TTCT - Dịch COVID-19 đã khiến tình trạng kháng kháng sinh, vốn đã đáng quan ngại, càng xấu hơn. Ảnh: Lightspring/Shutterstock.comKể từ khi phát hiện ra kháng sinh hơn 100 năm trước, kháng sinh đã cứu sống chúng ta khỏi các bệnh nhiễm trùng, nhờ đó tuổi thọ trung bình của con người được tăng thêm hơn 20 năm. Theo The Washington Post, các chuyên gia cảnh báo với tình trạng kháng kháng sinh đang lan rộng hiện nay, nếu không cẩn thận, các loại thuốc kháng sinh có thể mất tác dụng. Khi đó, những bệnh nhiễm trùng thông thường, dễ điều trị bằng kháng sinh có thể quật ngã chúng ta.Mang "phép mầu" sử dụng bừa bãiTheo báo cáo vừa công bố ngày 12-7 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngay trong năm đầu của dịch COVID-19, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã trầm trọng hơn. Cụ thể, năm 2020 các ca nhiễm trùng và tử vong do các mầm bệnh gây bệnh nghiêm trọng tăng khoảng 15% so với năm 2019. Tỉ lệ nhiễm trùng do vi khuẩn men beta-lactamase phổ rộng (ESBL) kháng kháng sinh - gây nhiễm trùng máu và đường tiết niệu - tăng vọt 78% trong năm 2020.Khi một loại thuốc kháng sinh mới được đưa vào sử dụng, nó phát huy tác dụng rất tốt. Song theo thời gian, vi khuẩn sẽ thích nghi với thuốc, khiến hiệu quả của thuốc kém đi, căn bệnh trở nên khó điều trị hơn. Càng bị lạm dụng, dù là trong y tế hay nông nghiệp, kháng sinh càng trở nên kém hiệu quả. Kháng kháng sinh đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân trong bệnh viện và viện dưỡng lão, và những người có hệ miễn dịch kém. Nó cũng đe dọa tính mạng những người phải phẫu thuật như thay khớp gối, ghép tạng hay điều trị ung thư.Giám đốc CDC Rochelle Walensky nêu trong báo cáo: Các nỗ lực y tế cộng đồng đã làm giảm gần 30% các ca nhiễm trùng kháng thuốc trong bệnh viện ở Mỹ từ năm 2012 đến 2017. Nhìn chung, số ca tử vong do kháng thuốc giảm 18% kể từ năm 2013. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược những tiến bộ mà ngành y gian khổ lắm mới giành được.Theo CDC, một trong các lý do là các bệnh viện đã kê thuốc kháng sinh quá mức. Từ tháng 3 đến tháng 10-2020, gần 80% bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Mỹ được kê thuốc kháng sinh. COVID-19 là bệnh do virus, và không thể chữa bằng kháng sinh, vậy tại sao có tình trạng này? Lý do là bệnh nhân COVID-19 cần sử dụng các thiết bị y tế như ống thông tiểu và máy thở thường xuyên và dài ngày, mà các thiết bị này phải xuyên qua hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể là da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của họ. Do đó, các bác sĩ kê kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân khỏi các bệnh nhiễm trùng thứ cấp.Arjun Srinivasan, quan chức của CDC về các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát siêu vi khuẩn, cho biết một số bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 đã phải đối mặt với "một kết cục khủng khiếp" là chết vì bệnh nhiễm trùng kháng thuốc. Báo cáo của CDC cho thấy vào năm 2020 có hơn 29.400 người chết vì các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh. Trong số này, gần 40% bị nhiễm trùng trong nhập viện. Các ca nhiễm trùng còn lại xảy ra ngoài bệnh viện, trong đó có viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Michael Craig, giám đốc Đơn vị điều phối và chiến lược kháng kháng sinh của CDC, cho rằng sự thụt lùi này có thể chỉ là tạm thời nhưng cần xác định các lỗ hổng và đầu tư cho việc phòng ngừa để ngăn chặn tương lai đen tối do mầm bệnh kháng kháng sinh gây ra.Đi tìm "phép mầu" mớiTrước COVID-19, các chuyên gia đã cảnh báo về việc chúng ta đang tiến đến thời kỳ hậu kháng sinh - giai đoạn mà các loại thuốc kháng sinh hiện nay sẽ trở nên vô dụng với các bệnh nhiễm trùng. Khi đó, các thủ thuật thông thường như mổ đẻ hay thay khớp gối có thể trở nên nguy hiểm hơn do các nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng trong bệnh viện, tăng lên.Về lý thuyết, ta có thể giải quyết vấn đề. Trong báo cáo mới, CDC kêu gọi để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, cần tiếp tục các chiến lược có hiệu quả như ngăn ngừa nhiễm trùng trong bệnh viện, đào tạo các chuyên gia y tế về thời điểm thích hợp và không thích hợp để kê kháng sinh. Hơn thế, các công ty dược có thể nghiên cứu và phát triển các loại kháng sinh mới trong trường hợp các loại thuốc cũ không còn hiệu quả.Tuy nhiên, trên thực tế, thật không may, các công ty dược không hào hứng với cuộc trường chinh đi tìm kháng sinh mới. Kể từ năm 1990, 78% các công ty dược lớn đã thu hẹp quy mô nghiên cứu kháng sinh, thậm chí cắt giảm hoàn toàn. Trước khi một loại kháng sinh mới được phép ra thị trường, các công ty đều cần nhiều năm nghiên cứu. Trong quá trình đó, hầu hết các hợp chất mới đều thất bại. Ngay cả khi thành công, lợi ích vẫn là rất nhỏ so với công sức. Thuốc kháng sinh, về lý thuyết, là loại thuốc cuối cùng được sử dụng. Thuốc này không bán chạy như các loại thuốc phải uống hằng ngày. Do đó, các công ty không có động cơ tài chính để tìm kháng sinh mới.Theo báo cáo năm 2019 của Liên Hiệp Quốc, chính vì mâu thuẫn này mà chính phủ (hoặc khu vực tư nhân) cần hỗ trợ nghiên cứu về kháng sinh. Liên Hiệp Quốc tính toán nếu mỗi người dân ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình đầu tư 2 USD một năm cho mục đích này thì chúng ta sẽ có tài chính để nghiên cứu các loại thuốc mới và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ kháng thuốc. Dĩ nhiên, để chính phủ vào cuộc, vấn đề kháng kháng sinh phải trở thành một ưu tiên khẩn cấp được đa số công nhận.Một số chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề, chúng ta không nên xem kháng sinh như thể nó là bất kỳ loại hàng hóa nào trên thị trường tự do. Thay vào đó, cần xem kháng sinh là hàng hóa công cộng quan trọng cần thiết để duy trì hoạt động của một xã hội - như cơ sở hạ tầng hoặc an ninh quốc gia. Do đó, chính phủ nên tài trợ cho nghiên cứu và phát triển về kháng sinh.Về cơ bản, kháng sinh là sản phẩm chúng ta chỉ muốn bán được càng ít thì càng tốt. Lý tưởng nhất sẽ là một loại kháng sinh tuyệt vời có thể hoạt động hiệu quả hàng thập niên, sẵn sàng để sử dụng khi cần, dù điều này không phù hợp với yêu cầu tạo ra lợi nhuận của công ty sản xuất thuốc.Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các nước giàu giúp các nước nghèo hơn cải thiện hệ thống y tế và khuyến nghị thành lập một ủy ban liên chính phủ về kháng thuốc.■Vi khuẩn kháng thuốc - đại dịch thầm lặngTrong báo cáo đầu tiên về tình hình của các vắc xin đang được phát triển để giải quyết các mầm bệnh do vi khuẩn kháng thuốc (AMR), phát hành ngày 12-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cần phát triển thêm nhiều vắc xin và sử dụng các loại vắc xin hiện có hiệu quả hơn. Theo WHO, vi khuẩn kháng thuốc là một đại dịch thầm lặng và là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ngày càng đáng quan tâm. Có gần 5 triệu người tử vong trên toàn cầu mỗi năm do liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc, trong đó hơn 1,2 triệu ca tử vong có nguyên nhân trực tiếp do vi khuẩn kháng thuốc.Hiện nay có 61 loại vắc xin tiềm năng phòng các bệnh do vi khuẩn kháng thuốc, trong đó nhiều loại vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối dù sẽ không sớm được triển khai ra thị trường. Bác sĩ Hanan Balkhy, trợ lý tổng giám đốc WHO về vi khuẩn kháng thuốc, cho biết lý do cần phát triển vắc xin là vì vắc xin ngăn ngừa lây/nhiễm bệnh, từ đó nhu cầu sử dụng kháng sinh - vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc - sẽ giảm. Hiện nay, theo bà Balkhy, trong số 6 mầm bệnh do vi khuẩn có thể gây chết người, chỉ có bệnh do phế cầu khuẩn là có vắc xin phòng ngừa. "Tiếp cận công bằng và hợp lý với các loại vắc xin là cần thiết để cứu người và giảm thiểu sự gia tăng của bệnh do vi khuẩn kháng thuốc" - bà nhấn mạnh.Bác sĩ Haileyesus Getahun, giám đốc Cơ quan điều phối toàn cầu về vi khuẩn kháng thuốc của WHO, cho rằng cần có những cách tiếp cận đột phá để làm phong phú thêm và đẩy nhanh quá trình phát triển vắc xin. Cụ thể, các bài học từ quá trình phát triển vắc xin COVID-19 một cách thần tốc có thể vận dụng vào lĩnh vực phát triển vắc xin chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, WHO cho rằng còn nhiều thách thức trong đổi mới và phát triển vắc xin chống bệnh nhiễm trùng như khó xác định quần thể mục tiêu trong số các bệnh nhân nhập viện, thiếu kinh phí, sự phức tạp trong tiến hành thử nghiệm chứng minh hiệu quả của vắc xin. Tags: Dịch covid-19Kháng sinhKháng kháng sinhCovid-19Vi khuẩn kháng thuốc
Ông Vũ Hồng Văn làm bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Công nhân về quê từ tờ mờ sáng trên những chuyến xe miễn phí HÀ QUÂN 25/01/2025 Tờ mờ sáng 25-1, hơn 1.000 công nhân và gia đình về quê trong chương trình chuyến xe hạnh phúc hoàn toàn miễn phí do công đoàn tổ chức.