
Du lịch xanh giúp các địa phương xây dựng định vị trong lòng du khách - Ảnh: NAM TRẦN
Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Cùng với đó là nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã có vị thế trong lòng du khách.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại đây vẫn còn mang tính chất "mùa vụ", chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của khu vực.
Bắt tay cùng phát triển, bỏ tính chất ‘mùa vụ’
Ngày 10-4, ba địa phương này đã tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch "Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình: Hành trình du lịch xanh" nhằm giới thiệu các thế mạnh và tìm giải pháp phát triển du lịch xanh bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vương Thị Hải Yến - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa - nhận định Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh.
Mỗi tỉnh đều có tài nguyên du lịch đa dạng, nhiều điểm đến mang tầm quốc gia, quốc tế như cố đô Hoa Lư, quần thể Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), thành Nhà Hồ - Lam Kinh (Thanh Hóa), khu di tích Kim Liên - Nam Đàn (Nghệ An).

Ninh Bình thu hút du khách quốc tế bởi những điểm đến xanh - Ảnh: NAM TRẦN
"Du lịch bền vững, du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại những giá trị kinh tế - xã hội lâu dài.
Ba địa phương liên kết xây dựng, quảng bá chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn, với các thông điệp "Nghệ An - Hành trình xanh", "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", "Ninh Bình - Điểm đến thân thiện hàng đầu thế giới", bà Yến chia sẻ.
Chủ tịch CLB Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng "hiến kế" du lịch cần đẩy mạnh liên kết, kết nối các điểm văn hóa, tâm linh, thiên nhiên thành tour du lịch.
Từ đó thu hút du khách đến với địa phương quanh năm, phá bỏ tính "mùa vụ". Nhưng để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần xây dựng cơ chế đặc thù như thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Hà Văn Siêu - phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Xây dựng sản phẩm xanh, kéo dài thời gian lưu trú
Bàn về cách xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bà Tạ Thị Tú Uyên - giám đốc ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel - đề xuất các địa phương nên xây dựng bản đồ du lịch số giới thiệu những nét độc đáo về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử tới du khách...
"Việc xây dựng bản đồ số không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch tới du khách, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng tour du lịch chung cho các địa phương"- bà Tú Uyên chia sẻ.
Ông Hà Văn Siêu - phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - nhận định du lịch xanh đang trở thành xu hướng.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã khơi dậy rất nhiều cách làm sản phẩm, làm sao phát huy được giá trị về văn hóa, về sinh thái, và đặc biệt là làm sao cả 3 địa phương này sẽ tăng được trải nghiệm trong những hành trình này.
Theo số liệu thống kê, lượng khách đến với 3 tỉnh không phải là ít, nhưng tổng thu vẫn còn hạn chế. Vì vậy cần tập trung mục tiêu, kéo dài thời hạn lưu trú.
Muốn như vậy, các địa phương cần có sản phẩm đặc sắc, đặc biệt là các sản phẩm vui chơi, giải trí về đêm, các hoạt động giàu cảm xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận