Bà Thương (vợ ông Vươn) và bà Hiền (vợ ông Quý) vẫn ngày ngày thả lưới đánh cá tại khu đầm để mưu sinh - Ảnh: Thân Hoàng |
Trong đợt đặc xá năm 2015 có 18.000 trường hợp được trình đề nghị Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương xem xét trước khi trình Chủ tịch nước xét duyệt, ra quyết định.
Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (C86) Bộ Công an, cho biết các trường hợp được đề nghị đặc xá trong danh sách đều đảm bảo các điều kiện theo văn bản hướng dẫn.
Trong danh sách đề nghị đặc xá có trường hợp hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý (bị bắt và kết án trong vụ chống đối lại cơ quan cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).
Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) không giấu nổi niềm vui chờ ngày đoàn tụ. Gần bốn năm anh em ông Vươn chấp hành hình phạt trong trại giam ở Hải Dương, bà Thương phải “đóng hai vai”, vừa kiếm tiền nuôi hai con trai đang tuổi ăn học, vừa lo thăm nuôi chồng mỗi tháng một lần.
“Đợt rồi lên trại thăm chồng thấy cán bộ thông báo có tên trong danh sách phạm nhân được đặc xá, cả nhà ôm nhau khóc. Từ hôm đấy về vui đến nỗi đứng ngồi không yên, cứ mong ngóng từng ngày” - bà Thương tâm sự.
Khu đầm của gia đình bà Thương rộng hơn 30ha, từ ngày ông Vươn đi cải tạo vẫn được chăm sóc cẩn thận, canh tác thường xuyên. Cả khu bãi chuối ngày trước bị giập nát sau đợt cưỡng chế cũng được trồng lại xanh tốt.
Kể từ ngày ngôi nhà hai tầng bị đoàn cưỡng chế phá hủy trái pháp luật, bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) cùng hai con nhỏ phải chuyển về ở cùng mẹ con bà Thương trong ngôi nhà cấp 4.
“Lúc bị phạt tù, anh Vươn dặn dò dù vất vả đến đâu chị em tôi ở nhà cũng cố mà giữ khu đầm này, còn đầm thì không bao giờ lo đói” - bà Thương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận