20/05/2019 17:27 GMT+7

Nợ công tăng thêm, ngân sách chưa có dư để trả nợ

N.AN
N.AN

TTO - Nợ công tăng thêm của năm 2017 là 204.413 tỉ đồng và tiếp tục tăng trong khi ngân sách trung ương chưa có thặng dư để trả nợ. Việc ứng trước dự toán ngân sách lớn, có xu hướng tăng khiến nghĩa vụ bố trí ngân sách khó khăn.

Nợ công tăng thêm, ngân sách chưa có dư để trả nợ - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải: Thặng dư ngân sách chưa có để trả nợ trong khi quy mô nợ công tiếp tục tăng - Ảnh: Quochoi.vn

Thông tin được ông Nguyễn Đức Hải - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội - đưa ra trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 trình bày trước Quốc hội chiều 20-5.

Theo báo cáo, bội chi ngân sách năm 2017 là 136.963 tỉ đồng, bằng 2,74% GDP, giảm so với dự toán được giao là 41.337 tỉ đồng và 0,76% so với GDP. Điều đó cho thấy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi.

Ứng trước tăng thêm, khó thu xếp nguồn trả nợ

Tuy nhiên, bội chi ngân sách năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chứ chưa phải do tiết kiệm chi để giảm vay.

Thực tế, vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỉ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỉ đồng.

Do đó, Ủy ban Tài chính - ngân sách kiến nghị Chính phủ lưu ý để quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả hơn.

Về quản lý nợ công, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát, dư nợ công năm 2017 là 3 triệu tỉ đồng, bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép. Nhưng báo cáo vẫn chỉ ra: tổng số nợ công tăng thêm so với năm 2016 là 7,13%, tương đương số tiền 204.413 tỉ đồng, cho thấy quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm.

Trong khi đó, ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ, nhưng ứng trước dự toán ngân sách lớn khi hết năm 2017 là 86.339 tỉ đồng, có xu hướng tăng, nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau...

"Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách", báo cáo thẩm tra nhận định.

Bội chi ngân sách năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa phải do tiết kiệm chi để giảm vay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Trước đó, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 do ông Hồ Đức Phớc - tổng Kiểm toán Nhà nước - trình bày cũng đánh giá dự toán chi thường xuyên của một số địa phương chưa phù hợp, không sát thực tế, sai quy định.

Đặc biệt, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện; nghiệm thu, thanh và quyết toán... khi chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư.

Nợ công tăng thêm, ngân sách chưa có dư để trả nợ - Ảnh 3.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều dự án BOT, BT làm thất thoát tài sản

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai, tăng tổng mức đầu tư.

Có dự án được phê duyệt sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ nhưng không đúng nội dung được sử dụng theo quy định.

Các dự án BOT cũng chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu. Năm 2017 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án.

Trong khi đó, kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai.

Theo cơ quan kiểm toán, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Trong khi đó, hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng đây chính là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách. Bởi kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.

Năm 2017 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng tại 30 dự án.

Chính phủ thúc giục thanh toán không dùng tiền mặt, đấu thầu qua mạng

TTO - Trong 7 giải pháp mà Chính phủ đề ra để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế những tháng còn lại của năm 2019 và các năm sau, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh ưu tiên là các giải pháp "số hóa", đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0