TTCT - Cơn thịnh nộ của dân chúng châu Phi Sahel, thể hiện qua hàng loạt cuộc đảo chính gần đây, có nguồn cơn sâu xa của nó... Ngày 26-7 tại quốc gia Tây Phi Niger, một hội đồng quân nhân lật đổ tổng tống đương nhiệm và dân cử Mohamed Bazoum. Đây là cuộc đảo chánh thứ 5 ở khu vực trong thời gian 3 năm qua. 4 cuộc đảo chánh trong đó bị Tây phương cực lực lên án: Guinea, Mali, Burkina Faso và Niger. Cuộc đảo chánh thứ 5 tại Chad thì lại được Tây phương tán thành, nếu không nói là do họ ủng hộ và tổ chức để giúp thành phần thân Pháp giữ chính quyền bằng bạo lực quân sự. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đảo chánh ở Chad cần thiết để duy trì ổn định!Hình minh họa cuộc "thám hiểm" Voulet-Chanoine trong Thư khố hải ngoại của Pháp. Ảnh: afriquexxi.infoTrong thập niên 1960, vào thời các quốc gia tại lục địa đen độc lập, nước Pháp chỉ rời khu vực Tây Phi trên phương diện pháp lý. Pháp như một ông chồng đã ly dị trên giấy tờ nhưng tiếp tục giữ sổ gạo, sổ điện nước, sổ tiết kiệm ngân hàng và trai mới nào lảng vảng đến gần nhà vợ cũ thì ông tìm cách đập chết ngay.Độc lập chỉ là hình thức?14 nước Phi châu thuộc địa cũ vẫn phải nằm trong hệ thống tài chánh của đồng franc Pháp và ký thác cho mẫu quốc cũ 50% dự trữ tài chánh của các ngân hàng quốc gia. Nói cách khác, họ không có ngân hàng quốc gia và Paris quyết định mọi chính sách về mặt này, in và phát tiền chung cho 14 nước. Kinh tế địa phương cũng nằm trong tay kiều dân Pháp. Tài nguyên do họ khai thác, quân đội do họ huấn luyện, lãnh đạo do họ chỉ định và độc lập là phần hình thức.Những lãnh đạo Phi châu ngoan ngoãn thì được Pháp thắt cho cà vạt, khi cần thiết gửi quân đội Pháp sang can thiệp để "duy trì ổn định", như đã nói ở trên. Tại Cộng hòa Trung Phi, tính từ độc lập vào năm 1960, Pháp can thiệp gửi quân sang 7 lần giúp ổn định. Ổn định này, có nơi cha truyền con nối đến giờ là 56 năm liên tục (Gabon) hay 33 năm (Chad), tức là khó có thể ổn định hơn.Bối cảnh đó, tức là can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào nội bộ chính trị và kinh tế của các quốc gia châu Phi độc lập, gây ra bất mãn trầm trọng và kinh niên tại khu vực. Cái bất mãn không được giải tỏa đó ngày nay lại còn nằm trong ký ức của quần chúng và lịch sử của thời kỳ thuộc địa. Cuộc "thám hiểm" của sứ mạng quân sự Voulet-Chanoine năm 1899 là một thí dụ.Phi châu được Tây phương "khám phá" từ thế kỷ 17 là các vùng ven biển, nơi họ lập cảng để trao đổi hàng hóa với miền trong và xuất nô lệ sang châu Mỹ. Miền trong này, cho đến cuối thế kỷ 19 vẫn là nơi huyền bí. Năm 1885, hội nghị tại Berlin giữa các nước Âu châu chia nhau lục địa Phi, nhưng lấy thước kẻ biên giới trên bản đồ mà vẫn không biết là kẻ lên những gì, dân tộc nào hay sông núi ra sao, và chuyện đó gây ra những vấn nạn của lục địa đến tận ngày nay.Chỉ cần nhìn bản đồ chính trị châu Phi là thấy ngay sự phi lý cực kỳ của biên giới các quốc gia. Nó không thành hình bởi địa lý (thí dụ ven sông hay ven núi) hoặc do lịch sử để lại, mà là chén chú chén anh tại hội nghị Berlin. Bởi vậy ngày nay biên giới giữa các nước Phi châu đây kia là những đường kẻ thẳng dài mấy trăm km. Nó không tôn trọng dân tộc hay văn hóa, tôn giáo, lịch sử địa phương, mà là kết quả ngang ngược của thực dân ăn cướp và thỏa thuận với nhau. Tao (Anh) lấy phần này gọi là Sudan, mày (Pháp) lấy phần kia gọi là Chad, còn để cho nó (Ý) phần gọi là Libya!Sau khi chia cho nhau trên bản đồ rồi thì đến tìm hiểu trong hôn nhân ức hiếp, tức là lấy trước rồi tìm hiểu sau - còn được gọi là "thám hiểm". Tranh chấp ảnh hưởng giữa các thế lực Anh, Pháp, Đức và cả Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian này là để ngăn chặn lẫn nhau. Thời điểm 1887-1900, Pháp có 4 sứ mạng quân sự từ 4 hướng để kiểm soát vùng trung tâm lúc đó còn huyền bí của lục địa. Các sứ mạng này, quân sự và chính trị, nhằm khai thác và cai trị nhưng được truyền thông lúc đó (và cả ngày nay) tung hô là sứ mạng văn minh và khai hóa, một tay ôm trẻ em mồ côi một tay đánh cọp ăn thịt người vô cùng lãng mạn và tất nhiên là "gánh nặng lịch sử" của người da trắng.Biếm họa về hội nghị Berlin giữa các cường quốc châu Âu nhằm phân chia châu Phi. Ảnh: PBS Learning MediaTrái tim bóng tốiSứ mạng Voulet-Chanoine lên đường ngày 2-1-1899 do đại úy 32 tuổi Voulet (bộ binh hải quân) và đại úy 29 tuổi Chanoine, kỵ binh, chỉ huy. Voulet là gốc bình dân từng phục vụ 1883-1885 tại Bắc Kỳ (Việt Nam). Chanoine thì xuất thân võ bị St Cyr, con của một tướng lãnh có lúc làm bộ trưởng quốc phòng. Thành phần da trắng có một bác sĩ thiếu tá, thêm 3 sĩ quan và 3 hạ sĩ quan khác, còn lại là quân thuộc địa da màu, gồm 600 bộ binh Sudan và 100 kỵ binh Senegal, cùng 2.000 người cu li khuân vác, phụ nữ chị nuôi đi theo đoàn. Số cu li phục vụ này được coi là không đủ ngay từ đầu cho nên đi đến đâu họ bắt cu li đến đó. Thực phẩm họ cũng tự tiện thôi chứ sao mang theo đủ được. Nơi nào chống cự thì họ đốt làng và giết sạch cho biết văn minh là gì.Đi đến đâu cướp giết đến đó, đoàn lính Pháp đốt sạch thị trấn 8.000 dân cư Birni N'konni (Niger), dùng lưỡi lê sát hại 1.000 người nam nữ để khỏi tốn đạn. Hai viên đại úy bày thủ cấp khi dùng bữa khiến một sĩ quan Pháp dưới quyền khó nuốt trôi và viết thư cho người yêu thuật lại. Cô này tại mẫu quốc chuyển thư cho một đại biểu quốc hội. Thư lên đến thủ tướng và trung ương phải ra lệnh cho một trung tá đuổi theo đoàn để tìm hiểu thực hư và chỉnh đốn.Năm 1899, quân đội Pháp đang gặp sự phê bình của dư luận trong vụ án đại úy Dreyfuss. Ông này gốc Do Thái và bị vu oan là gián điệp cho đế quốc Đức. Dư luận tại Pháp phân đôi gay gắt, kẻ chống người bênh, và nếu nảy thêm chuyện tàn sát Phi châu thì quân đội càng thêm xấu mặt. Bộ Thuộc địa ra lệnh cho chỉ huy vùng Bắc và Đông Bắc Phi châu thuộc Pháp (Mali và Niger ngày nay) là trung tá Klobb nhiệm vụ kiểm tra đoàn Voulet-Chanoine. Klobb và trung úy Meynier mang theo một toán lính da đen và sau hành trình 2.000km mới bắt kịp họ vào trung tuần tháng 7-1899 tại Dankori.Trên đường đuổi theo, trung tá Klobb ghi nhận là đoàn Voulet-Chanoine đi đến đâu cướp giết đến đấy, rồi bắt phụ nữ làm nô lệ trước khi đốt làng, khiến những nơi họ đi qua "không còn đến một con gà". Tại Birni N'konni, sau khi giết 1.000 mạng, đoàn Voulet-Chanoine bắt 700 phụ nữ đẹp nhất mang đi, gồm 4 cô vợ của chúa trấn. "Voulet đốt hết - chính xác là vậy", khiến toán trung tá Klobb đuổi theo sau đến miếng ăn phải vơ vét nhặt nhạnh. Xin chú ý là ở đây Klobb chỉ than vì dân chúng bị giết sạch cướp sạch nên không còn gì để nuôi toán đi sau. Ông không hề quan tâm đến chuyện chính dân địa phương không còn gì để ăn, mà chỉ cho biết là họ không còn gì để cho toán của ông ăn."6 tháng 7 - Tôi bị hỏng đồng hồ. Tibiri. Ngôi làng thật lớn với nhiều khoảng trống, bị thiêu rụi hoàn toàn. Các hào, từ dưới lên trên nóc tường, cao 4-5m. Phụ nữ bị treo cổ". Trung tá Klobb ghi trong nhật ký.Ngày 11-7, ông "đến một ngôi làng bị đốt cháy đầy xác chết. Hai em bé gái (bị treo cổ) đong đưa trên một cành cây. Mùi hôi. Các giếng không cung cấp đủ nước cho người. Động vật (lừa, ngựa của đoàn) cũng không uống được, nước bị thối rữa bởi xác người. Khởi hành vào buổi chiều. Trên đường đi, một ngôi làng nhỏ có giếng đầy xác chết. Mùi hôi". Đây là ngày chót Klobb ghi nhật ký. Chuyện sau đó là bản tường trình quân sự của những quân nhân thuộc toán Klobb còn sống sót thuật lại cho giới chức.Ngày 12-7, Klobb bắt được tin đoàn Voulet và trao đổi được thư. Voulet trách là trung tá Klobb định cướp công thám hiểm của mình và Klobb bị quân của Voulet bắn chết vào ngày 14-7 khi họ chạm mặt. Trung úy Meynier phụ tá của Klobb bị thương nặng tưởng chết. Sau đó đến lượt chính quân của Voulet nổi loạn. 2 ngày sau, Chanoine chết lúc hoa kiếm hô "Pháp quốc! Pháp quốc!". Voulet thì không oai hùng như vậy nên ôm nàng hầu da đen bỏ trốn tại một nhà dân, hẳn phải vùi tro lên mặt để không ai nhận ra. Sáng sớm hôm sau, khi ông mò về doanh trại thì bị lính canh bắn chết. Sứ mạng quân sự này tiếp tục với 2 trung úy chỉ huy mới được trung ương chỉ định.Bộ chỉ huy và chính quyền Pháp bối rối nên nghĩ ra một căn bệnh gọi là "bệnh dại Sudan" để giải thích hành động của đoàn Voulet-Chanoine. Thì Phi châu đầy bệnh tật, khiến con người văn minh nào lây phải bèn mang trẻ em gái ra treo cổ trước làng! Đến năm 1915-1916, còn có tin một người da trắng là Voulet làm chúa một bộ lạc Touareg trong sa mạc. Năm 1923, khi khui phần mộ của 2 ông này thì lại thấy trống rỗng không có xác!Nhưng lỗi là ở 2 người này hay ở bệnh điên nhiệt đới, chứ không phải ở chính sách khai hóa của nhà nước thuộc địa Pháp. Tại nước uống Phi châu nhiều vi trùng! 2 vị đại úy lại vui vẻ chết ngay nên không có tòa án mặt trận, không xét xử, không báo chí đưa tin. Chuyện đến đó là hết.Ngày nay, tại sao người Niger ra đường đốt cờ tam tài? Là vì họ khó quên cái thủa ban đầu đó, mà nếu có lỡ quên thì được tình trạng hiện thời trên đất nước của họ nhắc nhớ ngay.■ Chuyến đi của Voulet-Chanoine được gọi là "con đường giết chóc" và sau này được Joseph Conrad dựa vào để viết tiểu thuyết Trái tim bóng tối. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành phim Apocalypse Now về chiến tranh Việt Nam. Tags: NigerLục địa đenQuân đội PhápTHẾ KỶ 19Người da trắngThuộc địaThực dânĐảo chánhThực dân mớiPháp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.