04/11/2015 08:56 GMT+7

Nợ công dự kiến lên 2,7 triệu tỉ đồng năm 2015

V.V.THÀNH (thanhvv@tuoitre.com.vn)
V.V.THÀNH ([email protected])

TT - Đó là con số Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn nêu lên trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 3-11.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn - Ảnh: Việt Dũng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn - Ảnh: Việt Dũng

Đăng đàn tại Quốc hội chiều 3-11, ôm chồng tài liệu về ngân sách nhà nước dày gần một gang tay, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu: “Cầm tập tài liệu này, đọc kỹ, tôi nói thật là không biết cắt của ai, chia cho ai, tăng lương lấy đâu ra?”.

Đã có 22 đại biểu đăng ký thảo luận trong bốn giờ làm việc của Quốc hội xung quanh các vấn đề về ngân sách.

Đa số đều bày tỏ lo lắng trước tình hình khó khăn hiện nay, trong đó đại biểu Trần Du Lịch nói thẳng: “Chúng ta không ổn về nguyên tắc ngân sách”.

Theo ông Lịch, thông thường “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng VN chưa phú quý đã có rất nhiều khoản chi hội hè cần phải cắt giảm.

Rồi các khoản chi về xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, không phải là chi đầu tư, xây dựng cơ bản mà là chi tiêu dùng nhưng vẫn cứ ghép vào chi đầu tư, xây dựng cơ bản “để rồi vung tay”.

Đã đến lúc chúng ta phải tự giác thắt lưng buộc bụng, trước khi bị buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của định chế tài chính nước ngoài

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội TRẦN VĂN

Cần tự giác “thắt lưng buộc bụng”

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Trần Văn đưa ra những nhận định và số liệu nóng: Chúng ta mất cân đối ngân sách nhà nước kéo dài, bội chi từ 112.000 tỉ đồng năm 2011 lên đến 226.000 tỉ đồng năm 2015. Đó là chưa kể nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư để ngoài cân đối ngân sách và giải ngân nguồn vốn ODA.

Cũng theo ông Trần Văn, nợ công của nước ta tăng rất nhanh, bình quân khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm qua, từ 1,3 triệu tỉ đồng năm 2011 lên đến dự kiến 2,7 triệu tỉ đồng năm 2015.

Trong khi đó từ năm 2013 đến nay, ngân sách không cân đối được đủ nguồn để trả lãi nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả, mà phải vay nợ mới để trả một phần nợ cũ.

Năm 2013, lần đầu tiên vay đảo nợ với 40.000 tỉ đồng, năm 2015 là khoảng 125.000 tỉ đồng. Sự bị động của ngân sách nhà nước đã thể hiện qua việc phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi tài sản đang sinh lời, phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay nước ngoài trả trong nước, huy động cả cổ tức của doanh nghiệp nhà nước để đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

“Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi đến hạn chúng ta không trả nợ được và phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ” - ông Trần Văn nói.

Nhấn mạnh an ninh tài chính quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào cách giải quyết vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, ông Trần Văn đề nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện giải pháp mạnh là “đóng băng” mức bội chi ngân sách nhà nước 254.000 tỉ đồng năm 2016 cho ba năm kế tiếp, thay vì tăng hằng năm theo tỉ lệ phần trăm so với GDP, qua đó giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách.

Đồng thời, “đóng băng” biên chế bộ máy quản lý nhà nước trong 3 năm, để đánh giá và xác định vị trí việc làm của cán bộ, công chức, giảm mạnh biên chế trong những năm tiếp theo.

Một biện pháp mạnh nữa được ông Trần Văn nêu ra là dừng tuyệt đối việc xây dựng mới các công trình không cần thiết, không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bằng mọi cách phải tăng lương

Trong tình hình ngân sách căng thẳng, các ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy nhu cầu chi đang rất lớn.

Đối với khoản vốn hơn 14.000 tỉ đồng còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chi cho một số công trình giao thông đi qua địa phương.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng thể hiện sự quyết liệt trong ý kiến của mình: “Năm 2016, bằng mọi cách phải tăng lương cho cán bộ, công nhân viên theo lộ trình. Không tăng chi thường xuyên, nhưng phải giảm hội họp để lấy tiền tăng lương”. Nếu không tăng lương, ông Tùng nêu câu hỏi là cán bộ, công chức sống như thế nào hay là một bộ phận lại đi đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bằng cách đòi “bôi trơn”?

Về đề xuất của Chính phủ, trong hai năm 2015 và 2016 bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thu về khoảng 40.000 tỉ đồng, trong đó xử lý giảm thu cân đối ngân sách trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỉ đồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng không tán thành.

“Sử dụng số tiền này theo kiểu như vậy thì không khác nào ăn vào vốn cố định, bán vốn doanh nghiệp nhà nước là để chuyển vào đầu tư lĩnh vực khác hiệu quả hơn chứ không phải để tiêu. Để xử lý hụt thu, tôi đề xuất ba giải pháp, trong đó đầu tiên là xử lý tốt nợ đọng thuế” - ông Hùng nói.

Là đại biểu đăng đàn cuối cùng trong phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu vấn đề liên quan đến phát hành 3 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế. Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Kiên cho rằng nếu đất nước cần thì chúng ta phát hành, nhưng phải phát hành theo luật định và xem xét kỹ là có thực rẻ hơn vay trong nước hay không. Theo ông Kiên, nếu so sánh các yếu tố liên quan trong đó có yếu tố tỉ giá thì “chưa chắc đã rẻ”.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến việc kiên quyết cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi thường xuyên, để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Nông nghiệp đang gặp khó khăn

Trình bày về một số vấn đề liên quan tới nông nghiệp, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết năm 2015, khả năng sản lượng lúa chỉ tăng 500.000 tấn, rất thấp so với mức tăng 1,6 triệu tấn năm 2014.

Xuất khẩu nông nghiệp cũng giảm 5% vì năm mặt hàng chủ lực là gạo, cà phê, cao su, tôm và cá tra giảm rất mạnh.

Phải tạo động lực phát triển mới

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 3-11, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng đang có bốn hạn chế của nền kinh tế phải khắc phục. “Thứ nhất, tổng đầu tư xã hội đang giảm.

Thứ hai, nông nghiệp gần như đã chạm trần tăng trưởng. Thứ ba, kinh tế phục hồi nhưng thời gian qua doanh nghiệp “chết” quá nhiều, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì vẫn tồn tại và có lãi.

Nếu chỉ dựa vào FDI thì sẽ mất cân đối vì GDP tăng nhưng lợi tức quốc gia giảm. Và thứ tư, đất nước đang vướng vào chi ngân sách quá nhiều, nợ công thâm thủng, Bộ Tài chính đang phải giật gấu vá vai và không còn dư địa để kích cầu” - ông Lịch nói.

Để tạo động lực phát triển mới, ông Lịch đề nghị: “Phải quan tâm các nhóm chính sách, tận dụng lợi thế ổn định để phát triển. Để kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán để tăng tín dụng phải gấp ba lần tăng GDP. Vấn đề quan trọng hơn cả là phải giảm cho được chi thường xuyên, tái cơ cấu nợ công, kể cả phát hành trái phiếu.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - cũng dành phần lớn thời gian để trình bày kiến nghị về vấn đề “dân sự hóa” các đảo tại Trường Sa.

Theo ông Tùng, đó là một trong những biện pháp để bảo vệ vững chắc chủ quyền. Cụ thể là nối dài đường băng tại đảo Trường Sa Lớn, mở rộng các âu tàu, xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá trên khắp các đảo tại Trường Sa nhằm phục vụ việc đánh bắt, chế biến hải sản của ngư dân và tiếp đón được các máy bay dân sự cỡ lớn chở khách ra Trường Sa.

Ông Tùng cũng đề nghị: “Phải gấp rút tổ chức các tuyến du lịch ra Trường Sa, vì nhân dân đang khát khao lắm. Không vì lý do gì khác mà chúng ta không làm”.

Thông tin trước Quốc hội một số vấn đề về quốc phòng, thượng tướng Lê Hữu Đức - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định những năm vừa qua quân đội đã mua sắm nhiều vũ khí hiện đại cho hải quân, không quân, cảnh sát biển và sắp tới sẽ hiện đại lục quân...

VIỄN SỰ

V.V.THÀNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên