Nhưng khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đưa vào vận hành đã hồi sinh những vùng đất "khát", nhiều cánh đồng xanh tốt quanh năm, vật nuôi có nước uống không cần phải chạy đi tìm nước nữa.
Hồi sinh những vùng đất "khát"
Những ngày gần cuối tháng 5, chúng tôi trở lại những vùng đất vốn được xem là "tâm hạn" của Ninh Thuận để ghi nhận thực tế.
Khu vực hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) không còn cảnh lòng hồ cạn trơ đáy như mọi năm, thay vào đó là nguồn nước dồi dào xanh mát. Xung quanh, bà con tất bật làm đất để chuẩn bị xuống giống hành, tỏi.
Dưới cái nắng nóng hầm hập, anh Đỗ Thành Thiết (ở thôn Mỹ Tường 2), đang chạy máy dầu lấy nước từ hồ Ông Kinh lên để xuống vụ hành, cho hay thời điểm này các năm về trước lòng hồ đã cạn trơ đáy.
Bà con phải xuống giữa lòng hồ để khoan giếng tìm nước hay di chuyển đàn gia súc đi nơi khác để tìm thức ăn và nước uống.
"Nhưng năm nay lòng hồ đã có nước đủ để bà con sản xuất và cho đàn gia súc uống. Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm không còn lo cảnh chạy tìm nước nữa" - anh Thiết nói.
Rời lòng hồ Ông Kinh, chúng tôi trở lại cánh đồng Chà Vum ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) nơi có hơn 350ha trước đây chỉ trồng được một vụ lúa/năm rồi phơi đất trắng vì thiếu nước sản xuất.
Vậy mà ba năm trở lại đây, cánh đồng Chà Vum đã đổi thay nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ không những giúp bà con có nước tưới quanh năm, mà còn canh tác 2-3 vụ lúa/năm hiệu quả, trồng thêm các loại hoa màu, mía, cỏ chăn nuôi... từ đó tăng thêm thu nhập.
Ông Thập Văn Lắt (70 tuổi, ở thôn Lương Tri) kể: "Mấy chục năm qua cánh đồng Chà Vum chỉ "ăn" nước trời nên chỉ trồng được một vụ lúa, có mùa được, mùa mất.
Ngày trước để có nước, bà con phải túc trực 24/24 tại ruộng, 7 sào (7.000m2) đất trồng lúa như tôi phải mất tới 2-3 ngày mới theo nước xong. Có khi chỉ vì giành nước mà bà con trong làng xích mích. Bây giờ chỉ cần ra mở van là nước dẫn vào tận chân ruộng".
Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn Nguyễn Thanh Tú cho biết cánh đồng Chà Vum đã hình thành hơn 60 năm nay, những năm về trước nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước nên cơ bản không thể sản xuất, gia súc thường xuyên thiếu nước uống và thiếu thức ăn.
"Những năm đó bà con phải bỏ tiền túi ra khoan giếng, đào ao trữ nước nhưng đến mùa hạn vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Nhưng nay 100% diện tích đất của cánh đồng Chà Vum được bảo đảm nguồn nước, bà con ai cũng vui mừng cày xới đất để làm và không còn bỏ đất như trước" - ông Tú nói.
Nước đến đâu, màu xanh đến đó
Cách xã Nhơn Sơn hơn 10km, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) là địa phương nằm đầu nguồn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành đã phát huy hiệu quả chủ động nước tưới cho hơn 1.600ha đất canh tác.
Anh Mai Nháy (ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn) cho biết gia đình trồng 1,5ha lúa, bắp nên phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng để khoan giếng nhưng cũng không đủ nước tưới, phải luân canh trồng những cây ngắn ngày như đậu xanh, có vụ bỏ hoang đất.
"Từ hệ thống kênh nhánh, bà con đấu nối ống trực tiếp để lấy nước về đất sản xuất mà không cần phải tốn chi phí để mua xăng dầu máy bơm, chỉ cần mở van là nước đã đến chân ruộng", anh Nháy nói.
Ngược về huyện Bác Ái, nơi trước kia được ví như vùng "tâm hạn" của Ninh Thuận. Hiện nay đang bước vào mùa khô, trời nắng gắt nhưng các vùng đất thiếu nước trước đây đã được phủ xanh bạt ngàn với cánh đồng bắp, lúa, đậu...
Trên đường ghé vào lòng hồ Thành Sơn, chúng tôi gặp anh Thái Văn Sang đang lùa đàn cừu hơn 200 con xuống lòng hồ tắm "giải nhiệt".
Anh Sang vui vẻ nói: "Những năm về trước, thời điểm tháng 5 nước trong lòng hồ Thành Sơn đã xuống thấp, các đàn bò, cừu, dê phải vào giữa lòng hồ để kiếm ăn. Có năm nắng nóng kéo dài làm nước khô cỏ cháy khiến đàn gia súc suy nhược rồi chết.
Năm nay nước lênh láng nhờ vào hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cung cấp. Đàn cừu không còn lo thiếu uống, thiếu ăn nữa".
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương chia sẻ địa phương có ba xã thường xảy ra tình hình hạn hán là Phước Trung, Phước Thắng và Phước Thành. Do thiếu nước nên những cánh đồng ở thôn Đồng Dày (xã Phước Trung) thường bỏ hoang.
Nhưng từ khi có nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã giúp khoảng 40ha đất sản xuất ở thôn Đồng Dày được "hồi sinh". "Nước đến đâu, màu xanh đến đó, nước về giúp người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Không còn cảnh đàn gia súc chạy đồng kiếm thức ăn" - ông Phương cho biết.
Đại công trình "giải khát" cho Ninh Thuận
Ông Nguyễn Công Xưng - chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận - cho biết khi dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành đã "giải hạn" cho nhiều vùng đất "khát" của Ninh Thuận.
Ông Xưng nói: "Trước đây một số xã của các huyện như Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc thường xuyên xảy ra khô hạn thiếu nước nên chỉ canh tác được một vụ/năm.
Nay do chủ động được nguồn nước nên bà con đã sản xuất được 2-3 vụ/năm, góp phần tăng thu nhập, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận trong thời gian tới".
Theo ông Xưng, từ khi hồ Sông Cái thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đưa vào vận hành tích nước vào tháng 3-2021, đến nay dung tích trữ của hồ đang ở mức 106,51 triệu m3 nước, chiếm 48,5% dung tích thiết kế, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Nguồn nước dồi dào đã giúp Ninh Thuận chủ động lượng nước tưới cho toàn bộ 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại khu tưới của hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm.
Bên cạnh đó còn chủ động nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi và tưới trực tiếp cho khoảng 1.530ha diện tích đất sản xuất trên địa bàn hai xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) và xã Phước Trung (huyện Bác Ái) thuộc khu tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; cấp nước tưới bổ sung cho 640ha khu tưới hồ Cho Mo (huyện Ninh Sơn), 155ha khu tưới hồ Thành Sơn (huyện Bác Ái).
Ông Xưng nói: "Trong thời gian tới khi các dự án đầu tư các tuyến kênh ống cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc hệ thống kênh Tân Mỹ và hệ thống kênh Sông Cái hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sẽ nâng diện tích phục vụ tưới đạt 7.480ha đất canh tác.
Công trình có nhiệm vụ quan trọng là bổ sung nước cho các hệ thống thủy lợi thường xuyên bị thiếu nước gồm các hồ chứa Cho Mo (huyện Ninh Sơn), Thành Sơn (huyện Bác Ái), Ông Kinh (huyện Ninh Hải), Sông Trâu, Bà Râu (huyện Thuận Bắc) và cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Phước Trung và Nhà máy nước An Hòa với tổng sản lượng khoảng 9.694m3/ngày đêm".
Công trình thủy lợi đầu tiên dùng ống dẫn nước
Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 22 hồ chứa nước, trong đó hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được ví là đại công trình của hệ thống thủy lợi và là hệ thống thủy lợi có quy mô lớn nhất Ninh Thuận từ trước tới nay.
Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ với kinh phí hơn 5.900 tỉ đồng.
Dự án gồm hai hợp phần chính: công trình đầu mối hồ Sông Cái nằm trên địa bàn xã Phước Hòa, dung tích thiết kế 219,8 triệu m3 nước, tức bằng tổng dung tích 21 hồ chứa hiện hữu của tỉnh cộng lại và đập dâng, hệ thống kênh dẫn nước Tân Mỹ.
Công trình đầu mối hồ Sông Cái có nhiệm vụ cấp nước tưới trực tiếp cho trên 7.000ha đất canh tác khu tưới hạ lưu, tiếp nước cho hệ thống thủy lợi và bổ sung nước cho các ngành kinh tế khác của cả tỉnh.
Đây là công trình thủy lợi đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ đường ống dẫn nước với đường kính ống hơn 2m, chiều dài gần 30.000m.
"Trái tim" chiến lược phát triển Ninh Thuận
Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là dự án được đầu tư có quy mô lớn nhất và là dự án thủy lợi đầu tiên của cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, giúp tỉnh hiện thực hóa chủ trương xây dựng hệ thống liên hồ và tưới chủ động tiết kiệm nước.
Ông Nam chia sẻ: "Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được ví như "trái tim" của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm hiện nay và nhiều năm tới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận