05/03/2019 12:29 GMT+7

Niềm vui từ mỗi chuyến tình nguyện của chàng dược sĩ

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Được gọi tên trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu VN 2018, là một trong hai gương mặt trẻ tuổi nhất, chàng dược sĩ nói vui một chút, tự hào một chút rồi lại quay về với giảng dạy, nghiên cứu và không quên vai trò thủ lĩnh thanh niên của trường.

Niềm vui từ mỗi chuyến tình nguyện của chàng dược sĩ - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Đạt (bìa phải) đến tàu cá của các hộ ngư dân đảo Thổ Chu (Kiên Giang) tặng và hướng dẫn họ sử dụng tủ thuốc gia đình - Ảnh: Q.NG.

Người ta nói về Trương Văn Đạt - giảng viên khoa dược, bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TP.HCM - với đủ thứ nhận xét: kênh kiệu, khó gần và... "thằng đó hơi ngông" nữa! 

Đạt biết, nghe hết đó chứ. Chỉ là "khó lòng thanh minh với từng người, nên chi bằng bản thân tự nhắc mình luôn nỗ lực hết sức dù trong bất cứ việc gì, vai trò nào, xem như mình trả lời qua từng công việc cụ thể vậy" - Đạt tâm sự.

Có thể nhận thấy ở Đạt năng lực lãnh đạo, sự sáng tạo trong quá trình điều hành hoạt động phong trào, cả sự chịu khó học hỏi, cầu thị trong chuyên môn.

PGS.TS TRẦN DIỆP TUẤN (hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM)

Còn sức thì còn đi

Hồi Đạt được bầu làm bí thư Đoàn trường, đã có không ít lời xì xầm. Có một vài lý do, cũng bởi khi ấy Đạt 24 tuổi, mới ra trường chưa tròn năm, không dễ để người ta tin "anh đủ trưởng thành trong vai trò thủ lĩnh thanh niên toàn trường", lại là trường y vốn rất đặc thù về việc học.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM - khi ấy còn là phó hiệu trưởng, được phân công phụ trách công tác đoàn thể, nhớ rằng đúng là thời gian đầu nhận nhiệm vụ, Đạt ít kinh nghiệm, có phần hơi non.

"Nhưng cậu ấy vừa làm vừa học thêm, cố gắng trau dồi qua từng hoạt động nên trưởng thành lên nhiều. Đến lúc này có thể nói Đạt là nhân tố tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên của trường trong nhiều hoạt động, cả của trường lẫn từ cấp trên đưa xuống" - ông Tuấn đánh giá.

Đã 11 năm, người ta thấy Đạt "trên từng cây số" với những chuyến đi tình nguyện. Lúc ở Tây Nguyên, khi ra đảo xa, có năm còn qua nước bạn Lào. Với anh, mỗi chuyến đi không cần quá lớn lao, phong trào hình thức nhưng phải làm được gì đó ý nghĩa cho bà con, cộng đồng nơi ấy.

Cũng từ những chuyến đi như vậy đã ra đời đề án chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 10.000 người dân do Đoàn cùng Hội Sinh viên trường cùng làm. Sau hai năm, con số đã vượt trên 12.500 người ở những vùng quê xa xôi tại nhiều tỉnh, thành cả nước được thăm khám, nhận thuốc và tư vấn điều trị sức khỏe ban đầu hoàn toàn miễn phí.

Vững chuyên môn để nói thuyết phục

Đạt đang làm nghiên cứu sinh, đề tài nghiên cứu tổng hợp loại thuốc điều trị béo phì với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên. 

"Dù có thể áp lực vì nhiều việc cùng lúc, bản thân luôn tự đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, có vững về chuyên môn mình mới tự tin khi vào lớp đứng trước sinh viên, mới đủ uy tín để chia sẻ, thuyết phục trước thế hệ cán bộ Đoàn - Hội đàn em" - Đạt bộc bạch.

Phạm Tiểu Kiều (sinh viên năm thứ 4) kể: "Có những hoạt động anh Đạt không trực tiếp có mặt, song lại nắm rất kỹ và biết rõ tụi em đang gặp khó gì để kịp thời hỗ trợ ngay. Có khi áp lực công việc, bí thư luôn âm thầm quan sát phía sau, chỉ cần tụi em tìm là ảnh có mặt, hỗ trợ hết mình".

Từ thao thức có sân chơi cho đội ngũ trẻ, giải thưởng Tài năng trẻ mà phần thưởng là tài trợ kinh phí cho cán bộ từ 35 tuổi trở xuống dự hội thảo, hội nghị quốc tế và giải thưởng UMP student research  khen thưởng sinh viên có công trình nghiên cứu công bố quốc tế do Đạt và Đoàn trường tham mưu đã được thông qua.

Thao thức với Thổ Chu

Đến đảo Thổ Chu (Kiên Giang) hè 2018, Đạt cùng anh em mang theo cả trăm tủ thuốc gia đình, tìm đến tận tàu cá của nhiều hộ ngư dân đang neo đậu trên biển tặng và hướng dẫn họ cách sử dụng.

Sau chuyến khảo sát tình hình thực tế trên đảo, anh ấp ủ thực hiện hai công trình. Một là hệ thống xả thải cho trạm y tế của đảo vì hiện đang xả trực tiếp ra biển, chưa qua bất kỳ khâu xử lý nào, rất nguy hiểm cho vấn đề an toàn, sức khỏe của người dân.

Công trình thứ hai Đạt muốn là thành lập "ngân hàng máu sống" cho người dân trên đảo.

Theo Đạt, nguồn điện trên đảo không ổn định, hay cúp, khó đảm bảo việc lưu trữ máu. Thay vào đó, sẽ vận động chọn khoảng 100 người dân sống tại đảo, thực hiện đủ quy trình xét nghiệm, nhóm máu, đảm bảo tính an toàn của nguồn máu.

Khi cần cấp cứu, có thể truyền trực tiếp từ "ngân hàng máu sống" này cứu người, phòng khi không có tàu ra hoặc biển động không thể đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu kịp thời.

"Hệ thống xả thải cho trạm y tế đã khảo sát rồi, việc thực hiện cũng không quá khó. Riêng "ngân hàng máu sống" sẽ khảo sát thêm chút nữa trước khi làm. Chúng tôi dự kiến quay lại đảo vào hè sắp tới để thực hiện hai công trình này" - Đạt cho biết.

2 lần được vinh danh "Làm theo lời Bác"

Trương Văn Đạt đã hai lần được TP.HCM vinh danh "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" cấp thành với nhiều đóng góp trong hoạt động Đoàn, tình nguyện vì cộng đồng cùng nhiều giải thưởng chuyên môn. Anh cũng từng nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM" và mới thêm vai trò phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM.

Anh đã hoàn thành và nghiệm thu bốn đề tài cấp cơ sở, nghiên cứu và là thư ký khoa học cho năm đề tài, dự án cấp nhà nước. Đồng thời đã công bố sáu bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế, 16 bài báo khoa học trong nước, tham gia và có báo cáo tại năm hội nghị khoa học quốc tế.

Thời sinh viên, anh từng đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học Euréka nhiều năm liền và vài năm qua anh đã hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu, đoạt giải cao giải thưởng này.

TTO - Trên chuyến xe đưa các bạn sinh viên đi tình nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo, có một cô bé nhỏ nhắn, mái tóc ngắn cá tính với nụ cười rạng rỡ, cầm chiếc micro có nhiệm vụ “đánh thức” mọi người.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên