31/08/2019 09:30 GMT+7

Nợ học phí dai dẳng: Sinh viên than, trường kêu 'khổ'!

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Theo quy định, học phí đóng từng học kỳ nhưng nhiều sinh viên vẫn vô tư nợ học phí nhiều năm. Và rồi cuống cuồng khi trường thông báo cấm thi.

Nợ học phí dai dẳng: Sinh viên than, trường kêu khổ! - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang xoay đủ kiểu để trả nợ... học phí - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Những ngày qua, nhiều sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đứng ngồi không yên trước áp lực xoay đủ số tiền học phí còn thiếu trước hạn nhà trường hủy kết quả thi. Không ít sinh viên hiện đang gánh nợ đến hàng chục triệu đồng.

Vay tiền đủ nơi

Bạn P.T.T., sinh viên năm cuối, bày tỏ việc cả tuần nay đã hỏi mượn tiền bạn bè, người quen để trả nợ khoản học phí lên đến 22,5 triệu đồng.

Đây là số tiền học phí T. đã nợ sau 3 năm học bao gồm cả hai học kỳ hè. T. nói: "Năm nhất mình đóng học phí đầy đủ, nhưng bắt đầu từ năm 2, nghe nói học phí không bắt buộc nộp theo từng học kỳ mà chỉ cần hoàn tất trước khi xét tốt nghiệp là được nên chậm trễ, dồn cả 3 năm học còn lại đóng một lần".

Ngày 23-8 vừa qua, phòng đào tạo nhà trường ra thông báo về việc hủy kết quả thi đối với sinh viên chưa hoàn thành học phí.

Thông báo ghi rõ: mọi trường hợp sinh viên chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp học phí năm học 2018-2019 trở về trước phải hoàn thành việc đóng học phí từ ngày 26-8-2019 đến 6-9-2019. Sau thời gian trên, sinh viên nào chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp học phí sẽ bị hủy kết quả thi.

Dù đã có việc làm nhưng gom góp tiền lương vẫn còn thiếu quá nhiều so với khoản nợ học phí, T. và một bạn khác đã tính đến việc vay vốn tiêu dùng tín chấp từ ngân hàng nhưng vẫn không đủ điều kiện được vay.

Số sinh viên đang phải tìm cách trả nợ học phí từ năm thứ hai đến năm cuối như T. không ít. Lý do? Có bạn nói "ngại xếp hàng đóng học phí" (?!). Có bạn rớt nhiều môn nên nợ tiền nhiều.

Như bạn B.T.U.H. hiện nợ trường đến 25 triệu đồng, H. quyết định bỏ luôn và chấp nhận không tốt nghiệp.

Thậm chí, sinh viên học hệ chất lượng cao như P.P.T. (22 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nợ đến 30 triệu đồng.

Trên mạng xã hội, không ít sinh viên than vãn chuyện học phí và phương cách kiếm tiền để trả nợ đúng hạn để được ra trường sau 4 năm ĐH.

Trách nhiệm của sinh viên

TS Ngô Thị Thu Trang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết qua rà soát, còn rất nhiều sinh viên chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí, trong đó không ít bạn nợ hơn một học kỳ, nên phòng đào tạo đã ra thông báo nhắc nhở.

Theo cô Trang, cách đóng học phí của nhà trường vẫn không thay đổi. Về nguyên tắc, sinh viên không hoàn thành học phí sẽ bị cấm thi sau mỗi học kỳ nhưng nhà trường thường không nỡ nên nhiều bạn vẫn được cho thi.

"Khi trường tạo điều kiện lại thành dễ dãi, thương sinh viên lại làm cho các em không thực hiện quy định, nề nếp" - cô Trang nói.

Cô Trang cho biết thêm, kể từ năm học 2019-2020, chỉ những sinh viên hoàn tất việc đóng học phí mới có tên trong danh sách kiểm tra, dự thi và xét tốt nghiệp.

Ngoài đợt đóng học phí đầu học kỳ, trước thời gian thi cuối kỳ khoảng 1 tháng trường sẽ thông báo cho sinh viên hoàn thành nốt khoản tiền trên trong vòng 2 tuần. Sau đó, trường sẽ chính thức chốt danh sách sinh viên dự thi.

Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết hoàn thành học phí là trách nhiệm và nghĩa vụ của sinh viên.

Thời gian qua, cách quản lý của nhà trường chưa chặt chẽ về vấn đề học phí nên đã để xảy ra tình trạng sinh viên còn nợ học phí liên tục trong nhiều học kỳ.

"Những sinh viên khó khăn luôn có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ, vay vốn từ nhà trường để đảm bảo không sinh viên nào bỏ học vì không thể đóng học phí" - TS Hạ nói.

Nhiều trường cũng đau đầu

Hằng năm, khi các trường ĐH tiến hành rà soát công nợ, không ít đơn vị có chung tình cảnh: tổng tiền học phí sinh viên đang nợ lên đến hàng tỉ đồng.

Chẳng hạn, tháng 10-2018 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã công bố danh sách sinh viên nợ học phí học kỳ 1 năm học 2018-2019, hơn 2.500 sinh viên chưa đóng học phí với số tiền hơn 6 tỉ đồng.

Trường buộc phải khuyến cáo: nếu không hoàn thành đúng hạn, sinh viên có thể bị cấm thi cuối học kỳ 1.

Trước đó, năm học 2017-2018, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã mạnh tay ra quyết định đình chỉ học tập học kỳ 1 đối với 159 sinh viên hệ chính quy vì không đóng học phí học kỳ 2 năm học trước (2016-2017).

Lãnh đạo một trường ĐH lớn ở TP.HCM cho biết khoảng 12% sinh viên trong trường còn nợ học phí, trường cũng đã không quyết định cấm thi hay đình chỉ mà vẫn cho sinh viên học tập và thi cử với cam kết phải hoàn thành học phí mới được ra trường.

"Sinh viên nợ học phí chủ yếu là sinh viên ở các khóa trước, với gần 2.000 sinh viên, nhiều em đã bỏ học. Thu tiền sinh viên bỏ học rất khó khăn. Còn các trường hợp bị đình chỉ hay buộc thôi học không phải vì nợ học phí mà là do kết quả học tập quá kém (theo quy chế đào tạo tín chỉ)".

ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết trường không yêu cầu sinh viên đóng học phí ngay từ đầu học kỳ như nhiều trường khác mà chỉ quy định hoàn thành nghĩa vụ hạn chót là 2 tuần trước khi thi, điều này giúp sinh viên có thời gian dài hơn xoay xở tiền học.

Nhưng sinh viên đã nộp học phí mới có tên trong danh sách dự thi, những bạn không thực hiện nghĩa vụ học phí sẽ không được vào phòng thi. "Những trường hợp khó khăn có thể làm đơn để được gia hạn thêm 1 tuần" - ThS Hiển nói.

ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết sau hơn 1 năm siết chặt, tình trạng nộp học phí của sinh viên đã được cải thiện đáng kể, số sinh viên nộp đúng hạn đã tăng lên.

"Trường luôn có những sự hỗ trợ cho sinh viên trong những lúc khó khăn chưa kịp đóng học phí. Đồng thời, trường thường xuyên nhắc nhở sinh viên thực hiện nghĩa vụ học phí..." - ThS Sơn nói.

“Em xin nợ học phí được không?” “Em xin nợ học phí được không?”

TTO - Hai triệu đồng học phí đại học mà không có đủ, chỉ có 1,5 triệu đồng, nên cô gái phải xin “cho em thiếu nợ được không thầy?”.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên