Giữa năm 2017, thông tin xuất hiện một đàn voọc chà vá chân xám tại một số chỏm núi ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã gây ngạc nhiên đối với tỉnh Quảng Nam và nhiều nhà khoa học. Một gia đình voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. Ảnh: Bùi Văn Tuấn Ngay khi thông tin trên được kiểm lâm kiểm chứng, một dự án giải cứu voọc đã được UBND tỉnh Quảng Nam khởi động. Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Tôi đã trực tiếp vào khu vực có voọc và chỉ đạo bằng mọi cách phải bảo vệ, giữ lại được đàn voọc quý này. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã trình ra ba phương án và chúng tôi đang thiên về phương án thứ ba”. “Đàn voọc nghèo” Voọc chà vá chân xám không phải là loài linh trưởng quá hiếm hoi và chỉ duy nhất có ở Núi Thành. Tuy nhiên, đây là loài đặc hữu của VN, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Số lượng của quần thể ước khoảng 550-700 con. Nhưng voọc ở Tam Mỹ Tây “khổ” hơn hết, khi ngôi nhà của chúng đang dần biến mất. Thay vì có thể di chuyển và phát triển trong ngôi nhà rộng lớn hàng ngàn cây số trên bình lưu những cánh rừng mạn tây khối núi Trường Sơn kéo về giáp biển, đất sống của những chú voọc chà vá chân xám ở đây ngày mỗi thu hẹp. Chúng buộc phải lùi lên những chỏm đá mà người dân không thể phát đốt. Tổ trưởng tổ kiểm lâm số 2 đóng tại thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây - ông Phan Minh Huấn, cho biết do rừng bị phát đốt để trồng keo nên toàn bộ đàn voọc đang co cụm trên bốn chóp núi gồm hòn Dương Bông (7,5ha), hòn Dồ (10,5ha), hòn Ôn (7,5ha) và Dương Bản Lầu (khoảng 4ha). “Mỗi chóp núi lại có một gia đình voọc sinh sống. Chúng chỉ loanh quanh bòn mót những đọt lá ở đó để kiếm ăn chứ không thể di chuyển qua nơi khác bởi nơi chúng ở đã hoàn toàn bị chia cắt” - ông Huấn nói. Ông Trần Hữu Vy - giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), đơn vị được tỉnh Quảng Nam mời tư vấn, lập hồ sơ dự án bảo tồn đàn voọc ở Tam Mỹ Tây - cho biết: “Tôi không nghĩ rằng ở Núi Thành lại có voọc, nhưng điều xót xa hơn là chúng quá nghèo và cô đơn. Chúng tôi kiểm đếm và xác định được có tất cả 50 cá thể, chia thành nhiều gia đình đang thu mình trên 4 chóp núi. Đây là một câu chuyện cho thấy sức tàn phá của con người và nếu không kịp hành động, số phận của 50 con voọc này cũng sẽ kết thúc bi thảm như tất cả các loài thú khác ở quanh đó” . Ba phương án cứu voọc Những ngày này, UBND huyện Núi Thành cùng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và các đơn vị đang khẩn trương lấy ý kiến gấp rút hoàn thiện đề án bảo tồn đàn voọc Tam Mỹ Tây trước khi trình UBND tỉnh Quảng Nam quyết định. Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Từ Văn Khánh, đề án mà UBND tỉnh đang thiết lập kiên định mục tiêu duy nhất là nới rộng diện tích rừng, bằng mọi cách phải trả lại rừng cho voọc, giúp các đàn không còn bị tình trạng cô lập trên bốn chóp núi. Qua các cuộc hội thảo, đã đề ra ba phương án gồm: 1.Nhà nước bỏ ra 100% chi phí để mua lại toàn bộ đất rừng mà người dân đang canh tác bao quanh các ngọn núi. 2.Nhà nước hỗ trợ đền bù 50%, người dân chịu “hi sinh” phần còn lại để tạo rừng cho voọc và khi có nguồn thu từ du lịch thì chia đôi. 3.Nhà nước không đền bù đất rừng, thay vào đó số tiền đúng ra được đền bù cho người dân được xác định là nguồn vốn của người dân góp vào làm cổ đông cho mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp du lịch sinh thái; cổ đông được tham gia vào quản lý, điều hành và được chia lợi nhuận theo cổ phần góp vốn. “Mỗi phương án đều có những điểm tối ưu và khó khăn đi kèm, nhưng chúng tôi ủng hộ phương án thứ ba. Tức là Nhà nước không đền bù rừng mà để người dân góp rừng, tự nguyện nhường rừng theo định hướng khoanh vùng của tỉnh. Khi rừng được mở rộng, kèm theo du lịch phát triển thì người dân được hưởng lợi theo tỉ lệ đất, công sức mà họ đã bỏ ra. Phương án này vừa đảm bảo quyền lợi của dân gắn liền với việc bảo vệ rừng, vừa hạn chế kinh phí cho ngân sách nhà nước bởi nếu đền bù theo quy định hiện hành thì cần số tiền rất lớn”, ông Từ Văn Khánh cho biết. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng ủng hộ phương án thứ ba. Ông Thanh nói thêm: “Tôi đã liên lạc, đặt vấn đề với một tập đoàn lớn để mời gọi đơn vị này đầu tư vào dự án bảo tồn voọc ở Tam Mỹ Tây. Hiện nay các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ để tỉnh làm việc cụ thể với nhà đầu tư, mời họ trực tiếp khảo sát dự án. Chúng tôi đặt quyết tâm giữ lại rừng, bảo vệ voọc bởi tương lai sau này. Một khi dự án thành công thì môi trường tự nhiên sẽ rất tốt và Tam Mỹ Tây cũng nằm sát TP Tam Kỳ, thuận lợi đường sá nên đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái, ngắm voọc hoang dã rất thuận lợi”. Vào mùa khai thác keo, rừng bị chặt trắng, chỉ còn những chỏm núi nơi đàn voọc đang cư ngụ. Ảnh: B.D. “Vác tù và” canh đàn voọc Trong những ngày về Tam Mỹ Tây để theo dõi câu chuyện bảo vệ đàn voọc, chúng tôi nghe nhiều về việc làm của người dân. Ông Phan Minh Huấn cho biết khi về đây nhận công tác kiểm lâm, ông đã rất xúc động khi biết đã có một nhóm người dân tự đứng ra tổ chức đội tuần tra bảo vệ voọc. Tổ này ban đầu chỉ có ba thành viên gồm ông Nguyễn Dư, Nguyễn Hải và ông Lương Thanh Vân. Chứng kiến rừng bị khoanh đốt và voọc mất dần đất sống, ba người dân này tự thống nhất với nhau lên kế hoạch tuần tra rừng, ngăn chặn các ngả rừng để không một người lạ nào có thể lọt vào đặt bẫy. Nhận thấy hiệu quả của tổ này, ngày 9-5-2019, UBND xã Tam Mỹ Tây đã quyết định thành lập tổ với 10 thành viên. Tất cả đều là người dân trong 6 làng thuộc xã. Ông Nguyễn Dư, tổ trưởng tổ bảo vệ voọc, cho biết hằng ngày anh em trong nhóm tự lên kế hoạch theo giờ để đi tuần tra. Do không có kinh phí nên toàn bộ xăng xe, cơm nước mọi người phải tự lo liệu. Mới đây, khi trực tiếp vào khảo sát, Trung tâm GreenViet đã hỗ trợ mỗi năm 6 triệu đồng để anh em có chi phí tăng cường giám sát. “Chúng tôi tổ chức tuần tra, theo dõi mọi biến chuyển của đàn voọc. Tuyến đường vào xã đều có người dân ở đầu xã theo dõi và báo thông tin, bất cứ ai có ý định săn bắt hay xâm hại voọc đều được báo về để anh em cùng kiểm lâm xử lý” - ông Dư nói. Hôm chúng tôi đến vào một ngày trung tuần tháng 2-2020, tổ tuần tra bảo vệ voọc này vừa có một chuyến làm việc khá thú vị: những thành viên tổ bảo vệ được “mật báo” đang có một nhóm thợ săn xã bên có ý định qua rừng voọc để đặt bẫy. Ngay lập tức, tổ bảo vệ nhóm họp và quyết định sẽ đánh xe máy qua tận nơi, tìm gặp người được đề cập để tìm hiểu cho “ra nhẽ”. Ông Dư kể: thông tin bắt voọc chỉ ở dạng “mật báo”, sự việc chưa rõ ràng nên qua nói chuyện thế nào cho không xảy ra căng thẳng là việc rất khó. Tổ chúng tôi hội ý với nhau rồi quyết định mua mồi nhậu, kẹp theo một thùng bia rồi tìm đến nhân vật bị cho là có ý định đi săn voọc. Khi nhậu say, anh em gợi ý hỏi chuyện thì người này cười ha hả bảo rằng đó là chỉ nói vui chứ không hề có ý định săn bắn voọc. Anh em nghe mà nhẹ cả lòng! Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, ông Nguyễn Văn Thịnh, khẳng định: “Chỉ người dân mới giữ được voọc, giữ được rừng bởi họ sống bao quanh, đi lên rẫy thường xuyên và tiếp xúc với linh trưởng hằng ngày. Không có quyết tâm và đồng thuận thì chắc chắn đàn voọc đã biến mất”. Ông Trần Hữu Vỹ, giám đốc GreenViệt, cho biết ông đã thực hiện dự án ở nhiều nơi trên cả nước, nhưng không một nơi đâu mà ý thức bảo vệ linh trưởng được đặc biệt đồng thuận như tại Tam Mỹ Tây. “Người dân ở đó tự nguyện bảo vệ voọc trước khi Nhà nước xuống điều tra khảo sát. Họ nói với anh em chúng tôi rằng họ thấy mấy con voọc có khuôn mặt hiền lành, giống vượn và chúng không phá như khỉ. Họ tự nguyện đi bảo vệ, tự nguyện nhường thức ăn, cây cối để đàn voọc được sống bình yên” - ông Vỹ nói.■ Một số người dân đã tự nguyện nhường rừng cho voọc Ngoài việc tự nguyện tuần tra bảo vệ đàn voọc quý chờ dự án “giải cứu” của chính quyền, nhiều năm nay một số người dân có nương rẫy quanh nơi trú ngụ của đàn voọc chà vá chân xám cũng đã tự nguyện nhường rừng cho đàn linh trưởng. Ông Võ Ngọc Danh cho biết ông có 7,5ha rừng nằm sát một trong 4 chóp núi đang có voọc trú ngụ, từ nhiều năm nay ông đã không còn canh tác 4 sào rẫy nằm sát rừng, toàn bộ đất được để cây cối mọc tự nhiên cho voọc có thêm chỗ kiếm ăn. Tương tự, khoảnh rẫy của ông Nguyễn Nhiên nằm kế bên cũng được dành ra một phần diện tích để voọc ra hái lá. Tags: Quảng NamVoọc chà váNhường rừng cho voọcVoọc chà vá chân xám
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.