31/05/2019 12:33 GMT+7

Niềm vui đọc sách ở Đủng Đỉnh Đọc

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Những đứa trẻ nằm trên sàn đọc sách, thủ thư hóa trang thành loài vật trong truyện và các xấp giấy màu đặt khắp nơi để trẻ cắt dán… Hai năm nay, nhiều phụ huynh và trẻ em bắt đầu quen với một thư viện có phần khác biệt như thế tại Sài Gòn.

Niềm vui đọc sách ở Đủng Đỉnh Đọc - Ảnh 1.

Các em nhỏ chăm chú nghe thủ thư Bạch Tùng kể chuyện tại thư viện Đủng Đỉnh Đọc - Ảnh: M.THỤY

Với tên gọi Đủng Đỉnh Đọc, thư viện tự lập của nhóm bạn An Nhiên, Phương Quỳnh, Bạch Tùng, Thùy An... đang mang đến một cái nhìn mới về không gian khuyến đọc cho trẻ. 

Để tạo niềm say mê đọc sách cho cả trẻ em và người lớn, Đủng Đỉnh Đọc đều đặn tổ chức các chương trình workshop (các buổi học ngắn), đọc truyện cùng trẻ, hướng dẫn phụ huynh đọc sách...

Phương châm hoạt động và khẩu hiệu của thư viện Đủng Đỉnh Đọc là: “Reading is fun! - Đọc sách rất vui!”. Chính niềm vui đó là điểm khởi đầu để xây dựng thói quen đọc sách của trẻ em.

Phương Quỳnh (đồng sáng lập Đủng Đỉnh Đọc)

Thay sự tĩnh lặng bằng niềm vui

Bước ra từ tổ chức phi chính phủ chuyên về thư viện và giáo dục Room to Read, Phương Quỳnh - đồng sáng lập Đủng Đỉnh Đọc - không chỉ mang đến Đủng Đỉnh Đọc những cuốn sách đầy tình yêu thương mà còn là những kiến thức về cách sắp xếp, lựa chọn sách phù hợp với trình độ của các em nhỏ. 

Những kệ sách ở Đủng Đỉnh Đọc được chia làm 5 cấp bậc: mầm, hạt, chồi, lá, hoa tùy theo khả năng đọc hiểu của trẻ. Phần lớn sách ở Đủng Đỉnh Đọc là sách ngoại văn và sách tranh (picture book). Một số sách có chủ đề chuyên sâu như nghệ thuật, triết học, khoa học... cũng được nhóm tuyển chọn. 

"Chúng mình muốn thư viện là nơi trẻ có thể nằm, ngồi thoải mái đọc sách hoặc chơi nhạc ở cây đàn đặt cuối phòng. Phụ huynh có thể để trẻ tự do tương tác với bạn bè và chia sẻ những cuốn sách các em vừa đọc" - Quỳnh hào hứng nói.

Bên cạnh đó, những thành viên của thư viện Đủng Đỉnh Đọc còn nỗ lực đem đến sự thay đổi về khái niệm thư viện. Thư viện không chỉ là nơi đến đọc, mượn, trả sách mà còn là một điểm hội tụ về văn hóa của cộng đồng. Linh hồn của thư viện không nằm ở các cuốn sách trên kệ, mà nằm ở những hoạt động diễn ra xung quanh các quyển sách ấy. 

Phương Quỳnh cho rằng: "Vai trò của người thủ thư, người đọc truyện là đưa việc đọc từ một hoạt động rất tĩnh và cá nhân thành hoạt động sôi nổi và phù hợp với nhóm trẻ em". 

Đủng Đỉnh Đọc vì vậy không phải chỉ là một thư viện có toàn sách, mà còn là một không gian có rất nhiều tiếng cười và niềm vui của trẻ con.

Nếu Phương Quỳnh là thành viên tạo ra những kệ sách đầy ắp cho Đủng Đỉnh Đọc, thì Bạch Tùng lại là người biến nơi đây trở thành "nhà" cho trẻ thơ bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh được trang trí cho các tấm thiệp, bức vẽ trong phòng. Từ kinh nghiệm khi làm việc ở không gian nghệ thuật Toa Tàu, Bạch Tùng mang lại cho Đủng Đỉnh Đọc những ý tưởng mới mẻ về các workshop trang trí bìa sách, vẽ chữ.

Đọc và chơi cùng con

"Các con thử đoán xem bạn ếch có dám nhảy xuống dưới hồ không nào? Bạn nào biết thì giơ tay thật cao lên nhé!" - giọng Bạch Tùng vang lên phấn khởi giữa căn nhà nhỏ ấm cúng. 

Một buổi đọc truyện cùng bé ở Đủng Đỉnh Đọc luôn ngập tràn câu hỏi và những cánh tay hăng hái giơ lên xung quanh người kể chuyện. 

Bạch Tùng kể về cách làm việc của mình: "Chúng mình biến những gì trong sách ra thành các hoạt động phù hợp để các em được tiếp xúc sớm với sách, truyện cùng các trò chơi. Lâu dần, các em sẽ có ấn tượng về việc đọc là một niềm vui và dần hình thành thói quen đọc. 

Thông qua đó, phụ huynh cũng có cơ hội hiểu hơn về cách đọc và chơi cùng con, vì không phải cứ chọn được sách hay là con sẽ thích đọc. Đọc cho trẻ con cần có cách riêng và phải tham gia cùng con. 

Nhiều khi đứa trẻ yêu thích việc đọc không phải chỉ vì cuốn sách, mà là vì những trải nghiệm và thời gian của người lớn dành cho em ấy".

Đủng Đỉnh Đọc luôn kêu gọi và khuyến khích phụ huynh cùng đồng hành trong việc tạo ra thói quen đọc cho trẻ. Nhiều phụ huynh sau khi đến tham dự một vài buổi đọc truyện cùng con đã xung phong làm tình nguyện viên để đọc truyện cho các em nhỏ trong những buổi tiếp theo. Nhiều phụ huynh cũng tâm sự trẻ chỉ đọc sách khi đến thư viện, nhưng lại không bao giờ ngồi đọc ở nhà. 

Chia sẻ về điều này, Phương Quỳnh cho rằng hiện nay phụ huynh có ba xu hướng chính khi chọn sách: dựa vào giới thiệu của người nổi tiếng, tự đọc sách trước khi mua và nhớ lại những cuốn sách hay từng đọc khi còn nhỏ. 

Tuy nhiên, việc chọn sách chỉ là một bước nhỏ. Nếu phụ huynh không biết cách mở lòng mình với sách, với trẻ thì sẽ rất khó tạo cho con niềm hứng thú đọc sách. Để trẻ tò mò với cuốn sách, đầu tiên phụ huynh phải đọc trước thật kỹ sách và hình thành trong đầu một số câu hỏi, sau đó họ phải thu hút sự chú ý của trẻ bằng những trò chơi nhỏ và tìm cách nhập vai, thay đổi giọng điệu khi đọc. 

Để kết thúc, phụ huynh nên gợi mở những vấn đề sách chưa nói hết và khuyến khích trẻ đọc thêm để tìm hiểu.

Với nhiều câu chuyện cần lan tỏa như thế, các "thủ thư" trẻ của Đủng Đỉnh Đọc đã không quản những thử thách để kiên trì mở cửa thư viện, góp phần gieo và nuôi dưỡng niềm vui đọc sách ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.

Thủ thỉ đọc truyện

Để Đủng Đỉnh Đọc (số 57/21 Trần Nhân Tôn, Q.5, TP.HCM) trở thành nơi chốn quen thuộc với các em nhỏ, thành viên trong nhóm phải chủ động sắp xếp công việc và duy trì thời gian mở cửa từ 13h30 đến 18h30 (thứ ba đến chủ nhật hằng tuần).

Sau nhiều đợt chuyển địa điểm, năm nay lần đầu thư viện có một mùa hè trọn vẹn với hàng loạt chương trình Thủ thỉ đọc truyện vào các buổi chiều thứ bảy và sáng chủ nhật. Bên cạnh đó, các workshop thủ công cũng diễn ra thường xuyên.

Cuốn sách gần đây nhất em đọc là gì?

TTO - 'Thưa cô, em không nhớ nữa'. Năm này qua năm khác, lớp sinh viên này qua lớp sinh viên khác, tôi vẫn phải nhận những lời chia sẻ hết sức chân thành nhưng cũng thật xót xa.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên