Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Hoàng nhỏ hơn tôi hai tuổi, học dưới tôi ba lớp nhưng lại cao hơn tôi cả một cái đầu. Tôi không buồn trách chuyện thấp con hơn Hoàng vì dù sao tôi là con cưng của tía má nên tôi còm nhom, ốm tong teo, nhỏ con, lùn hơn Hoàng cũng phải thôi. Hoàng bươn chải sớm, chăm sóc ông nội bệnh lao nặng ở tận bưng biền sâu trong xã nên to xác cũng là lẽ thường!
Hoàng không kể gia cảnh gia đình Hoàng cơ cực thế nào, ba má chạy ghe mướn khi thì chở trái cây, chở tro trấu tuốt trên Sài Gòn, có khi cả tháng không gặp mặt. Hoặc khi họ về, tính gặp con một chút thì Hoàng đang phải khom lưng cắt lúa mướn cho xóm trên ruộng dưới ở trong xã, hoặc có khi quét dọn vườn xoài, vườn mận ở cù lao nào xa xa ở xóm bên. Gọi trắng ra là làm mướn, ai thuê gì làm nấy! Khi về tới nhà, Hoàng chỉ kịp thổi bếp nấu vài lon gạo, kho ơ cá sặc rồi ngồi khoanh chân ăn với ông nội trên chiếc giường tre cũ rích bên hiên nhà. Lúc đó, tía má Hoàng đã xuống bến để bắt đầu một chuyến ghe khác, cho kịp giờ. Hoàng nhìn vội trên bàn là một vài trái thanh long đỏ ửng, dưới dĩa sứ là ít tiền nhàu nát đã được má vuốt gọn lại… Không cần dặn Hoàng cũng biết sẽ dùng số tiền đó để trang trải một vài thứ cho nội, cho bản thân mình trong vài ngày tới, có khi tận cả tháng.
- Hoàng mượn tiền làm gì?
- Thì kẹt quá nên mượn. Cho mượn đi, mai mốt tui trả.
- Mai mốt là chừng nào?
- Thì mai mốt tui đi làm có tiền tui trả cho. Tui đang cần.
Không suy nghĩ một phút, tôi đập bể con heo đất và gom hết mớ tiền lẻ đưa cho Hoàng. Tổng cộng có hai trăm sáu mươi bảy ngàn, nhưng Hoàng đếm kỹ từng tờ, sắp gọn lại rồi nhất quyết chỉ mượn hai trăm ngàn, mặc dù tôi là chủ nợ phải năn nỉ: “Thôi cầm hết đi, mua gạo và lo cho ông nội!”.
Hồi đó ông nội Hoàng và ông ngoại tôi là chỗ quen biết, đi kháng chiến chung, anh em cột chèo chí thân chí cốt gì đó, kể ra dài dòng lắm. Đến đời tôi, tôi cảm thấy Hoàng là người bạn rất tốt, đáng để kết thân và sẽ cố gắng giúp. Tôi nói khỏi trả, má tôi cho đó nhưng Hoàng vẫn khăng khăng hẹn ngày trả, miệng chắc nịch hứa sẽ trả vốn lẫn lời luôn. Cái hẹn ban đầu là qua rằm tháng giêng, sau đến mùa so đũa trổ rợp bông rụng trắng mặt ao, rồi đến mùa cá linh chen chúc kéo về, mùa điên điển nở vàng rực một góc, trôi qua cả mùa nước nổi vẫn chẳng thấy đâu. Tôi cũng không còn bận tâm thắc mắc, nhắc tới vì tôi hiểu Hoàng như con cá sặc ngoi ngóp giữa những mùa vất vả chạy đôn chạy đáo lo cho nội, cho gia đình!
Nghe tin Hoàng bỏ học dở dang, má tôi đến tận nhà hỏi chuyện. Hoàng trốn phía sau nhà, bằm rau muống cho vài con vịt xiêm ăn, tai thì chắc hóng hớt trên này nghe má và ông nội nói chuyện. Giọng nội yếu, chen ngang là những quãng nghẹn nghẹn, buồn thiu.
- Vợ chồng nó mùa này làm ăn không được, bỏ ghe luôn rồi, ở trên Sài Gòn làm thuê làm mướn gì đó. Vợ thì ở đợ nấu cơm cho xí nghiệp may, chồng thì phụ hồ. Bữa trước, hai đứa có nhắn mấy người đi ghe cũ về nói với tôi đợi tháng sau gửi tiền về, kêu thằng Hoàng đừng bỏ học…
Má tôi kêu Hoàng lên nói chuyện. Đến tiếng thứ tư, thứ năm, Hoàng mới chịu lên. Dạo này Hoàng ốm nhiều đi. Má tôi kéo tay Hoàng về phía lòng mình, vuốt mái tóc cháy nắng:
- Sao, bây khờ quá! Nghỉ học chi vậy? Bộ mai mốt định để người ta khinh thường mình hả? Bây đi học lại đi, thím lo cho bây…
Hoàng sĩ diện nhẹ vì câu nói của má tôi, lắc đầu, nước mắt lấm lem.
- Con không cần! - Hoàng trả lời cộc lốc, con nít.
- Bây làm vậy tía má bây biết sẽ buồn lắm…
- Kệ! Buồn thì mai mốt con lên Sài Gòn phụ tía má…
Đến cuối buổi chiều, chỉ loanh quanh vài mẩu chuyện của Hoàng mà cũng không có kết quả gì. Nhá nhem tối, má tôi giận quá bỏ về. Tôi cũng không thèm nhìn mặt! Vì Hoàng không nghe lời má, để tôi lủi thủi mất đi một người bạn. Tôi nghĩ, phải ép Hoàng vào thế bí, bắt trả nợ cho tôi, không có thì phải đi học… Đó cũng là một cách.
Ngày hôm sau, tan trường, tôi về nhà, định cất cặp sách xong là vào nhà Hoàng ngay. Chưa đến cổng đã nghe tiếng Hoàng nói chuyện với má. Tay Hoàng cầm cặp lờ, bên trong vài con cá sặc lớn cỡ hai ba ngón tay nhảy lạch tạch.
- Thím để dành ăn! Ăn không hết phơi khô!
Má tôi luôn miệng khen Hoàng giỏi, nói bây sao tài quá, đặt lờ được chừng này cá thì đem xuống chợ bán, lấy tiền lo cho ông nội.
- Không! Con biếu thím đó! Mai con đi Sài Gòn rồi!
- Gì! Bây giỡn à? Lên đó mần gì?
- Dạ con nói má rồi! Con lên phụ má trước, để má cực quá. Kiếm tiền rồi mai mốt đi học!
Điệu bộ con nít giả giọng người lớn của Hoàng khiến má tôi giận chửi:
- Bây khùng, đi vầy sao mà được, ở nhà ông nội bây ai lo?
- Dạ! Ông nội về Vĩnh Long ở với mấy dì! Nội chịu rồi! Tía con cũng biết, nói giờ nghèo phải chịu vậy!
Tự nhiên, mắc chứng gì tôi nhảy cẫng lên, chen ngang lúc Hoàng đang phân bua với má.
- Nhưng tui không chịu! Trả nợ tui đi rồi đi đâu thì đi!
- Ờ thì tui đi làm có tiền rồi trả cho! Tui đâu có quỵt - Hoàng ngước mắt, miệng cười tròn trịa.
- Không! Trả liền rồi muốn đi đâu rồi đi! Ai biết được…
Tôi bỏ lửng câu nói khiến mặt Hoàng buồn thượt như lá mắc cỡ đụng nhẹ đã rũ rượi đi thấy rõ. Có vẻ như tôi chưa kịp uốn lưỡi vài lần thì cảm xúc đã buộc miệng tôi phải nói ra như vậy! Tôi muốn nói ngay một câu xin lỗi nhưng còn cứng miệng quá!
- Tui hứa mà, không quỵt đâu! - Giọng Hoàng mỏng, nhẹ và đìu hiu.
Má tôi thấy vậy, đứng giữa giải hòa:
- Thôi! Hoàng nó quyết định rồi! Với lại ý của tía má nó cũng vậy! Bây đừng làm quá! Coi kỳ…
- Hoàng mới kỳ!
- Kỳ gì! Tui gửi lại con Bông Gòn làm tin! Ở nhà chăm sóc nó giùm tui!
Bông Gòn là con chó mà tôi và Hoàng mua dưới chợ. Người ta để đám chó con nheo nhóc trong chuồng, thích con nào thì đưa tay chỉ. Chần chừ, lựa tới lựa lui cả mười lăm phút sau mới có thể chọn được con chó lông trắng muốt như cục bông gòn, giá hơi mắc. Hai đứa mần gì mà đủ tiền! Không mua thì tiếc nên tôi chạy đến sạp quần áo của má xin thêm ít tiền. Đó! Kể ra con Bông Gòn cũng là tài sản của tôi mà giờ Hoàng lại đem nó ra làm vật cầm cố! Vậy có kỳ không!?
Nhưng kể ra tôi cũng hơi quá đáng!
Hồi đó tôi nuôi được vài bữa, Bông Gòn lăn đùng ra bệnh, ói mửa, tàn tạ như… bông bụp. Tôi tưởng nó sẽ không qua khỏi. Hoàng nói để Hoàng thay tôi chăm sóc nó. Hoàng đem về nhà, cho uống nước cơm nấu bằng củi, đào thêm củ gừng ngoài vườn giã lấy nước cho nó uống. Hình như mát tay hay sao đó, Bông Gòn tỉnh hẳn, đổi tính đổi nết, mến chân mến tay Hoàng lúc nào chẳng hay. Suốt ngày nó cứ theo Hoàng đi hết chỗ này chỗ nọ. Những lần đi tát đìa, nó làm mình làm mẩy dưới ruộng, chạy rượt cá… Mỗi lần như vậy Hoàng rất vất vả để tắm rửa lớp bùn sình ướm đen người nó… Ngay cả những lúc Hoàng đi bộ từ nhà xuống chợ mua gạo, nó cũng đi theo phía sau. Một chủ một tớ trông thật buồn cười!
Sáng hôm sau, Hoàng giữ lời hứa đưa con Bông gòn sang nhà tôi. Hoàng âu yếm vuốt lông nó, dặn: “Ở nhà ngoan với chủ mới nha! Tao đi rồi lâu lâu về thăm mày. Mai mốt chủ mới sẽ kiếm cho mày thêm một con Bông Gòn đực nữa…”.
Nghe buồn thiu. Má tôi dúi vào túi Hoàng ít tiền. Hoàng nhận, nói mai mốt về trả. Má tôi ký đầu Hoàng: “Bây bày đặt quá! Mai mốt về trả gấp đôi”.
Hoàng quảy cái giỏ cũ rích đi lẹp xẹp. Đến đầu ngõ, tôi nói vọng: “Nhớ về sớm trả nợ đó!”.
Nghe giọng tôi the thé, Hoàng ngoảnh đầu lại cười cười lém lỉnh, gật gù: “Biết rồi!”.
Chiều xuống, xóm chợ buồn tênh! Mấy ngày nữa lại trôi qua, hai má con tôi cứ hay nhắc: “Không biết giờ này thằng Hoàng đang làm gì?”. Lặng thinh!
Còn con Bông Gòn thường hay tha thẩn đầu ngõ, đến tối mới thấy về nằm bên hiên nhà!
Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận