Niêm yết một đàng, giá bán một nẻo là kinh doanh gian lận, thiếu minh bạch với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam)
Theo đó, giá niêm yết đã bao gồm thuế, phí và lệ phí (nếu có) và không được gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nhưng trên thực tế vẫn nhan nhản các kiểu niêm yết giá gây nhầm lẫn, tưởng rẻ nhưng chưa có thuế, phí.
Điều này không chỉ gây khó chịu cho người tiêu dùng vì bên bán không rõ ràng, giá một đàng nhưng thanh toán phải cao hơn, cạnh tranh không lành mạnh và gây thất thu thuế.
Niêm yết một đàng, giá thanh toán một nẻo
Chị L.T.Thanh (Hà Nội) cho biết gia đình chị vừa đi nghỉ ở khu resort Thảo Viên (Hà Nội). Dịch vụ sử dụng là thuê phòng, ăn uống... có tổng chi phí là 34 triệu đồng. Đến khi thanh toán, chị hỏi hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) nhưng nhân viên thu ngân của nơi này cho hay nếu lấy hóa đơn phải trả thêm 10% tổng chi phí là 3,4 triệu đồng.
"Khi mời chào khách hàng, khu resort không báo đúng giá gồm có thuế, phí. Việc này không khác gì đánh lừa khách hàng khi công bố giá một kiểu, còn thanh toán thì phải cộng thêm 10% tổng chi phí nữa nếu lấy hóa đơn VAT" - chị Thanh bức xúc.
Chị Phan Bích Ngọc (Hà Nội) kể chị mới mua xe ở đại lý ủy quyền của một công ty sản xuất xe máy tại Việt Nam trên phố Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Giá niêm yết trên website của công ty là 37.490.000 đồng. Nhưng đại lý phân phối không niêm yết giá mà khi hỏi giá, nhân viên cho biết là 40,8 triệu đồng. Dù vậy, đến khi giá xuất hóa đơn được đại lý xuất ra chỉ 38 triệu đồng.
Thắc mắc về các mức giá này, chị cho biết phía đại lý giải thích là họ mua đứt bán đoạn, giá niêm yết trên là của công ty sản xuất, còn mỗi đại lý có giá bán riêng. Việc ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá bán thực tế là để giúp người mua hàng phải trả mức nộp lệ phí trước bạ xe máy thấp hơn.
Tại các sàn thương mại điện tử, trung tâm điện máy lớn niêm yết giá rõ ràng, bao gồm cả thuế, thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Một kiểu "văn hóa" gian lận
Dạo quanh các trang web, các cửa hàng phổ biến tình trạng niêm yết giá bán một đàng, thanh toán một nẻo nhưng chẳng thấy cơ quan nào xử phạt mặc dù quy định niêm yết giá phải bao gồm thuế và phí đã có từ nhiều năm trước.
Ngay khi Việt Nam áp dụng thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 10%, khi đó cũng đã có quy định giá niêm yết phải bao gồm thuế 10% để tránh tình trạng bên bán cộng thêm "móc túi" người tiêu dùng.
Nhưng các quy định này vẫn bị người kinh doanh bỏ qua và ngày càng có nhiều hình thức niêm yết giá đối phó tinh vi hơn. Trên thực tế, việc niêm yết giá chữ to nhưng chưa bao gồm thuế chữ nhỏ xét về góc độ nào đó cũng gây hiểu lầm cho người mua, tuy nhiên cũng ít thấy bị nhắc nhở.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết nghị định 177 năm 2013 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật giá quy định rất rõ về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ đúng như giá bán.
Có thể nói việc niêm yết một đàng bán một nẻo là kinh doanh gian lận, thiếu minh bạch với người tiêu dùng. Nhưng điều đáng buồn là trên thực tế, việc vi phạm quy định về niêm yết giá như không niêm yết giá, niêm yết không đúng giá bán rất phổ biến trên thị trường, gần như tạo thành thói quen rất xấu, một kiểu "văn hóa" gian lận.
Sở dĩ có thực tế này, theo ông Thỏa, chế tài xử phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn chỉ phạt cảnh cáo nếu không niêm yết, niêm yết không đúng quy định, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Trường hợp vi phạm lần thứ hai trở lên như không niêm yết, niêm yết không đúng thì chỉ phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng.
Niêm yết giá lập lờ để trốn thuế
Tình trạng niêm yết giá không rõ ràng cũng đặt khách hàng vào tình huống khó xử, đó là tiếp tay cho trốn thuế. Anh P.T. (TP.HCM) cho biết sau khi xem thông tin trên một trang web bán hàng gia dụng đã quyết định mua. Thế nhưng khi yêu cầu hóa đơn để sau này thuận lợi cho bảo hành thì được trả lời phải cộng thêm 10% thuế VAT.
Lúc này, người mua khó xử lý, nếu đúng luật thì giá mà trang web này bán đâu rẻ hơn bao nhiêu. Còn nhắm mắt cho qua, xem như anh đã tiếp tay cho bên bán hàng trốn thuế.
Tình trạng này rất phổ biến ở các cửa hàng bán lẻ đang nộp thuế khoán mà hầu hết người mua hàng đều "vui vẻ": thôi khỏi lấy hóa đơn cho đỡ mất thêm 10%.
Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, nhận định do người bán hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn và người mua cũng không lấy do phải trả thêm tiền thuế. Thực tế, chỉ khi đi mua hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, doanh nghiệp, bên mua mới đòi hóa đơn, khi đó giá niêm yết phải cộng thêm 10% thuế VAT.
Rất nhiều người bán hàng không muốn xuất hóa đơn để trốn thuế và họ đã dùng chiêu lập lờ khi niêm yết giá bán hàng (giá bán chưa có thuế) để "phủ đầu" người mua hàng mỗi khi khách hàng là cá nhân tiêu dùng yêu cầu có hóa đơn, chủ yếu là để thuận tiện cho việc bảo hành và khiếu nại sau này. Nghe phải cộng thêm 10%, phần lớn đều trả lời thôi!
Thôi lập lờ niêm yết giá, cách nào?
Vì sao bên bán lại lập lờ khi niêm yết giá? Thứ nhất họ "gây hiểu lầm cho khách hàng là giá rẻ". Thứ hai là trốn thuế. Thứ ba là tạo ưu thế cạnh tranh với những đối thủ kinh doanh cùng mặt hàng hay dịch vụ. Hậu quả của tình trạng niêm yết giá sai luật, theo ông Thỏa, người tiêu dùng bức xúc khi số tiền phải trả cao hơn giá niêm yết, hoặc phiền toái khi cất công tìm hiểu kỹ món hàng, định mua nhưng đành phải tìm nơi bán khác khi được biết giá niêm yết phải cộng thêm 10%.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - bổ sung thêm rằng ngân sách nhà nước mỗi năm bị thất thoát một khoản tiền thuế rất lớn khi giá bán không đúng niêm yết, không quản được doanh thu thực tế. Thêm nữa, vấn đề sâu xa là đang tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Để trị bệnh vi phạm niêm yết giá, ông Vũ Vinh Phú đề xuất cần kết nối máy tính tiền của đơn vị bán hàng với hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, vì khi kết nối thì cơ quan thuế sẽ nắm được giá bán hàng và tổng doanh thu bán hàng thực tế.
"Cách đây hơn 20 năm, vào cửa hàng bán phở ở Nga thì thấy các máy tính tiền đều kết nối với hệ thống của cơ quan thuế. Chủ cửa hàng nói với tôi rằng nếu bán hàng mà máy tính tiền không kết nối với cơ quan thuế, không xuất hóa đơn sẽ bị rút đăng ký kinh doanh ngay lập tức. Hay tại Singapore, nếu bán hàng không xuất hóa đơn, máy tính tiền không nối mạng với cục thuế, người bán hàng bị xử lý rất nghiêm, thậm chí bị đi tù vì tội kinh doanh không minh bạch" - ông Phú nói.
Sẽ thí điểm kết nối máy tính tiền
Bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) - cho biết từ tháng 9 sẽ thí điểm kết nối máy tính tiền của 100 đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM với hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Qua việc kết nối này, cơ quan thuế sẽ nắm được chi tiết doanh thu bán hàng của từng ngày, từng tháng, cũng như tổng doanh thu của mỗi đơn vị. Từ đó, tình trạng thất thoát thuế sẽ được ngăn chặn.
Để ngăn chặn việc bán hàng không xuất hóa đơn, ông Vũ Vinh Phú đề nghị Việt Nam nên có thêm loại hình vé xổ số hóa đơn. Sau khi mua hàng, vé số sẽ được quay thưởng. Bằng cách này sẽ khuyến khích người mua hàng, sử dụng dịch vụ lấy hóa đơn và hi vọng sẽ trúng thưởng, nó buộc người bán hàng phải xuất hóa đơn và bán đúng giá gồm thuế và phí.
Thực tế, ở nhiều nơi như Đài Loan đã áp dụng vé xổ số hóa đơn từ hàng chục năm nay rồi. Như vậy, số thu ngân sách chắc chắn sẽ tăng lên.
Tháng 11-2020: hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) - giải thích theo quy định về xuất hóa đơn, tổng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từ 200.000 đồng mỗi lần thì người bán phải có trách nhiệm giao hóa đơn cho người mua.
Trường hợp tổng trị giá hàng hóa, dịch vụ thấp hơn 200.000 đồng vẫn phải xuất hóa đơn khi người mua hàng yêu cầu. Giá bán hàng phải bao gồm thuế VAT.
Cũng theo ông Huy, việc bán hàng không xuất hóa đơn là nhằm trốn thuế. Để ngăn chặn tình trạng này, nhất là việc nhiều trường hợp lập công ty ma để mua bán hóa đơn, thu lợi bất hợp pháp, từ tháng 11-2020, theo nghị định 119 về hóa đơn điện tử, Việt Nam sẽ khai tử hóa đơn giấy truyền thống mà thay thế bằng hóa đơn điện tử.
Theo đó, người bán hàng, cung cấp dịch vụ phải xuất hóa đơn điện tử cho người mua hàng hóa, dịch vụ, kể cả việc người mua hàng không nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận