Phóng to |
Đếm bước chân mình
Số liệu cuối năm 2008 của Tổng công ty Đường sắt VN cho thấy sức khỏe của người tuần đường không được tốt so với nhiều công nhân khác. Qua khám định kỳ hằng năm có tới 954 nhân viên tuần đường đạt sức khỏe loại 2, hơn 800 người sức khỏe loại 3, và gần 100 người sức khỏe loại 4. Có 31,9% người mắc bệnh tai mũi họng, 18,7% mắc bệnh mắt và 7,2% mắc bệnh xương khớp. “Công nhân tuần, gác cầu, hầm đường sắt chúng tôi đa số đến tuổi 50 là đã bị bào mòn sức lực và mong muốn được nghỉ ngơi” - một công nhân tuần đường ở cung đường Lâm Giang (Yên Bái) cho biết. |
“Ban đêm ca trực thường có hai tuần đường cùng đi nhưng không được nói chuyện riêng, cứ lầm lũi đi trong đêm, đi nhiều đến mức tôi thuộc luôn cả bước đi của mình. Một cầu ray 12m, hễ bước nhanh thì mất 15 bước, bước chậm thì 18 bước, một đoạn đường bao nhiêu cầu ray, thanh ray, chỗ nào trọng tâm cần quan sát, để ý, có chỗ mặt đường yếu dễ gây sạt lở vào mùa mưa...
Những ngày đầu vào nghề cứ đếm bước chân mình hoài nản lắm, toàn những ý nghĩ tiêu cực, nhưng một vài tuần sau quen việc, quen đường lại không thể bỏ được. Cứ đến giờ lên ban là đi. Mùa nắng đỡ vất vả hơn dù nắng gió chói chang, rám cả da thịt. Mùa mưa rất cực, nếu chủ quan không mang áo mưa thì dầm mưa suốt ban trực, ướt lạnh rét thấu xương. Có những khi mưa rỉ rả suốt ngày đêm, mặc áo mưa bên ngoài, bên trong mồ hôi vẫn tuôn chảy. Rồi căn bệnh sốt rét hành hạ. Những người đã bước vào Rừng Lá ai không một lần nếm trải căn bệnh kinh niên này” - ông Nguyễn Xuân Lộc, người có hơn 17 năm trong nghề tuần đường, tâm sự.
Ông Lộc quê ở Nghệ An. Trước khi làm công nhân tuần đường, ông từng làm thợ đá. Ông nói: “Thợ đá cực khổ biết chừng nào, suốt ngày ở công trường khói bụi mịt mù, tay chân thường xuyên tóe máu nhưng tôi thấy còn đỡ cực hơn tuần đường. Hôm nào cũng phải đi, chẳng bao giờ có lấy một ngày nghỉ, nhất là những ngày lễ tết lại càng phải làm nhiều hơn, cực hơn, tăng ca thường xuyên hơn vì tàu chạy nhiều, dễ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn. Thôi ráng làm cho đến khi nào hết sức đành nghỉ hưu, nhưng đợi được đến lúc ấy thì người tuần đường đã trở thành những ông cụ mất rồi”.
Phóng to |
33 năm chưa có tết
Ít người biết ông Nguyễn Trung Nhân (cung đường Sông Phan, Bình Thuận), sinh năm 1957, có gốc gác tận Sài Gòn. Tháng 8-1975, vừa tốt nghiệp trung học với biết bao hoài bão, nhưng khi nghe Nhà nước kêu gọi phong trào tái thiết đường sắt, ông đã hăng hái ghi tên lên đường. Cùng với gần 700 thanh niên, ông đã có mặt ở địa danh Rừng Lá. Rồi từ đó đến nay, đã hơn 33 năm, ông gắn đời mình với cung đường này.
Ông Nhân bồi hồi kể: “Ngày ấy cả vùng hoang vu, những người trẻ chúng tôi chẳng biết sợ hãi là gì. Mọi người vừa bắt tay làm nhà, làm lán trại, vừa làm đường sắt. Ban ngày phát quang làm cỏ, dọn tre; ban đêm tay trong tay bên ánh lửa hồng chúng tôi sinh hoạt tập thể, hát ca đờn vũ, lấn át tiếng cọp beo, thú dữ… Từ tháng 8 đến cuối tháng 12-1975, cung đường này mới thông tuyến. Chỉ trong mấy năm sau đó nhiều anh em đã phát bệnh sốt rét ác tính buộc phải rời bỏ cung đường, một số đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Còn tôi vẫn cố đứng vững dù đã một lần bị căn bệnh sốt rét hành hạ đến rụng tóc, điếc cả hai tai”.
Hằng ngày như một người lính thực thụ, ông Nhân “lên ban” đi làm. Buổi đầu làm duy tu, sau đó chuyển sang tuần đường. Trên đôi vai ông lúc nào cũng có túi xách với đầy đủ dụng cụ của nhân viên tuần đường. Chiếc túi xách ấy đã theo ông hơn 33 năm nay. Hết ở Sông Phan, ra Suối Kiết, đến Suối Vận, Mương Mán rồi lại quay về Sông Phan. Hành trình ấy đã “ngốn” hết của ông gần 17 năm, để rồi lần quay lại Sông Phan gần đây nhất cũng đã 15 năm trôi qua. Trung bình một ngày ông đi 20km, một tháng 30 ngày sẽ là 600km, một năm 365 ngày sẽ là 7.300km. Hơn 33 năm qua với con số 240.900km thì dường như ông đã đi bộ được cả một vòng trái đất.
33 năm làm tuần đường ngang dọc khắp các cung đường trong rừng sâu, ông Nhân thuộc hết từng bất trắc, nếm trải từng gian nan, trắc trở, hiểm nguy. Và cũng ngần ấy năm chưa một lần ông được biết đến ngày nghỉ lễ, tết bên vợ con, gia đình. Bởi lúc nào ông cũng xung phong “lên ban” để anh em trẻ hơn được về nhà sum vầy. Những người bạn đồng hành với ông ở cung đường Sông Phan kể: “Khi mọi người ngủ thì ông ấy thức, khi mọi người vui chơi ông lại lầm lũi độc hành trong rừng sâu”. Còn ông Nhân thì cười buồn: “Giờ tuổi lớn sức yếu mà công việc lại đòi hỏi nhiều sức khỏe, đứng lên ngồi xuống và đi hoài. Người ta về hưu là để an hưởng tuổi già, còn những người trong ngành đường sắt như tôi về hưu là chân run, tay chống gậy, mắt mờ, tai điếc”. Giọng ông bình thản nhưng ẩn chứa bao điều xót xa.
Cung đường vẫn bền, tàu vẫn chạy, tuổi đời, tuổi nghề của người tuần đường ngày càng nhiều thêm. Những người tuần đường ở Rừng Lá vẫn ngày ngày thủy chung với cung đường, vẫn lầm lũi độc hành vì nghề nghiệp trót mang, vì bổn phận, trách nhiệm và trên hết là vì sự an toàn của hàng ngàn sinh mạng người đi tàu.
___________________
Gác chắn Sóng Thần, 20g. Chị rướn người lấy hết sức kéo dàn chắn ngang. Bóng dáng chị cao lêu nghêu, tay cầm đèn giơ cao đón tàu. Ngày qua ngày, một tháng 20 ngày “lên ban” chị kéo còi báo hiệu, kéo dàn chắn ngang, đứng cầm cờ đón từng chuyến tàu qua…
Kỳ tới: Dõi mắt canh tàu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận