Bạn Nguyễn Văn Lâm (phải) thử nghiệm một số phương thức lọc nước sạch - Ảnh: C.Nhật |
Đằng sau mỗi bộ hồ sơ dự thi đầy ắp những phân tích chuyên môn xoay quanh đề tài nước là tâm tình của những bạn trẻ có cùng niềm đam mê với nước sạch...
Nặng lòng vì nước khan hiếm
59 Đó là số lượng dự án đã được gửi về chương trình Mùa hè nước 2014 (do Bộ Tài nguyên - môi trường VN, nhãn hàng Comfort Một lần xả và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức). Cuộc thi sẽ tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 13-7. Thông tin chi tiết về chương trình có tại website: www.1tym3nuoc.vn. Cuộc thi ra đời với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước sạch. |
Rụt rè trong đời thường nhưng lại trở nên sinh động khi câu chuyện quay về vấn đề nước sạch, đó là bạn Lê Minh Vương (22 tuổi, khoa khoa học môi trường ĐH Sài Gòn). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Ninh Thuận, Minh Vương sớm quen cảnh sống thiếu nước sạch cũng như nhiều lần chứng kiến cảnh tôm chết trắng đồng do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. “Đó là lý do tôi quyết tâm theo đuổi ngành môi trường và luôn góp mặt ở những cuộc thi về lĩnh vực này. Dự án đã được tôi ấp ủ, lên ý tưởng từ năm 2 đại học” - Minh Vương giải thích về bản thảo thiết kế “Bình lọc nước thông minh phục vụ người dân nông thôn và người dân tộc thiểu số” gửi cho Mùa hè nước 2014.
Cũng xuất thân từ nhà nông, trải qua biết bao mùa hạn hán nối tiếp lũ lụt ở miền Trung... nên Nguyễn Văn Lâm (22 tuổi, ĐH Công nghiệp TP.HCM) tìm đến cuộc thi Mùa hè nước 2014 với dự án “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thực tế để xử lý nước cấp giá rẻ và chuyển giao cho người dân ở Quảng Bình”. “Cứ đến mùa lũ hay hạn hán là người dân quê tôi lại khổ sở vì nước. Nhà nào có điều kiện thì cắn răng bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để mua vài mét khối nước, còn không phải chấp nhận dùng nước nhiễm phèn, sắt độ nặng. Vì dùng nước bẩn trong thời gian dài mà làng tôi có rất nhiều người mắc bệnh ung thư” - Lâm nghẹn giọng kể.
“Đề xuất mô hình kinh tế sinh thái từ cây dừa nước nhằm cải thiện môi trường nước ở Cần Giờ” của nhóm NYPA là một trong những dự án được đánh giá có tính chuyên môn cao và thiết kế “hoành tráng” nhất cuộc thi tính đến thời điểm hiện tại. Phía sau dự án này là sự chung sức của nhóm sinh viên năm 4 khoa địa lý ĐH KHXH&NV TP.HCM. “Theo tìm hiểu từ nhiều nguồn, cây dừa nước có khả năng tham gia quá trình tự làm sạch của môi trường nước. Rừng dừa nước có vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước” - nhóm sinh viên đến từ miền Tây giải thích về dự án của nhóm.
Hơn cả một đam mê
Bận rộn với lịch đi làm thêm, ôn thi tốt nghiệp... nhưng các thành viên nhóm NYPA vẫn đều đặn hằng tuần tập hợp để trao đổi đề tài với chuyên viên đến từ Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo (thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM). “Ngoài chức năng trên thì từ dừa nước, bà con cũng có thể tạo ra những sản phẩm, nguyên liệu khác. Chúng tôi đang nghiên cứu quy trình sản xuất dịch nhựa cây để lấy đường, rượu... Nếu thành công bà con sẽ vừa có nước sạch, vừa có thêm một cách để mưu sinh từ loại cây rất gần gũi với dân miền Tây này” - bạn Đại Long (trưởng nhóm) chia sẻ.
Hỏi có chạnh lòng không khi các thành viên nhóm NYPA sẽ chỉ được trao số tiền tượng trưng (2 triệu đồng/người), còn giải thưởng 50 triệu đồng sẽ được chuyển thẳng đến đơn vị bảo trợ dự án, câu trả lời là những nụ cười thật tươi. “Cuộc thi cho chúng tôi cơ hội hiện thực hóa giấc mơ đem nước sạch, cơ hội làm ăn... đến bà con ở dưới quê. Vậy là đủ rồi!”, các thành viên bộc bạch.
“Chuyện nhỏ!”, bạn Minh Vương nở nụ cười đầy lém lỉnh khi nhận câu hỏi tương tự. Chàng sinh viên thường xuyên nhận học bổng khuyến học cho con nhà nghèo, đi lại hoàn toàn bằng xe buýt này cho biết việc tham gia các cuộc thi khoa học luôn giúp bạn được nhiều hơn mất. “Như ở cuộc thi này, nếu may mắn là người thắng cuộc, tôi sẽ được tạo điều kiện thực thi ý tưởng, đam mê của mình. Còn nếu không may mắn thì ít ra có dịp học thêm nhiều kiến thức mới...” - Minh Vương khẳng định.
“Cuộc thi Mùa hè nước 2014 sẽ là cơ hội cho tôi và những bạn trẻ có chung niềm đam mê với nước được thỏa sức sáng tạo, cống hiến cho quê hương” - Nguyễn Văn Lâm nói, giọng đầy quả quyết...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận