh cũng cần vào cuộc huy động nguồn lực tại chỗ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, nhất là tổ chức việc thu gom rác thải…
Phú Thọ còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường và phục hồi hệ sinh thái; tiến tới ngăn chặn và kiểm soát mức độ gia tăng ô nhiễm ở giai đoạn năm 2015-2020, với 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch; tất cả đô thị, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, phấn đấu có 30% chất thải thu gom được tái chế. Có làm được như vậy, vấn đề rác thải và môi trường nông thôn mới được cải thiện, người dân không còn phải lo sống chung với rác.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận