Hai chị em Bích Trà và Bích Vân (Áo đỏ, bìa trái) chăm chú nghe giảng bài - Ảnh: DIỆU CHÂU
Không trải qua bất kỳ lớp nghiệp vụ sư phạm nào, thế nhưng những cô cậu học trò trường Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã trở thành "người thầy", "người cô" thứ hai sát cánh cùng các bạn nhỏ nơi đây trên hành trình đi tìm con chữ.
Có bao nhiêu dạy hết bấy nhiêu
Những tháng đầu năm 2017, Đội Công tác Xã hội (CTXH) trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng bắt đầu nhen nhóm ý tưởng và xây đắp những viên gạch đầu tiên cho chương trình dạy học tình nguyện. Từ đó đến nay, nhiều lứa học sinh đã đi qua nhưng dạy học tình nguyện chưa từng dừng lại.
Cứ mỗi độ khai giảng đến khi kết thúc năm học, Gia đình 3 và Gia đình 4 lại thấy những cô cậu học trò trường Chuyên cần mẫn ôm sách vở đi dạy. Các em vẫn thường gọi nơi đây là "Nhà" - địa chỉ sinh hoạt của hơn 20 bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ lang thang cơ nhỡ, thất học hoặc mồ côi.
Hiện nay, chương trình dạy học tình nguyện do Đội CTXH Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức đã được mở rộng cho học sinh, sinh viên trên toàn thành phố. Mỗi năm, Đội CTXH đều mở đơn tuyển tình nguyện viên tham gia chương trình. Sau đó, dựa vào năng lực, lịch trình của mỗi tình nguyện viên cũng như nhu cầu của các trẻ Nhà 3 và Nhà 4, Đội CTXH sẽ lên kế hoạch và sắp xếp lịch dạy.
Năm học 2020-2021 này có 41 tình nguyện viên đăng ký tham gia dạy học. Ngoài những em là học sinh của Trường Chuyên Lê Quý Đôn, còn có học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố và cả sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
"Học trò" tại Nhà 3 và Nhà 4 đều là những em học sinh rải rác từ lớp 3 đến lớp 11. Từ Toán, Tiếng Việt của cấp Tiểu học đến Hóa học, Vật Lý, Tiếng Anh… của các cấp cao hơn, chỉ cần các bạn nhỏ muốn học thì sẽ có tình nguyện viên đến dạy. Không thu học phí, không chút vụ lợi, tất cả tình nguyện viên của Đội CTXH ban ngày đều là học sinh, đến buổi chiều lại trở thành "thầy cô" tại đây.
Năm 2017, cô Lê Thị Huyền đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Cô nói: "Đội Công tác Xã hội trực thuộc Đoàn trường và do Đoàn trường quản lý. Với tư cách Bí thư Đoàn, các kế hoạch của Đội cần được cô tư vấn và thông qua mới triển khai thực hiện được. Khi Đội trình bày ý tưởng dạy học cho trẻ em ở nhà tình thương số 3 và số 4, Đoàn trường rất tán thành và biểu dương hoạt động này. Cô cũng từng cùng các thành viên của Đội đến Nhà số 3 tổ chức trao quà Tết. Có thể khẳng định hoạt động này của Đội thực sự có ý nghĩa và tác dụng thiết thực trong việc giúp đỡ các em nhỏ ở Nhà 3 và Nhà 4".
"Chị giảng dễ hiểu ghê!"
Tôi có dịp đến thăm Nhà 4 và gặp em Phan Hoàng Nhi (Học sinh lớp 10A1 - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng). Chiều hôm ấy, Nhi có suất dạy tại Nhà 4. "Học trò" của Nhi là hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Bích Trà và Nguyễn Thị Bích Vân (Học sinh lớp 8 – Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Đà Nẵng).
Hai chị em Trà và Vân vào Nhà 4 từ năm 10 tuổi bởi gia đình khó khăn. Đến nay, đã 4 năm kể từ ngày hai chị em tạm xa ba mẹ ở Tiên Phước, Quảng Nam để học tập và sinh hoạt tại Gia đình mới này.
Hai em Vân và Trà bắt đầu được các "anh chị" Đội Công tác Xã hội kèm cặp từ năm lớp 6. Đến năm học này, hai em mới gặp "cô giáo" Nhi. "Học vui lắm ạ, chị Nhi rất là hiền luôn. Có nhiều bài tập trên lớp tụi em không hiểu, chị Nhi giảng lại dễ hiểu hơn nhiều", Vân hồn nhiên nói.
Đúng như lời Vân chia sẻ, suốt 2 giờ đồng hồ dạy và học, không hề nghe một lời than thở từ ai. "Cô giáo" Nhi kèm Vân và Trà môn Toán lớp 8. Gặp bài tập khó, Nhi kiên nhẫn giảng giải hai ba lần. Giảng xong, Nhi yêu cầu hai em làm lại vào vở của mình.
Hiền lành như thế nhưng "cô giáo" Nhi vẫn nghiêm khắc nhắc nhở những lỗi sai của hai bạn nhỏ. Nhi không rập khuôn bài giải mẫu mà chỉ gợi ý giúp các em tự lần ra lời giải. Chính cách dạy này đã giúp Vân và Trà không dựa dẫm và cải thiện được kết quả học tập của mình.
Hoàn thành buổi học dài 2 tiếng đồng hồ, "cô giáo" Nhi không quên dặn dò hai em ôn luyện thật kĩ cho bài thi học kì sắp tới. Đối với Nhi, dạy học tình nguyện tuy vui nhưng song song với đó là nhiều trách nhiệm to lớn.
"Khi mới vào cấp 3, em đã theo dõi các hoạt động của Đội Công tác Xã hội và đăng kí tham gia dạy học tình nguyện. Với em, công việc dạy học này có ý nghĩa rất lớn. Nó giúp em rèn dũa tính cần cù và thói quen đọc thêm sách để có thể đem bài giảng tốt nhất cho các bạn, biết kiềm chế sự nóng nảy, hấp tấp và trên hết là em có thể giúp cho các bạn nhỏ học tốt hơn", Nhi chia sẻ.
Em Phan Thị Diễm (bìa phải) - học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Văn Cừ được tình nguyện viên Đội CTXH kèm cặp từ năm lớp 6 - Ảnh: DIỆU CHÂU
Nhiều tâm tư gửi gắm
Ngoài việc dạy và học, Đội CTXH Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng còn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí như đón Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6,… nhằm đem lại niềm vui, rút ngắn khoảng cách và tạo nên nhiều kỉ niệm cho các em nhỏ trong Nhà. Sự nhiệt tình và tâm huyết của Đội CTXH đối với Nhà 3 và Nhà 4 đã được ghi nhận bởi các Mẹ - những người trực tiếp chăm sóc và quản lý các em nhỏ.
Cô Nguyễn Thị Phượng (51 tuổi, Hòa Vang, Đà Nẵng) - Người quản lý chung về các mặt đời sống của các em Nhà 3, bày tỏ: "Những năm đầu khi Đội CTXH mới đến Nhà 3 dạy, hầu hết các trẻ ở đây đều tham gia học. Các em có tinh thần tốt và rất xông xáo, nhiệt tình. Chương trình diễn ra cũng rất sôi nổi và rầm rộ. Dù đến nay có một số bất cập trong việc sắp xếp và quản lý người dạy và học, nhưng với tôi, đây vẫn là một chương trình có ý nghĩa".
Điểm chung của tất cả tình nguyện viên Đội CTXH khi dạy học tại Nhà 3 và Nhà 4 chính là mong muốn các bạn nhỏ đạt kết quả cao trong học tập. Tâm tư ấy được gửi gắm trong từng giờ học, từng lời giảng và từng bài tập.
"Đừng quên ghi kết luận dưới mỗi bài toán nghe!", "Chị giảng em hiểu không?", "Em có thực sự hiểu không, không hiểu để chị giảng lại hì!", những lời dặn dò đó tuy nhỏ nhưng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt giờ học. Dù có em khó gần, có em chậm hiểu nhưng chưa một lần các bạn tình nguyện viên Đội CTXH cau mày hay tức giận với các em.
Không rõ điểm số của các bạn nhỏ Nhà 3, Nhà 4 qua sự kèm cặp của "thầy cô" Đội CTXH được cải thiện bao nhiêu, nhưng ít nhất điều mà các bạn đã làm được là gieo niềm vui, phấn khởi và ý chí học tập cho các em nhỏ - vốn đã thiệt thòi và khó khăn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa.
Không chỉ dạy học tình nguyện
Ra đời từ năm 1996, Đội Công tác Xã hội Đoàn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng thường xuyên tham gia và tổ chức các hoạt động tình nguyện trên địa bàn thành phố. Dù thành phần cốt cán chỉ là những em học sinh THPT nhưng nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng đã ra đời từ đây.
Tháng 11 vừa qua, Đội CTXH đã tổ chức quyên góp sách vở để gửi đến học sinh tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Cũng trong năm qua, Đội CTXH đã huy động được nguồn quỹ nhỏ để mua quần áo ấm và nấu bữa ăn dành tặng các cụ già tại Mái ấm tình thương (Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận