Giải pháp nào sẽ được áp dụng làm mát Trái Đất trong tương lai? - Ảnh: IndiaCelebrating.com
Geoengineering là thuật ngữ mới để chỉ những ý tưởng làm mát Trái Đất bằng các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng thúc đẩy nghiên cứu phương pháp Geoengineering rất quan trọng vì nhiều kế hoạch sẽ có giá trị bền vững lâu dài. Nhưng đồng thời cũng cho biết Geoengineering có thể là phương pháp cuối cùng khi bắt buộc phải dùng đến.
Mây bụi tiểu hành tinh
Mô phỏng cách dùng bụi khí hạn chế ánh sáng mặt trời - Ảnh: NASA
Các nhà khoa học Scotland đưa ra ý tưởng dùng mây bụi xung quanh tiểu hành tinh giảm ánh sáng mặt trời xuống Trái Đất. Các tiểu hành tinh được đưa đến độ cao cân bằng giữa trọng lực Trái Đất và lực hấp dẫn của mặt trời, tránh trường hợp chúng rơi xuống Trái Đất hay trôi dạt về phía mặt trời.
Các nhà khoa học sẽ đặt phi thuyền trên một hòn đá trong không gian giữ vai trò phun bụi vào đúng vị trí, hình thành một lớp mây xung quanh tiểu hành tinh giúp ngăn một lượng ánh sáng đáng kể.
"Tấm khiên" chống mặt trời
Mô phỏng những mảnh kính giúp phản xạ ánh sáng mặt trời - Ảnh: UA Steward Observatory
Một phương án khác là dựng một tấm kính mờ khổng lồ cũng tại vị trí cân bằng trong không gian giữa trọng lực Trái Đất và lực hấp dẫn của mặt trời. Tấm kính có thể rộng bằng diện tích Ấn Độ giúp phản chiếu lại ánh sáng mặt trời đến Trái Đất.
Vì đặt một khối kính khổng lồ trên không gian trong thực tế là điều không tưởng, do đó phi hành gia Roger Angel cho rằng có thể thay thế bằng hàng tỉ miếng nhỏ khoảng 60cm và rất mỏng.
Angel nói rằng hoàn toàn có thể đưa những miếng kính nhỏ lên không gian bằng tàu vũ trụ rồi nhờ vào sức đẩy ion thả những miếng kính này xuống đúng vị trí.
Angel cho rằng công việc này hoàn toàn có thể thực hiện được trong 25 năm tới và tiêu tốn khoảng vài tỉ đô la.
"Khoác áo" cho biển
Bọt biển trắng sẽ giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời và giữ mát cho đại dương - Ảnh: Pexels
Trên trang Popular Science, các nhà khoa học lên ý tưởng dùng nhựa trắng che phủ toàn bộ vùng biển Bắc Cực, trong đó chủ yếu dùng những vật nổi trên mặt nước, giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời tốt hơn, giữ cho vùng biển Bắc Cực ấm hơn.
Một ý tưởng khác cho rằng có thể bao phủ đại dương này bằng những bong bóng khí cực nhỏ. Bong bóng có màu trắng cũng giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời, làm mát biển khơi.
Hệ thống bơm bong bóng có thể được gắn liền với các đập nước, bể chứa nước hay dưới các tàu biển. Tuy nhiên phải tốn lượng năng lượng lớn và các máy bơm phải hoạt động liên tục để cung cấp đủ số bong bóng bao phủ đại dương.
"Chiếc dù" khí sulfur
Kích thích núi lửa để đem SO2 che chở Trái Đất liệu có phải là cách hay? - Ảnh: iStock
Các nhà khoa học cho rằng có thể tác động vào núi lửa nhân tạo để tạo ra những vụ phun trào, đưa một lượng sulfur (lưu huỳnh, thành phần có trong tro núi lửa) vào bầu khí quyển và cố định ở vị trí thích hợp.
Các phân tử sulfur phản xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời trở lại không gian và có thể tạo ra một bóng mát lớn cho Trái Đất.
Bức tường xanh sa mạc
Màu vàng chỉ khu vực chính của “Bức tường xanh vĩ đại”, màu xanh chỉ các quốc gia tham gia - Ảnh: afrika-news.com
Châu Phi nổi tiếng với dự án dựng Bức tường xanh vĩ đại (The Great Green Wall), một dự án hợp tác giữa nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara đồng thời giúp hấp thụ một lượng lớn CO2 trong không khí. Cụ thể, các quốc gia thúc đẩy các biện pháp kiểm soát sa mạc hóa mà đơn giản nhất là trồng thêm nhiều cây xanh.
Michael MacCracken - nhà khoa học từ Viện Khí hậu (Mỹ) cho biết vào thời điểm hiện tại, xây dựng các sa mạc xanh có thể là một chiến lược tốt để hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên MacCracken cho rằng nếu sự phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng thì một sa mạc xanh không thể hấp thụ được lượng lớn CO2.
Thuyền tạo mây
Một chiếc thuyền tạo mây trong tương lai - Ảnh: Getty Images
Chiếc tàu đặc biệt có các thiết bị dùng năng lượng gió mà khi vận hành sẽ lấy nước biển và phun vào không gian giúp tạo ra những đám mây trên đại dương, phản xạ nhiệt của mặt trời.
Các nhà khoa học cho rằng khoảng 1.500 con tàu có thể tạo ra những bóng mát tức thì, càng nhiều mây thì phản chiếu càng nhiều ánh sáng mặt trời.
Thêm sắt vào đại dương
Loài tảo Chaetoceros atlanticus phát triển mạnh khi trong nước biển chứa nhiều sắt. Chúng sẽ lấy CO2 trong không khí sau đó chuyển vào đại dương - Ảnh: Marina Montresor
Trên trang National Public Radio, các nhà khoa học cho rằng thêm sắt vào đại dương giúp khuyến khích sự phát triển của các loài thực vật phù dù có khả năng hấp thụ CO2.
Các nhà khoa học thực hiện hơn chục thử nghiệm gieo hạt sắt trên khắp thế giới và thu được thành công nhất định. Hiện nay các nhà khoa học đang lên kế hoạch thực hiện những thử nghiệm lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận