Cảnh mua bán đìu hiu ở khu Manhattan, TP New York (Mỹ) ngày 22-6, ngày đầu tiên mở cửa lại sau phong tỏa - Ảnh: REUTERS
Ngày 26-6, chuỗi trung tâm mua sắm lớn nhất nước Anh Intu cho biết có thể lâm vào cảnh phá sản sau khi các cuộc đàm phán về tái cấu trúc tài chính của tập đoàn không thu được kết quả.
Tập đoàn Intu - chủ sở hữu các trung tâm mua sắm lớn gồm MetroCentre, Trafford Centre và Lakeside - đã đàm phán với các chủ nợ về tái cấu trúc tài chính trước thời hạn chót vào đêm cùng ngày.
Các trung tâm mua sắm này đã buộc phải đóng cửa trong 3 tháng sau khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 23-3 nhằm khống chế dịch bệnh. Các hạn chế này đã được nới lỏng vào tháng này.
Trong tuyên bố, Intu cho biết các cuộc đàm phán với chủ nợ đã thất bại và ban lãnh đạo đang cân nhắc bảo vệ lợi ích của các cổ đông, cũng như kêu gọi hỗ trợ tài chính độc lập nhằm tái cấu trúc kinh doanh, duy trì hoạt động và giảm thiểu tối đa việc sa thải nhân công.
Trung tâm thương mại Intu Trafford ở TP Manchester ngày 23-6. Lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng khiến tập đoàn Intu có khả năng bị phá sản - Ảnh: REUTERS
Cùng ngày 26-6, hãng thời trang khổng lồ H&M của Thụy Điển thông báo khoản lỗ lên tới gần 5 tỉ kronor (tương đương 534 triệu USD) từ tháng 3 đến tháng 5-2020, khi dịch COVID-19 buộc hãng này phải đóng cửa nhiều đại lý hơn dự kiến.
Trong báo cáo doanh thu, H&M cho biết đang tập trung chuyển đổi dòng tiêu thụ sản phẩm sang các kênh bán hàng trực tuyến.
Trong khoảng thời gian trên, tổng doanh thu của hãng thời trang này giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 28,7 tỉ kronor, nhưng doanh thu từ các kênh bán hàng trực tuyến đã tăng 32%.
Năm nay, H&M đặt mục tiêu mở thêm 165 cửa hàng và đóng 130 cửa hàng, nhưng kế hoạch này đã phải thay đổi.
Hãng thời trang này ước tính có thể phải đóng 170 cửa hàng và chỉ mở thêm 130 cửa hàng. Hiện H&M đã phải đóng khoảng 350 cửa hàng, chiếm 7% số cửa hàng của hãng này trên toàn thế giới.
Nhân công địa phương của xưởng may Hãng H&M tại tỉnh Kandal (Campuchia) năm 2018. Hãng thời trang này mất doanh thu, sẽ ảnh hưởng công việc của chuỗi cung ứng - Ảnh: REUTERS
Một thương hiệu nổi tiếng khác là Fiat-Chrysler, nhà sản xuất ôtô liên doanh Ý - Mỹ, cũng chịu chung số phận. Ngày 25-6, công ty này cho biết doanh số bán ôtô tại Ý trong năm 2020 đã giảm ít nhất 35% so với năm 2019 do cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vì COVID-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng của hãng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3 và 4, doanh số thậm chí còn xuống gần mức 0%, trước khi tăng nhẹ trong tháng 6.
Fiat-Chrysler là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp tại Ý, nhưng mức tăng doanh thu trong các tháng tới không được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp nước này hồi phục.
Ông Pietro Gorlier - giám đốc quản lý các chi nhánh của hãng tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi của tập đoàn - dự đoán doanh thu của hãng có thể hồi phục trong nửa cuối năm nay, mặc dù mức tăng sẽ rất chậm. Hiện hãng vẫn còn sẵn 450.000 xe trong kho để bán.
Trung tâm thương mại ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vắng vẻ trong ngày 17-6 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tập đoàn Nike thông báo doanh thu trong 3 tháng (từ tháng 3 đến 5-2020) đã sụt giảm mạnh do dịch COVID-19 dù doanh thu bán hàng trực tuyến cao hơn.
Cụ thể, Nike đã chịu mức lỗ lên tới 790 triệu USD, doanh thu giảm 38% xuống còn 6,3 tỉ USD sau khi doanh số bán hàng giảm mạnh. Tại Bắc Mỹ - thị trường lớn nhất của Nike, doanh thu đã giảm tới 46% xuống còn 2,2 tỉ USD.
Nike cho biết 90% số cửa hàng của tập đoàn này phải đóng cửa trong khoảng 8 tuần. Điểm sáng duy nhất của tập đoàn chính là bán hàng trực tuyến, với doanh thu tăng tới 75%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận