TTCT số 38 ngày 1-10-2017 có bài viết nói về “vòng tròn nghiệt ngã” dẫn đến nợ công. Xin cung cấp thêm một góc nhìn khác về những gì đã “đóng góp” cho nợ công. Hãy thử tưởng tượng, bạn muốn đi kinh doanh mà không có tiền. Bạn tìm đến ông hàng xóm để vay tiền. Sau khi nghe bạn trình bày, ông ta thấy rằng dự án kinh doanh của bạn quá rủi ro, bạn lại thiếu năng lực để quản lý dự án đó. Biết bạn có người bà con giàu có, ông ta đòi phải có bảo lãnh của người bà con thì mới cho bạn vay. Nếu bạn làm ăn có lãi, bạn tự trả tiền nợ. Nếu bạn làm ăn thua lỗ, người bà con của bạn sẽ phải đứng ra trả thay. Do tâm lý đằng nào cũng sẽ có người trả nợ thay, nên bạn chẳng cần phải lo kinh doanh lãi để kiếm tiền trả nợ. Mà kể cả kinh doanh có lãi, bạn cũng sẽ cố gắng báo thành lỗ để moi được thêm tiền của người bà con. Câu chuyện của những dự án do các doanh nghiệp (DN) nhà nước kinh doanh được Chính phủ bảo lãnh cũng gần tương tự. Chuyện các dự án được bảo lãnh lỗ là chuyện thường tình ở Việt Nam. Việc bảo lãnh chính phủ ở các nước khác được thực hiện rất hãn hữu chứ không dàn trải như ở Việt Nam thời gian qua. Theo bản tin quản lý nợ công của Bộ Tài chính, dư nợ bảo lãnh chính phủ của Việt Nam đã tăng từ 11,935 tỉ USD năm 2010 lên đến 20,791 tỉ USD năm 2015. Tức là chỉ sau khoảng 5 năm, dư nợ bảo lãnh chính phủ tăng 74,2%, trung bình ở mức 11,7% mỗi năm. Trong đó, dư nợ nước ngoài tăng từ mức 4,733 tỉ USD lên mức 11,314 tỉ USD cũng trong giai đoạn 2010-2015, tăng gấp 2,4 lần, trung bình 19% mỗi năm. Tuy nhiên, có một con số khá quan trọng mà những người làm bản tin này đã không đưa vào, đó là trong tổng số 18,565 tỉ USD trả nợ bảo lãnh từ năm 2011-2015, bao nhiêu tiền trong đó là do các DN nhà nước tự trả, bao nhiêu trong đó là phải lấy từ ngân sách để trả cho những dự án thua lỗ. Điều gì khiến cho bảo lãnh chính phủ tăng phi mã trong giai đoạn vừa qua? Có lẽ cần nhìn lại vào những quy định của pháp luật . Quy trình bảo lãnh chính phủ thông thường sẽ diễn ra như sau: (1) Doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực đó lập dự án, nộp hồ sơ xin bảo lãnh. Dự án phải đáp ứng một số điều kiện: - Thuộc danh mục ưu tiên bảo lãnh. - Phải có vốn đối ứng chủ sở hữu ít nhất 20% dự án. - Tình hình tài chính lành mạnh. - Phải nằm trong hạn mức bảo lãnh chính phủ hằng năm. (2) Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng quyết định chủ trương bảo lãnh. (3) Sau khi Thủ tướng quyết định chủ trương bảo lãnh, doanh nghiệp nhà nước đàm phán hợp đồng với bên cho vay. (4) Hợp đồng vay được trình cho Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt nội dung thư bảo lãnh. Các quy định quá dễ dãi về thẩm quyền, đặt ra nhiều ngoại lệ đã là những kẽ hở khiến bảo lãnh chính phủ tăng nhanh, kéo theo nhiều dự án kém hiệu quả. Theo quy định của Luật quản lý nợ công 2009 và nghị định 15/2011/NĐ-CP, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấp bảo lãnh là rất lớn. Mặc dù có quy định dự án phải thuộc danh mục lĩnh vực được ưu tiên bảo lãnh, nhưng vẫn mở ra trường hợp ngoại lệ. Thủ tướng có thể cho phép bảo lãnh dự án không thuộc danh mục trên. Mặc dù quy định chủ dự án phải có ít nhất 20% vốn đối ứng, nhưng lại cho phép miễn áp dụng quy định này nếu được Thủ tướng cho phép. Nói cách khác, trước năm 2017, Thủ tướng có thể cho phép bảo lãnh một dự án mà không cần bất kỳ một đồng vốn đối ứng nào. Mặc dù có quy định hạn mức bảo lãnh chính phủ, nhưng nếu có dự án xin bảo lãnh vượt quá hạn mức thì Thủ tướng có quyền điều chỉnh hạn mức. Bộ Tài chính phải thẩm định hồ sơ về khả năng trả nợ, nhưng nếu dự án được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thì có thể đi tắt mà không cần được thẩm định... Với một quy trình nhiều ngoại lệ như vậy, bảo lãnh tăng nhanh là điều dễ hiểu. Ngay từ khi ban hành nghị định 04/2017/NĐ-CP và chuẩn bị dự thảo Luật quản lý nợ công mới, các vấn đề này đã được nghiên cứu sửa đổi theo hướng siết chặt về điều kiện và thẩm quyền. Danh mục dự án được xem xét bảo lãnh sẽ do Chính phủ ban hành, chứ không phải là Thủ tướng nữa, và cũng không cho phép dự án nằm ngoài danh mục được phép chen ngang như trước đây. Hạn mức bảo lãnh chính phủ, mặc dù vẫn do Thủ tướng ban hành, nhưng đã bị khống chế không được phép tăng quá tốc độ tăng của GNP năm trước đó. Quy định vốn đối ứng 20% là bắt buộc và không có ngoại lệ. Dự thảo luật cũng chuyển toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương bảo lãnh cho Chính phủ và không cho phép bất kỳ một dự án nào được bảo lãnh khi chưa được thẩm định về khả năng trả nợ. Trước những sửa đổi trên, người viết có dịp trao đổi với cán bộ tài chính của một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, nơi đang được thụ hưởng rất nhiều khoản vay bảo lãnh chính phủ. Vị cán bộ đó cũng thừa nhận việc siết chặt điều kiện nhận bảo lãnh chính phủ sẽ khiến họ gặp khó trong việc huy động vốn cho các dự án đầu tư, và có thể dẫn đến việc phải vay thương mại với lãi suất cao. Nhưng cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, đó là một điều cần thiết.■ Tags: Nợ côngBảo lãnh chính phủ
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Tin tức thế giới 13-4: Ông Trump gia hạn trừng phạt Nga; Mỹ muốn tự chủ công nghệ chủ chốt TRẦN PHƯƠNG 13/04/2025 Nhà Trắng nói Mỹ sẽ không phụ thuộc Trung Quốc về công nghệ chủ chốt; Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran 'tích cực'; Israel mở rộng tấn công Dải Gaza.
Tin tức sáng 13-4: Giá rao bán chung cư ở Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng 20-30%? BÌNH KHÁNH 13/04/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Công ty chứng khoán sẵn sàng 'go live' KRX; Tổng giám đốc Chứng khoán Tiên Phong rời 'ghế nóng'; Một công ty bất động sản ở TP.HCM 'ém' nhiều thông tin về trái phiếu.
Giải bài toán giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có nhà ga T3 PGS.TS PHẠM XUÂN MAI 13/04/2025 Nguy cơ kẹt xe sẽ lớn hơn ở các tuyến đường và 8 nút giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất nếu không có hệ thống công cộng hỗ trợ.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.