30/10/2014 11:41 GMT+7

​Nợ công trong giới hạn cho phép

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Chiều 29-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2014.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí (V.V.T)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí (V.V.T)

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp, lãnh đạo một số bộ ngành đã trình bày các vấn đề liên quan đến nợ công, nợ xấu. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn an toàn.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8% có thể đạt được và nhiều khả năng có thể cao hơn, lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%.

Về nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ nợ công của quốc gia hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP).

Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong chiến lược nợ công.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỉ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.

Thủ tướng cho biết sẽ ban hành chỉ thị về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.

Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9-2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Như vậy, từ khi triển khai đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10-2014, cả nước đã giảm tỉ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%, giảm từ khoảng 460.000 tỉ đồng xuống còn 252.000 tỉ đồng (giảm 54,3%).

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên